Đó là phát biểu của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen trong tọa đàm Doanh nhân trẻ hội nhập quốc tế, do CLB doanh nhân 2030 tổ chức đúng vào ngày Doanh nhân 13/10/2015.
Nhấn mạnh đến điều quan trọng nhất phải chuẩn bị trong mọi sự chuẩn bị, để đón sóng TPP, ông Lê Phước Vũ cho rằng, đó là thay đổi nhận thức.
Ông Vũ nói: “TPP là áp lực lớn nhất tạo ra cải cách chính phủ, DNNN, từ chuyện thuế, con người, môi trường, lao động. Nhưng đối với cộng đồng doanh nhân, cái chính là phải thay đổi nhận thức. Không thiếu doanh nhân khôn vặt, khôn ranh, làm gian, làm dối, làm mánh mung… như thế không thể cạnh tranh.
Tôi có cơ hội tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới, giải thưởng Doanh nhân lập nghiệp thế giới, thấy cộng đồng doanh nhân thế giới quá mạnh, còn doanh nhân Việt Nam mình quá bé. Đó là thực tế lịch sử, chúng ta không tự ti về quy mô cạnh tranh, năng lực cạnh tranh, vấn đề làm sao thay đổi thực tế đó?
Từ 2008 đến giờ, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã nhỏ còn bị suy yếu, có cảm giác tinh thần doanh nhân đi xuống. Tôi xuất thân từ một doanh nghiệp nhỏ, giờ đã thành công ty toàn cầu, với 40% xuất khẩu, 60% ở thị trường nội địa. Tôi rất quan tâm đến TPP và các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Tôi thích nói chuyện với các bạn doanh nhân trẻ, chia sẻ cái nhìn, khích lệ kinh doanh.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen. |
Thực chất TPP và các hiệp định thương mại buộc chúng ta phải thay đổi nhận thức. Chúng ta thường nghe báo chí truyền thông nói phải thoát Trung về kinh tế, làm sao thoát được? Làm sao có thể nếu gạo vẫn đi bằng con đường tiểu ngạch rất lớn qua Trung Quốc? Thanh Long vừa rồi chỉ cần Trung Quốc không mua, giá giảm xuống cỡ nào?.
Khi mở cửa, nền kinh tế thấp thì đương nhiên được lợi từ nhà giàu. Chúng ta nghèo nên ý chí và nỗ lực sẽ mạnh hơn. Tôi tin cái lợi sẽ nhiều hơn thách thức. Việt Nam trở thành một quốc gia trung chuyển và quốc gia kết nối”.
Ông Vũ cho biết thêm: “Bản thân tôi đang đối diện với 4 vụ kiện về chống phá giá, cả trong và ngoài nước, phải thành lập một ban để chuyên xử lý vụ đó, rồi phải thuê cả luật sư, tư vấn của nước ngoài nữa. Chuyện chúng ta kiện họ và họ kiện chúng ta là việc hàng ngày. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước khi liên quan đến các vụ kiện ngoài quốc gia sẽ rất khó cho doanh nghiệp.
Nhà nước phải hàng xử giống doanh nhân. Khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, giá mọi thứ đều giảm xuống. Mọi biến động đều khôn lường và bất ngờ, điều đó đòi hỏi khả năng ứng phó giữa các hiệp hội ngành nghề và Nhà nước, phải xử lý mau lẹ khi biến động xảy ra như thế”.
Chia sẻ lo ngại liệu thể chế có thay đổi như chung ta đã từng kỳ vọng với WTO, để rồi lại thất vọng? Ông Vũ bày tỏ kinh nghiệm cá nhân: “Tôi là người làm việc nhiều với các cơ quan Nhà nước, nhưng chưa bao giờ kinh doanh bằng mối quan hệ. Vậy làm sao chúng tôi phát triển? Phải hiểu nguyên lý ai cần ai? Khi chúng ta quá cần ngân hàng thì họ sẽ ép chúng ta. Nhưng ngược lại, nếu ngân hàng cần chúng ta thì chúng ta ép lại. Cộng đồng doanh nghiệp phải tốt lên thì tự nhiên ngân hàng sẽ thay đổi thái độ, vì họ cần chúng ta.
Nói cơ quan Nhà nước trì trệ hết là không đúng. Tôi đang đầu tư khoảng 5 nghìn tỷ cho một khu đất của dân ở Nghệ An, giải tỏa chỉ mất 10 tháng thôi. Trong khi đó đầu tư một vùng đất khác, nhưng quan chức đòi hỏi này nọ nên tôi bỏ không làm. Trước tiên chúng ta phải mạnh. Một năm chúng tôi đóng thuế ở Bình Dương 2 nghìn tỷ, hàng hóa không hề bị kiểm soát, nhũng nhiễu. Cũng có rất nhiều địa phương làm tốt. Tôi nghĩ nhờ TPP, những bộ phận trì trệ sẽ không còn tung hoành được như trước đây”.
Mỗi ngày, ở Việt Nam, trung bình có 200 doanh nghiệp dừng lại và phá sản, sự kiện TPP hôm nay cũng giống 8 năm trước khi WTO diễn ra. Làm thế nào để doanh nghiệp không bị vuột mất cơ hội? Ông Vũ cho rằng, tất cả gói gọn trong hai chữ: Minh bạch.
“Sáng nay ngồi xét gói thầu đầu tư ở Nghệ An, tôi hỏi một bạn doanh nhân về giá cả thế nào, khi các điều kiện kỹ thuật đều ổn. Bạn ấy đưa ra một mức giá mà tôi chắc sẽ rớt thầu. Thị trường luôn là dịch chuyển biến động khôn lường, đừng nghĩ chúng ta nhỏ mà không có cơ hội. Google, Facebook bắt đầu cũng có gì đâu. Phải nỗ lực, chắc chắn có bạn sẽ thành công. Vướng lớn nhất là nhận thức. Khi làm sản phẩm bền vững sẽ thành công, còn chỉ nghĩ đến tiền thôi chắc sẽ thất bại”, ông Vũ nói.
Trả lời cho câu hỏi: “Giải pháp của mọi giải pháp” là gì? ông Vũ đúc kết: “Ai cũng thích kiếm tiền, đặc biệt là doanh nghiệp, nên tìm cho mình một động lực, điều đó rất quan trọng. TPP mang đến nhiều cơ hội, nhưng các bạn có chuyển cơ hội đó cho mình hay không là tùy các bạn. Nếu các bạn có ý chí, có nỗ lực thì cơ hội ấy sẽ đến với các bạn. Cơ hội ấy gói gọn trong 12 từ :Trung thực, Minh bạch, Nỗ lực, Sáng tạo, Chấp nhận rủi ro.