Nhìn lại một năm ở Afghanistan từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền, ông Abid Amimiri, chuyên gia kinh tế và nhà phân tích chính sách người Mỹ gốc Afghanistan, cho rằng tình hình kinh tế nước này đã trở nên tồi tệ.
“Họ không có một chút thay đổi. Họ tiếp tục thực thi các chính sách hà khắc như cấm phụ nữ đi làm, và không cho nữ sinh trung học đến trường. Các chính sách này rất giống với những gì họ đã làm vào những năm 1990. Taliban 2.0 không khác gì Taliban 1.0”, ông nói với Zing.
Tiến sĩ William Byrd, chuyên gia kinh tế của Viện Hòa bình Mỹ (USIP). Ảnh: USIP. |
Tiến sĩ William Byrd, chuyên gia kinh tế của Viện Hòa bình Mỹ (USIP), cũng có chung quan điểm này.
“Việc cắt đứt mạnh mẽ tất cả viện trợ dân sự và an ninh cho Afghanistan, bắt đầu từ ngày 15/8/2021, đã khiến nền kinh tế nước này sụp đổ. Theo ước tính, nền kinh tế Afghanistan đã bị thu hẹp khoảng 30%”, ông nói.
Song ông Byrd cho rằng bên cạnh nhiều tiêu cực, lực lượng Taliban cũng mang đến một vài điểm tích cực cho nền kinh tế Afghanistan.
Điểm sáng hiếm hoi về kinh tế
“Một thay đổi tích cực (mà Taliban mang đến) là kết thúc giao tranh. Cuộc giao tranh lớn kết thúc là điều tốt đẹp cho nhiều người Afghanistan, các doanh nghiệp, công ty và có thể là cả nền kinh tế”, ông Byrd chia sẻ với Zing.
Bên cạnh đó, ông nhận định lực lượng Taliban có thể thu ngân sách tốt hơn nhiều so với chính phủ trước đó, cũng như giảm thiểu tình trạng tham nhũng nghiêm trọng tại hải quan và cửa khẩu biên giới.
Vị chuyên gia cũng cho rằng nền kinh tế Afghanistan đang bắt đầu ổn định. “Chúng ta thấy dấu hiệu ổn định sau một vài tháng thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế”, ông nói.
Ông Byrd cho biết theo ước tính, nền kinh tế Afghanistan bị thu hẹp khoảng 1/3 vì cú sốc liên quan đến viện trợ. Viện trợ trước đây chiếm khoảng 40% GDP, nhưng nguồn thu này đã bị xóa sổ vào ngày 15/8/2021, ông nói.
Theo chuyên gia Byrd, nền kinh tế Afghanistan đã dần ổn định sau một năm Taliban lên nắm quyền. Ảnh: AP. |
Một điểm tích cực khác là Taliban dường như ủng hộ khu vực tư nhân hơn so với chính phủ trước đây. Theo ông, họ đã ủng hộ dòng chảy thương mại tự do, tăng thu ngân sách, cũng như giảm thiểu tham nhũng ở trạm kiểm soát đường bộ và nhiều bộ phận khác.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, Taliban không giỏi trong việc kết nối với cộng đồng quốc tế hay tìm kiếm viện trợ phát triển, và sự ổn định ở Afghanistan vẫn ở mức thấp. “Nhiều người Afghanistan đã mất việc làm và sinh kế, cũng như không có đủ tiền để mua thực phẩm hay các nhu cầu cơ bản của họ”, ông chia sẻ.
“Trong các lĩnh vực khác, Taliban còn làm tồi tệ hơn và tạo ra nhiều vấn đề. Một đất nước không thể phát triển nếu một nửa dân số không được giáo dục đầy đủ hay hạn chế làm việc”, vị tiến sĩ nhận định, ám chỉ đến việc Taliban đàn áp quyền của phụ nữ.
Bên cạnh đó, ông chỉ ra rằng Taliban cũng không minh bạch về các khoản chi tiêu chính phủ. “Họ không minh bạch về ngân sách chi tiêu, chỉ có thông tin về nguồn thu, nhưng không có thông tin về các khoản chi. Vì vậy, cả cộng đồng quốc tế và người Afghanistan đều không biết họ đang đổ tiền vào đâu”, ông Byrd cho hay.
Bên cạnh đó, chuyên gia Amiri nhận định lạm phát leo thang cũng gây ra nhiều vấn đề, đè nặng lên người dân Afghanistan.
“Nền kinh tế Afghanistan phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và việc đồng tiền mất giá càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lạm phát đối với người dân”, ông Amiri nói.
Viện trợ quốc tế dành cho Afghanistan cũng là vấn đề được hai vị chuyên gia quan tâm. Theo ông Amiri, do Afghanistan không có sự liên kết với cộng đồng quốc tế, viện trợ cho Afghanistan đã giảm đáng kể. Trong khi đó, sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc hay Ngân hàng Thế giới là không đủ trước tình hình nghèo đói ở quốc gia này.
Về vấn đề này, ông Byrd cho rằng đối với Afghanistan, viện trợ nhân đạo, dù đã ít hơn trước rất nhiều, vẫn là điều cần thiết.
Theo vị chuyên gia, nhiều người Afghanistan đã mất sinh kế hoặc việc làm, và một số người trước đây thuộc tầng lớp trung lưu cũng đã rơi vào cảnh nghèo. Nhóm này có thể gồm những người nông dân đang phải chịu cảnh hạn hán, đến những người từng làm việc trong chính phủ.
“Và cũng đừng quên rằng khoản tiền 10-15 triệu USD mỗi năm mà các lực lượng quân sự quốc tế đã chi tiêu ở Afghanistan, cung cấp công ăn việc làm và sinh kế cho nhiều người. Tất cả điều đó đã biến mất”, ông Byrd khẳng định.
Xung đột tại Ukraine cũng đang ảnh hưởng tới viện trợ nhân đạo tại Afghanistan. Ông Byrd nhận định rằng trước khi “chiến dịch quân sự” ở Ukraine xảy ra, Afghanistan đã thu hút được nhiều viện trợ nhận đạo từ cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ông cho rằng xung đột tại Ukraine đã đặt nước này vào vị trí đầu tiên trong danh sách nhận viện trợ.
Dấu hiệu rạn nứt
Theo chia sẻ của ông Amiri, có rất nhiều báo cáo cho thấy Taliban đã thiếu sự chuẩn bị khi tiếp quản một đất nước.
“Họ không thể duy trì hoạt động của bộ máy chính phủ như trước đây. Các báo cáo đặc biệt cũng tiết lộ Taliban đang cố gắng thay thế các chuyên gia trình độ cao bằng các binh sĩ trẻ của họ, ở những vị trí rất quan trọng”, ông nói.
“Nhiều báo cáo cũng cho thấy số vụ hành quyết xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là những dấu hiệu của một chế độ kích động và gần như mất kiểm soát”, ông nhận định.
Điều này cũng được thể hiện rõ trong báo cáo công bố hồi tháng 7 của Phái bộ Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan (UNAMA) về tình hình nhân quyền ở quốc gia này kể từ khi Taliban tiếp quản.
UNAMA đã ghi nhận ít nhất 160 vụ giết hại các quan chức chính phủ và quan chức an ninh cũ do chính quyền Taliban thực hiện trong vòng 10 tháng kể từ tháng 8/2021.
Người Afghanistan nhận thực phẩm được phân phát tại thủ đô Kabul. Ảnh: AP. |
Bên cạnh đó, ông Amiri cho rằng sau một năm tiếp quản đất nước, nội bộ Taliban đã xuất hiện rạn nứt.
“Không còn nghi ngờ gì về những xích mích nội bộ trong giới lãnh đạo Taliban", vị chuyên gia cho biết. Theo ông, họ chủ yếu được chia thành ba phe.
Ba phe này bao gồm mạng lưới Haqqani (phe Taliban chịu trách nhiệm về một số vụ tấn công chết chóc nhất trong chiến tranh), nhóm Loy Qandahar thân cận với Mullah Baradar (người đồng sáng lập Taliban), và nhóm Loya Paktia do Sher Mohammad Abbas Stanikzai lãnh đạo, ông chia sẻ.
“Trong khi những người Haqqani được biết đến với quy tắc nghiêm ngặt, hai nhóm còn lại là những người tự do và cởi mở hơn với sự đổi mới”, ông nói thêm.
Theo ông, “một trong những ví dụ điển hình cho thấy (sự chia rẽ giữa các phe) là vụ tấn công tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri gần đây”.
“Các báo cáo cho thấy những quan chức Haqqani biết về nơi ở của Alzawahiri, nhưng những quan chức từ các nhóm khác tỏ ra bất ngờ trước thông tin này”.
Vị chuyên gia cũng xác nhận thông tin cho rằng Taliban đang đối mặt với sự bất bình từ những chiến binh đã chiến đấu cho họ. Những chiến binh này không nhận được phần thưởng như mong đợi và cũng phải chịu cảnh nghèo đói, thiếu việc làm.
“Ông Sirajuddin Haqqani (quan chức cấp cao trong chính quyền Taliban) từng phát biểu trước công chúng rằng họ không nên để vị trí trong chính phủ định nghĩa con người họ, mà là lòng trung thành với Thượng đế”, ông Amiri kể lại.
“Điều đó cho thấy binh lính của Taliban hiện mong muốn trở thành một phần của chính phủ. Những người không được thỏa nguyện chắc chắn sẽ chống lại họ và tham gia bất kỳ lực lượng chống Taliban nào khác, chủ yếu là nhóm khủng bố ISIS-K”, ông nói.
Từ những diễn biễn trong một năm qua tại Taliban, vị chuyên gia nhận định “tương lai của Afghanistan rất ảm đạm”.
“Trái bóng nằm trong sân của Taliban. Trừ khi họ thay đổi theo các chuẩn mực quốc tế - những điều mà cộng đồng quốc tế mong đợi - tình hình sẽ không có nhiều chuyển biến”, ông nói.
Theo ông Amiri, Taliban cần hỗ trợ tài chính, và nếu không có sự thỏa hiệp, lòng tin từ các nước tài trợ lớn, họ sẽ không nhận được viện trợ. “Kết quả là người dân Afghanistan sẽ phải chịu đựng trong nhiều năm tới”.
Đồng quan điểm với ông Amiri, tiến sĩ William Byrd nhận định nếu không có những thay đổi cơ bản về chính sách, “nền kinh tế Afghanistan sẽ mắc kẹt với tốc độ tăng trưởng chậm ngay cả khi có viện trợ nhân đạo”.
“Điều đó có nghĩa là đối với phần lớn người Afghanistan, không có dấu hiệu nào cho thấy thu nhập của họ được cải thiện, chưa nói đến việc trở lại mức trước năm 2021 trong tương lai gần. Vì vậy, đó là một viễn cảnh đầy u ám”, ông nói.