Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp Việt chờ quá trình xử lý Credit Suisse

Credit Suisse là tổ chức tài chính tham gia thu xếp vốn và ghi nhận các khoản vay với nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Vingroup, Novaland, Masan...

Credit Suisse là một trong những ngân hàng xử lý kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ của VinFast. Ảnh: Nikkei Asia.

Theo Nikkei Asia, Vingroup đang phải tìm kiếm các đối tác tài chính khác trong khi chờ đợi thông tin cập nhật về việc UBS mua lại Credit Suisse. Phía doanh nghiệp Việt Nam cho biết ngân hàng Thụy Sĩ cũng đang là đối tác thu xếp vốn tài trợ cho việc xây dựng nhà máy VinFast ở Mỹ.

"Việc UBS mua lại Credit Suisse không tác động tiêu cực đến chúng tôi", đại diện Vingroup nói với Nikkei Asia.

Tuy nhiên, vị đại diện công ty không nói rõ liệu họ sẽ chuyển sang UBS - với tư cách là ngân hàng kế thừa Credit Suisse - để tiếp tục xử lý các vấn đề của VinFast hay chuyển sang một ngân hàng khác đã hợp tác trước đó, như Citibank hoặc Nomura.

Đây là một trong những vấn đề mà UBS sẽ phải giải quyết ở châu Á - nơi Credit Suisse có nhiều khách hàng, từ các trái chủ ở Singapore đến các doanh nghiệp vay vốn ở Việt Nam.

"Chúng tôi đang thực hiện các bước cần thiết trong khi chờ phản hồi chính thức từ UBS và Credit Suisse sau khi họ tái cơ cấu", đại diện của Vingroup nói thêm. Vị này đồng thời cho biết ngoài Credit Suisse, tập đoàn còn có mối quan hệ lâu dài với nhiều ngân hàng quốc tế và sẽ tiếp tục tìm cách thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức tài chính khác.

Trước đó, giới chức Thụy Sĩ đã khiến ngành tài chính chấn động khi yêu cầu USB mua lại Credit Suisse trong một thương vụ trị giá hơn 3,2 tỷ USD. Việc mua lại cùng quá trình chờ xử lý đã làm nảy sinh một số vấn đề như liệu các khoản vốn mà Credit Suisse thu xếp cho các công ty tại Việt Nam có được chuyển sang UBS.

Trong một báo cáo nghiên cứu của Maybank (Malaysia), các chuyên gia phân tích đã ước tính khoản nợ của Novaland với ngân hàng Thụy Sĩ vào khoảng 487 triệu USD. "Novaland là một trong số ít công ty tại Việt Nam có thể đảm bảo các khoản vay từ những chủ nợ nước ngoài như Credit Suisse", báo cáo của Maybank lưu ý.

Trong khi đó, Masan cũng đã công bố hoàn tất gói vay hợp vốn lên đến 650 triệu USD do Credit Suisse và bốn ngân hàng khác bảo lãnh.

Nói về các khoản vay này, đại diện Credit Suisee cho biết: "Vì các chi tiết đầy đủ của giao dịch vẫn đang được thực hiện nên chúng tôi không có thông tin về vấn đề này". Vị đại diện đồng thời đề nghị truyền thông gửi câu hỏi tới UBS nhưng ngân hàng này từ chối đưa ra phản hồi.

Tương tự, Novaland và Masan cũng không trả lời Nikkei Asia về vấn đề với Credit Suisse.

Hồi tháng 7 năm ngoái, VinFast đã chính thức ký kết thỏa thuận thu xếp vốn quốc tế với Credit Suisse và Citigroup trong việc tư vấn bảo lãnh cho các giao dịch huy động vốn toàn cầu. Mỗi hợp đồng ký kết có giá trị tối thiểu 2 tỷ USD, tập trung vào việc xây dựng nhà máy ở tiểu bang North Carolina (Mỹ) và các hoạt động đầu tư kinh doanh của VinFast tại thị trường Mỹ.

Như vậy, với hai thoả thuận cùng Credit Suisse và Citigroup, VinFast dự kiến huy động tối thiểu 4 tỷ USD cho việc xây dựng nhà máy tại Mỹ.

Thủ tướng Đức: “Deutsche Bank không phải là Credit Suisse tiếp theo”

Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Deutsche Bank đã tiến hành “tái cấu trúc và hiện đại hóa mô hình kinh doanh để có lãi lớn”, do đó không cần lo lắng về tương lai ngân hàng này.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Diệu Thanh

Bạn có thể quan tâm