Tại buổi tọa đàm "Năng suất lao động - Vấn đề của doanh nghiệp hay người lao động" sáng 14/10, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn ví von, năng suất lao động cũng như tỷ số bóng đá Thái Lan, Việt Nam tối 13/10.
Là một công dân Việt Nam, ông cũng tự thấy đáng hổ thẹn. "Hổ thẹn ở chỗ Việt Nam cùng làm ăn sinh sống trong khu vực, nhưng nước bên cạnh họ lại vươn lên. Năng suất lao động của Việt Nam rất thấp. Chúng ta không cần che giấu, đây là một sự thấp kém của Việt Nam", ông Thọ phát biểu.
Khuyến cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước đều chỉ ra rằng, mức lương người lao động phụ thuộc rất cơ bản vào năng suất lao động, mức giá sử dụng lao động và khả năng tăng trưởng của GDP. Lương tối thiểu của Việt Nam hiện chỉ cao hơn Campuchia, có lĩnh vực hơn Myanmar, Malaysia, nhưng nhìn chung vẫn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu.
Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn nêu ý kiến: "Khi người lao động còn đói, mức sống thấp hơn nhu cầu tối thiểu thì không thể đòi hỏi họ cố gắng có những kỹ thuật, những thái độ tốt hơn đối với các doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp".
Ông Vũ Quang Thọ chia sẻ, nhất thiết phải tăng mức lương tối thiểu trước mới giải quyết được năng suất lao động. Ảnh: Lao Động. |
“Chúng ta xem bóng đá tối qua cũng thấy, biểu hiện của năng suất lao động Việt Nam cũng là biểu hiện của bóng đá. Và tỷ số hôm qua là một trong những thứ tôi nghĩ cũng liên quan đến năng suất của chúng ta. Tất nhiên, đây là năng suất của bóng đá”, ông Thọ nhấn mạnh.
Các số liệu đưa ra tại tọa đàm cho thấy, trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ nhỉnh hơn của Lào, Campuchia và Myanmar một chút, về cơ bản thấp hơn tất cả các nước ASEAN. Tính theo giá cố định, tỷ giá của năm 2015 quy đổi theo sức mua tương đương, năng suất của Việt Nam tính bằng con số tuyệt đối năm 2013 chỉ đạt 5.500 USD. Mức này cao hơn Lào (5.400 USD), Campuchia (4.000 USD) và Myanmar (3.000 USD).
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam vẫn tăng nhưng chậm. Mức tăng chủ yếu do năng suất nội bộ ngành, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng và nhờ các nguồn lực giá rẻ.
"Mấy năm qua, chúng ta đã đạt tăng trưởng GDP tương đối và năng suất lao động theo đó cũng có tăng, nhưng chủ yếu nhờ khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên giá rẻ. Một trong những điểm quan trọng của tài nguyên ấy chính là giá công lao động thấp. Song lợi thế này đang càng ngày càng giảm đi, nhất là khi hội nhập. Chúng ta cam kết thực hiện các điều khoản khi vào TPP, là mức lương phải bảo đảm được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Điều này sẽ gây không ít áp lực", ông Thọ cho hay.
Theo các chuyên gia, trong những năm tới, theo lộ trình, tiền lương tối thiểu nhất thiết phải bằng nhu cầu sống tối thiểu. Hiện tại, Việt Nam vẫn là một trong những nước có mức lương tối thiểu thấp. Khi tiền lương đáp ứng như cầu sống tối thiểu của người lao động mới bàn đến năng suất lao động.
“Một số ý kiến cho rằng, nếu không bàn về năng suất lao động, chúng ta khó có cơ hội để tăng lương. Có người còn đưa ra lý thuyết về quả trứng hay con gà có trước. Nhưng tôi nghĩ, ở một giai đoạn nào đó, nhu cầu của chúng ta còn thấp hơn mức sống tối thiểu thì nhất quyết chúng ta phải giải quyết vấn đề quả trứng trước”, ông Thọ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Thanh tra – Thanh tra Bộ LĐTBXH chia sẻ thêm, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mức này thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần. Việt Nam là một trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia.
Theo ông Tuấn, năng suất lao động của người Việt Nam rất thấp so với thế giới và ngay cả khu vực là dấu hiệu đáng lo ngại. Nếu duy trì năng suất này thì 50 năm nữa Việt Nam mới bằng Thái Lan bây giờ. Còn nếu tăng gấp đôi hiện tại thì con số này hạ xuống 13-14 năm.