12,4%: Hiệp hội nói cao, TLĐLĐ nói thấp
Ngày 3/9, Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 là 12,4%, với mức đồng thuận giữa các thành viên trong hội đồng lên tới trên 90%. Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, đồng thời là Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Phạm Minh Huân, tại buổi họp báo ngay sau đó đã khẳng định tỷ lệ đồng thuận này là “lớn nhất” và “chưa từng có” từ trước tới nay.
Vậy mà chưa đầy một tháng sau, nhiều hiệp hội ngành hàng đã lên tiếng cho rằng mức tăng lương tối thiểu như vậy là “quá cao” và chỉ đề xuất lương tối thiểu dừng mở mức tăng khoảng 6-7%.
Ví dụ, cuối tháng 9, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ nên tăng lương ở mức 6%. Đồng thời Vitas cho rằng, vệc tăng lương tối thiểu mức dự kiến 12,4% như đề xuất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia là một "thách thức lớn" với các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt trong bối cảnh năm 2018, các doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH cho người lao động dựa trên tổng thu nhập chứ không phải trên mức lương tối thiểu như hiện nay.
Ngay sau đó, vào đầu tháng 10, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) lại có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tăng lương tối thiểu năm 2016 lên mức 14,4% thay vì 12,4% như trước đó.
Mặc dù có kết luận chính thức của Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia nhưng đến nay nhiều bên vẫn chưa bằng lòng với mức đề xuất lương tối thiểu vùng 2016. |
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch TLĐLĐ cho hay, dù Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thông qua phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4% nhưng phía TLĐLĐ chưa “thỏa mãn” với mức điều chỉnh đó. Theo ông Chính, việc thay đổi đề xuất tăng lương này là cách để TLĐLĐ Việt Nam lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi mà các hàng loạt các Hiệp hội chỉ đề nghị tăng lương tối thiểu ở mức 6-7%.
Sẽ phải ra quy chế phát ngôn chung
Bên lề hội thảo về cải thiện chất lượng lao động diễn ra ngày 9/10, ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, VCCI cho hay, về nguyên tắc, các bên phải tuân thủ quyết định của Hội động tiền lương quốc gia, do đó báo chí quá tập trung vào những phát biểu của một số cá nhân, ngành hàng là không cần thiết.
Theo ông Huy, sang năm 2016, VCCI sẽ đề nghị một cơ chế mới để giải quyết tận gốc vấn đề tiền lương do cách làm như hiện nay mới làm phần ngọn, không tạo được sự thống nhất giữa các bên.
Theo đó, ngay những tháng đầu tiên của năm, các bên sẽ phải cử ra chuyên gia tham gia vào Hội đồng tiền lương quốc gia và có phiên họp thống nhất về các tiêu chí khảo sát về kinh tế vĩ mô, lạm phát, yếu tố cấu thành tiền lương và mức sống tối thiểu…. Sau đó, các bên sẽ tiến hành điều tra, khảo sát và đưa ra kết quả thảo luận cho tới tháng 9. Ý kiến trái chiều chỉ diễn ra từ đầu năm tới tháng 9 còn sau khi đã có kết luận của Hội đồng tiền lương quốc gia thì các bên và không được bên nào có ý kiến trái chiều nữa.
Ví dụ VCCI là đại diện cộng đồng doanh nghiệp thì trong suốt 9 tháng đầu năm, các Hiệp hội phải hiệp thương với VCCI tổ chức các khảo sát, hội nghị và thống nhất quan điểm và đưa ra một con số vào trong quá trình đàm phán. Tương tự đối với công đoàn, một khi tổng liên đoàn đã là người phát ngôn rồi, thì các tổ chức khác, đơn vị khác cũng không nên có ý kiến trái chiều.
Thực tế, năm vừa qua, còn nhiều tiêu chí mà VCCI và TLĐLĐ chưa thống nhất như về tiền nhà trọ, tỷ lệ nuôi con trên mỗi lao động…. “Do đó, phải thống nhất ngay từ đầu về các tiêu chí đánh giá và phương thức điều tra. Nếu không làm được việc này thì những tranh cãi giữa các bên sẽ không thể có hồi kết”, ông Huy nói.