Tôn, thép cũng bị giả
Tại Việt Nam, nạn làm hàng giả, hàng nhái đang gia tăng nghiêm trọng, đặc biệt là vào thời gian trước, trong và sau Tết. Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), cho biết, bất cứ mặt hàng nào có lợi nhuận cao, bán chạy thì chỉ một thời gian ngắn sẽ xuất hiện hàng giả của mặt hàng đó.
Hàng giả ra đời với tốc độ ngày càng nhanh hơn, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với trước đây. Thống kê của VATAP cho thấy, hiện nay, trên thị trường có 31 ngành hàng bị làm giả, nhái như mỹ phẩm, điện tử, điện lạnh, gas, xăng dầu... Với mũ bảo hiểm thì tình trạng làm nhái, giả tràn lan với tỷ lệ 100 nón sản xuất thì có đến 70 nón kém chất lượng dù có tem hợp quy, hợp chuẩn.
Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường, từ đầu năm đến nay, quản lý thị trường đã phát hiện, xử phạt 100.000 vụ vi phạm, tăng 15% so với cùng kỳ 2013. Trong thời điểm cận Tết Nguyên đán, rượu là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất. Trong năm 2014, chỉ riêng tại TP.HCM đã có 28.000 chai rượu giả các loại bị cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ.
Gần đây, thị trường lại xuất hiện tình trạng làm giả, nhái hóa chất, tôn, thép... khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn. Hiện các thương hiệu thép như Việt - Úc, Việt - Hàn, Thái Nguyên, Tôn Hoa Sen... bị làm giả nhiều nhất. Về hình thức, tôn, thép giả không dễ phân biệt với hàng thật nhưng về chất lượng, khi đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Riêng với mặt hàng tôn, hiện tôn không rõ nguồn gốc, tôn kém chất lượng từ Trung Quốc đội lốt hàng chính hãng đang diễn ra phổ biến ở nông thôn, đặc biệt là ở các vùng cao phía Bắc.
Tem chống hàng giả. |
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (Tôn Hoa Sen), cho biết, hiện nay, tôn bị làm giả chiếm 20% trên thị trường. Khi mua phải tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại từ 4.000 - 6.000đ/m2; và với lượng lớn tôn giả như thế, thiệt hại cho người tiêu dùng là không nhỏ.
Hiện, Tôn Hoa Sen không chỉ bị làm giả từ hàng trong nước mà còn từ hàng nhập khẩu. Năm 2013, Tôn Hoa Sen chiếm 39,31% thị phần cả nước nhưng trước nạn hàng giả, hàng nhái, chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, thị phần của Công ty đã giảm 2,6%, thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.
Làm sao chống?
Hàng nhái, hàng giả trong lĩnh vực tiêu dùng đã được triển khai "dẹp loạn" từ nhiều năm nay nhưng gần như không hề giảm. Gần đây, trước thực trạng tôn, thép, giả tràn lan trên thị trường, đã có hàng loạt cuộc kiểm tra, thu giữ nhiều loại tôn, thép giả trên khắp các tỉnh, thành. Thế nhưng, rất khó để dẹp được tình trạng hàng giả, hàng nhái đang hoành hành khắp hang cùng ngõ hẻm.
Vì sao, nạn làm giả, nhái vẫn chưa được giải quyết triệt để dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để kiểm tra, xử phạt? Theo ông Bảo, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ chính hệ thống pháp luật, quản lý của các bộ, ngành, thái độ của doanh nghiệp và ý thức của người dân. Ông Bảo cũng nêu ra những bất cập trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý khiến nạn hàng giả, hàng nhái vẫn còn "đất sống".
Về pháp luật, có 35 nghị định, quy định về vấn đề chống hàng giả, hàng nhái và an toàn thực phẩm. Thế nhưng, điều đáng nói là nhiều quy định bất hợp lý và chồng chéo nhau. Chẳng hạn, theo quy định, ngành y tế quản lý nước đóng chai, còn Bộ Công Thương thì quản lý nước giải khát.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý mặt hàng tinh bột, còn Bộ Công Thương thì quản lý tinh bột dinh dưỡng... "Về bản chất, nước đóng chai và nước giải khát là một nhưng mỗi bộ lại có những quy định quản lý khác nhau, trách nhiệm cuối cùng chẳng biết của ai", ông Bảo nói.
Không chỉ bất cập trong quy định mà ngay cả các lực lượng chức năng cũng chưa phát huy hết vai trò. Hiện cơ quan thực thi có đến 7 lực lượng là quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an, thuế và các thanh tra liên ngành.
Thế nhưng, theo đánh giá của ông Bảo, mặc dù có nhiều lực lượng chống hàng giả, hàng nhái nhưng không mạnh và chưa phối hợp chặt chẽ với nhau. Vì thế, hầu hết các vụ hàng giả, hàng nhái khi bị phát hiện chỉ là giải quyết phần ngọn chứ chưa triệt được tận gốc.
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái là cuộc chiến trường kỳ, một mặt cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban ngành, mặt khác phải có sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp, phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách minh bạch thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối, giá bán...
Ngược lại, người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng trong lựa chọn sản phẩm để tránh mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng. Chẳng hạn, với mặt hàng tôn, đại diện Tôn Hoa Sen cho biết, có một số biện pháp người tiêu dùng có thể áp dụng để tránh mua phải tôn giả, tôn nhái là khi mua hàng cần lấy hóa đơn ghi rõ tôn loại nào, độ dày bao nhiêu.
Việc lấy hóa đơn VAT ít nhất cũng giúp giảm lợi nhuận từ việc bán hàng giả, hàng nhái thông qua việc đóng thuế đủ cho nhà nước còn các thông số về sản phẩm để chứng minh đây là những thương hiệu uy tín.