Chia sẻ tại Hội thảo năng lực lãnh đạo để thành công trong hội nhập, do Hội nữ Doanh nhân TP HCM tổ chức ngày 15/10, ông Thành kể câu chuyện của mình: “Ngày xưa, do quá nhiều khó khăn, tôi đã từng bỏ ngang việc học ở trường. Nhưng cái khó đó không thể bằng thời điểm hội nhập toàn cầu này. Bởi khi sự cạnh tranh luôn quyết liệt, ranh giới thành bại rất mong manh”.
Xưa học một nay phải học mười
Theo ông Thành, năm 1994, dù chỉ mới thành lập cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ, nhưng ông phải học hỏi rất nhiều. Ngày nay, môi trường cạnh tranh, thị trường thay đổi từng giây nên càng phải học nhiều hơn nữa."Xưa học một nay phải học mười nếu muốn tồn tại. Vạch chiến lược phát triển là vấn đề rất quan trọng trong việc xây dựng một thương hiệu. Không vạch được chiến lược hiệu quả, nghĩa là chúng ta thiếu tầm nhìn. Kinh doanh mà không có tầm nhìn thì không bền lâu. Nhưng đây đang là cái yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thành nói.
Kinh doanh nhưng thiếu tầm nhìn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt. Ảnh minh họa: N.Ý. |
Đồng tình với quan điểm đó, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch - TGĐ Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cũng chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam rất yếu về quản trị và tầm nhìn. “Thực sự chúng tôi đã chuẩn bị cho TPP mười năm trước rồi. Giờ nếu chuẩn bị thì không kịp nữa đâu. Dù nằm trong nhóm những đơn vị kinh doanh vàng bạc đá quý có uy tín trên thế giới, nhưng học nữa học mãi là điều mỗi thành viên của PNJ luôn tâm niệm”, bà Dung nói.
Theo ông Thành, ở Việt Nam, doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đội ngũ có năng lực, đào tạo từ trường lớp bài bản hầu như không đáp ứng được nhu cầu nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận cái mới.
"Riêng Kinh Đô, sau khi nhận thấy nguồn nhân lực có chất lượng quá khan hiếm, chúng tôi thành lập ngay trung tâm đào tạo nhân lực. Năm vừa rồi, sau khi chọn 3.000 cử nhân từ các trường đại học, Kinh Đô cho thi tuyển nhiều vòng để chọn ra những người tốt nhất tiếp tục đào tạo. Nhiều cán bộ của đơn vị lên phó tổng dù mới 31 tuổi, số nhân lực trẻ và năng động vì thế rất nhiều”, ông Thành khẳng định.
Theo ý kiến tại hội thảo, các vấn đề như tư vấn tài chính, kế toán kiểm toán hiện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh doanh, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt đang rất mơ hồ với khái niệm này. Bà Hà Thu Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, cho rằng, những năm trước, các khái niệm như tư vấn tài chính, kế toán và kiểm toán có thể coi nhẹ với nhiều doanh nghiệp, nhưng nay sẽ “chết” nếu làm ăn với thị trường khó tính.
Muốn thương hiệu uy tín lãnh đạo phải giỏi
Ông Thành khẳng định, người lãnh đạo giỏi là phải chỉn chu từ những điều nhỏ nhặt, như quan tâm chia sẻ với nhân viên, giữ lời hứa với đối tác. “Thương hiệu uy tín dù được đánh giá 100 điểm, nhưng với thị trường khó tính hiện nay, chỉ một tiêu cực nhỏ chúng ta có thể chỉ còn 0 điểm”, ông Thành nói.
Với bà Dung, lãnh đạo giỏi là người phải biết tập hợp những người giỏi, động viên quan tâm họ và dám đối mặt với thử thách. “Năm 31 tuổi làm giám đốc, tôi rất bỡ ngỡ. Nhưng nhờ câu nói 'em có tố chất', hãy dấn thân, của lãnh đạo công ty thời đó, mà tôi mới có được thành quả ngày hôm nay.
Lãnh đạo giỏi là người biết sử dụng người giỏi hơn mình. Nhận thức khả năng từng người xem thiếu sót gì bổ sung đó. Dù ở vị trí nào thì một ngày còn làm việc tôi cũng phải học, không học sẽ tụt hậu”, bà Dung nói.
Theo các chuyên gia, sau hội nhập TPP, về căn bản Việt Nam sẽ đứng trước thách thức lớn hơn là cơ hội. Nhưng việc quan trọng của doanh nghiệp là biết tuân thủ luật chơi, trong đó có tuân thủ pháp luât, minh bạch trong hệ thống quản trị doanh nghiệp.
Cạnh tranh tốt nhất là hãy chuyên tâm làm cái tốt
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Cạnh tranh tốt nhất là doanh nghiệp phát huy lợi thế của mình, chuyên tâm làm cái tốt để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Ảnh: Hải An. |
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam với trên 90% là vừa và nhỏ như hiện nay, sẽ là nhóm bị tác động tiêu cực nhiều nhất khi TPP được ký kết. Và càng dễ bị tác động hơn các doanh nghiệp Việt Nam có suy nghĩ triệt tiêu nhau, thay vì hợp tác cùng tiến.
“Lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ có hạn, nên việc hiệp lực là rất quan trọng”, bà Ninh nói.
Cũng theo bà Ninh, tư duy phổ biến của nhiều doanh nghiệp hiện nay là suy nghĩ mãi về đối thủ cạnh tranh mà quên mất đi lợi thế của mình, đây là suy nghĩ sai lầm. Cạnh tranh tốt nhất là phát huy cái tốt của mình. Hãy làm khác đi, mỗi người một phân khúc, hãy chuyên tâm làm tốt sẽ tạo ra được sản phẩm chung hoàn chỉnh.