Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Sau hơn một năm, Taliban vẫn 'tứ bề thọ địch'

Một năm sau khi Taliban kiểm soát Kabul, các phong trào chống đối tại Afghanistan vẫn tồn tại nhưng không còn gây thách thức đáng kể đến vị thế của Taliban.

“Sự kháng cự đang diễn ra với hình thức quân sự ở một số khu vực tại Afghanistan”, bà Weeda Mehran, chuyên gia về Afghanistan tại Đại học Exeter (Anh), nhận định với Zing.

Dù Taliban tuyên bố đã kiểm soát toàn bộ đất nước, nhiều thông tin chỉ ra một số lực lượng chống đối quy mô nhỏ vẫn đang hoạt động tại Afghanistan, gây ra thương vong cho cả hai phía.

“Khu vực gây ra thách thức an ninh chính cho Taliban, buộc tổ chức này phải có hành động chủ yếu ở miền Bắc đất nước, cũng như các khu vực như Takhar hay lân cận tỉnh Panjshir”, bà Mehran nói.

Nhiều sức ép khắp nơi

Một bài báo hồi tháng 6 của Washington Post tiết lộ một cuộc nổi dậy chống Taliban ở quy mô nhỏ vẫn đang diễn ra tại thung lũng Panjshir, bất chấp việc thông tin này bị Taliban phủ nhận.

phe doi lap o afghanistan anh 1

Bà Weeda Mehran, chuyên gia về Afghanistan tại Đại học Exeter (Anh). Ảnh: UPenn.

Chỉ huy một nhóm chống đối có xấp xỉ 100 người tại Panjshir cho biết hầu hết vũ khí được đưa từ bên ngoài vào Afghanistan qua biên giới với Uzbekistan và Tajikistan.

Bà Mehran chỉ ra phong trào chống đối Taliban không thống nhất hay quy về một mối. Thay vào đó, đây là tập hợp của nhiều nhóm khác nhau - một số hoạt động trong lãnh thổ Afghanistan, một số có trụ sở hoặc lãnh đạo ở nước ngoài như Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ hay một số nước châu Âu.

Bà Mehran cho biết một số phong trào chống đối Taliban nổi bật có thể kể đến như Mặt trận Kháng chiến Quốc gia (NRF), Hội đồng Kháng chiến Quốc gia Tối cao hay Mặt trận Tự do Afghanistan.

NRF được lãnh đạo bởi ông Ahmad Massoud, con trai nhà lãnh đạo chống Taliban nổi tiếng Ahmad Shah Massoud - người được mệnh danh là “Sư tử Panjshir”.

“Bên trong Afghanistan, họ đang hoạt động tại Panjshir¸ Takhar, Badakhshan. Họ đang chiến đấu ở đó”, bà Mehran cho biết. “Họ đã thực hiện một số hoạt động quân sự”.

Hội đồng Kháng chiến Quốc gia Tối cao được thành lập tại Thổ Nhĩ Kỳ bởi một số chính trị gia và lãnh chúa quân sự trong chính quyền cũ, bao gồm cựu Phó tổng thống Afghanistan Abdul Rashid Dostum, AFP cho biết.

“Mặt trận Tự do Afghanistan cũng là một nhóm bao gồm những người muốn chống lại Taliban”, bà Mehran nói. “Trong các nhóm kể trên, một số thành viên tham gia từ hai đến ba nhóm”.

Tuy nhiều lãnh đạo đối lập Taliban hoạt động ở nước ngoài, tính đến tháng 8/2022, chưa chính phủ nước ngoài nào chính thức công nhận Taliban. Đồng thời, cũng không quốc gia nào công khai ủng hộ lực lượng chống đối.

Bà Mehran chỉ ra dù có một số ý kiến nhận định Tajikistan có thể đang ủng hộ phong trào chống Taliban tại Afghanistan, nhưng quốc gia này chưa từng xác nhận thông tin trên.

Bên cạnh các phong trào chống đối kể trên, Taliban cũng phải đối mặt với thách thức từ các nhóm khủng bố đang hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan như al-Qaeda hay chi nhánh Khorasan của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS-K).

Ngoài ra, các phong trào Hồi giáo tại Pakistan, Tajikistan hay Uzbekistan - vốn có căn cứ trong lãnh thổ Afghanistan - cũng là điều Taliban cần quan tâm, bà Mehran cho biết.

“Họ không bó hẹp trong lãnh thổ Afghanistan và Taliban không thể kiểm soát hoàn toàn”, vị chuyên gia nhận định. “Đây đã trở thành một thách thức an ninh ở tầm khu vực, khiến cả các quốc gia láng giềng lẫn các cường quốc quan ngại”.

phe doi lap o afghanistan anh 2

Lực lượng kháng chiến chống Taliban tập luyện ở tỉnh Panjshir, Afghanistan hồi tháng 9/2021. Ảnh: AFP.

Sự kháng cự mong manh

Bà Mehran nhận định chính phủ Taliban đang ở trong một tình huống bấp bênh, khi kinh tế đang đối mặt với sự sụp đổ, trong khi về chính trị, Taliban gặp không ít thách thức từ phe đối lập cũng như các tổ chức khủng bố.

“Taliban đang rất mỏng manh, và vì sự tồn vong, nhiều khả năng họ sẽ phải đạt một thỏa thuận với các lực lượng đối lập nếu Taliban muốn giữ quyền lực ở Afghanistan. Nếu Taliban tiếp tục tình cảnh với nhiều khó khăn như hiện tại, chính phủ có thể sụp đổ không sớm thì muộn”, bà Mehran nói với Zing.

Taliban chịu không ít sức ép từ các phe đối lập, song theo bà Mehran, lực lượng chống Taliban hiện chưa được tổ chức bài bản và cũng không đủ tiềm lực để gây thiệt hại đáng kể hay thậm chí là lật đổ chính phủ.

“Họ đã gây không ít rắc rối cho Taliban, và giao tranh vẫn tiếp diễn ở một số khu vực. Những điều này đem lại thách thức cho Taliban, vốn đang gặp nhiều sức ép từ nền kinh tế. Tuy nhiên, họ (phe đối lập) cần nhiều sự hỗ trợ hơn, vì hiện nay khí tài hay tiềm lực tài chính không cho phép họ phát động một chiến dịch lớn chống lại Taliban”, bà nói.

Tương đồng với quan điểm của bà Mehran, nhà báo Lynne O’Donnell của Foreign Policy hồi tháng 5 cho biết trong ngắn hạn, các phe chống đối khó có thể đánh bại hỏa lực vượt trội của Taliban - với nhiều khí tài là chiến lợi phẩm từ Mỹ sau khi Washington rút quân.

Trong khi đó, các quốc gia láng giềng ở Trung Á không mặn mà với việc hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy, điều có thể đẩy Afghanistan rơi vào cuộc nội chiến toàn diện.

Tuy vậy, lực lượng đối lập có thể kéo Taliban vào một cuộc xung đột dài hạn, ẩn trong các khu dân cư và tận dụng kiến thức về địa hình để tổ chức những cuộc đánh du kích.

Đây được xem là chiến thuật mà Taliban lo ngại nhất, và đã có những báo cáo về việc chính phủ hành quyết dân thường ở một số điểm nóng giao tranh để loại bỏ nguy cơ người dân hỗ trợ các nhóm nổi dậy, bà O’Donnell cho hay.

phe doi lap o afghanistan anh 3

Một số binh lính Taliban cầm súng trường M16 - vũ khí phổ biến của quân đội Mỹ. Ảnh: AP.

Zalmai Nishat, cựu cố vấn chính sách công cho chính quyền cũ ở Afghanistan, nói rằng chiến thuật của Taliban là cố loại bỏ bất kỳ phe đối lập nào.

“Chiến thuật là khiến họ sợ hãi và tổn thương bằng cách đánh đập và giết chóc ở Panjshir, Andarab và các khu vực khác, để những nơi này không trở thành trung tâm của phong trào phản kháng”, ông Nishat nói.

Trong khi đó, ông Nangialai Amin, cựu trung tá của quân đội Afghanistan, nói rằng một số phong trào kháng chiến ở Panjshir phải dùng những vũ khí từ những năm 1980. Họ chỉ biết dựa vào địa hình các thung lũng, nơi Taliban ít chú ý đến, song nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài, kháng chiến sẽ rất khó khăn.

“Lúc này, các nước khác chỉ đứng nhìn, và Afghanistan sẽ chìm trong giao tranh trong 2-3 năm tới, cho đến khi các nước thấy chính quyền Taliban không đem lại triển vọng cho lợi ích quốc gia của họ”, ông Amin nhận định.

Cái bắt tay với phe đối lập?

Bà Mehran nhận định chính phủ Taliban đang ở trong một tình huống bấp bênh, khi kinh tế gặp nhiều thách thức, trong khi về chính trị, họ đang phải đối đầu với nhiều phong trào nổi dậy.

“Taliban đang rất mỏng manh, và nhiều khả năng họ sẽ phải đạt một thỏa thuận với các lực lượng đối lập nếu Taliban muốn giữ quyền lực ở Afghanistan”, bà Mehran nói với Zing.

Bà cho biết Taliban không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhận thức rõ được tình hình hiện nay và đồng thuận với phe đối lập.

Giới quan sát an ninh khu vực nhìn nhận trong một năm qua, Afghanistan tuy giảm đáng kể về bạo lực nhưng đó chỉ là sự so sánh với giai đoạn xung đột khi Mỹ còn đóng quân tại đây.

Tương lai ổn định, thịnh vượng của Afghanistan vẫn là một lộ trình dài hạn, mờ nhạt, khi giới quan sát hầu như chưa tìm thấy những triển vọng tích cực về quá trình tái thiết đất nước phù hợp và có hiệu quả thực tiễn.

Tuy vậy, một số người lạc quan cho rằng một năm là quá sớm để đòi hỏi Afghanistan có những thay đổi rõ rệt, sau nhiều thập niên chìm trong xung đột. Dù còn những tranh cãi, Taliban đã dần nới lỏng những hạn chế nhằm tìm kiếm sự công nhận và hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Taliban loay hoay khi hàng chục triệu USD đổ về Afghanistan biến mất

Chia sẻ với Zing, chuyên gia nhận định dù Taliban mang lại một số điểm sáng hiếm hoi về kinh tế cho Afghanistan, cục diện u ám ở nước này vẫn khó thay đổi.

Taliban 2.0 tròn một năm cầm quyền với 'nắm đấm sắt'

Taliban đang kỷ niệm một năm kể từ khi lên nắm quyền trở lại ở Afghanistan vào ngày 15/8. Song năm đầu dưới sự thống trị bằng “nắm đấm sắt", tương lai đất nước ngày càng mờ mịt.

Việt Hà - Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm