Khi rắc rối ập tới, khách hàng - chủ yếu là các cá nhân giàu có hoặc doanh nghiệp - vội vã rút tiền khỏi Credit Suisse. Ảnh: Reuters. |
Theo Bloomberg, trong một cuộc họp vào tháng trước, ông Piyush Gupta - Giám đốc điều hành của DBS Group Holdings - cho biết ông mong muốn đạt mức tăng trưởng doanh thu ít nhất 1 điểm phần trăm nhờ quản lý tài sản cho giới siêu giàu.
Mong muốn của ông có thể sắp thành hiện thực. Ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ - Credit Suisse vừa vào tay đối thủ, và một số người giàu và văn phòng gia đình của họ có thể chuyển tài sản sang các nhà băng khác.
Châu Á là một điểm đến hấp dẫn. Nhưng dĩ nhiên, đối với DBS, Oversea-Chinese Banking, United Overseas Bank (Singapore), hay HSBC Holdings Plc (Hong Kong) và Standard Chartered Plc, việc hưởng lợi từ rắc rối của Credit Suisse sẽ song hành cùng những rủi ro.
Tâm lý lo ngại vẫn bao trùm
Dòng tiền mới chỉ là một phần. Điều mà các nhà băng này cần là giới siêu giàu phải gạt bớt mối lo ngại từ những rắc rối gần đây để chấp nhận rủi ro.
Vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu vụ phá sản của 3 ngân hàng tại Mỹ và sự sụp đổ của Credit Suisse có phải "đỉnh khủng hoảng" hay không. Tình trạng hỗn loạn của First Republic Bank cho thấy bất ổn vẫn chưa hoàn toàn biến mất.
Tình hình sẽ phụ thuộc vào cuộc họp chính sách sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nếu Fed tạm dừng tăng lãi suất điều hành, khẩu vị rủi ro có thể được cải thiện.
Dòng tiền đổ vào không dẫn tới nhiều hoạt động đầu tư hơn, vì khách hàng đa số chỉ gửi tiền
Ông Piyush Gupta - Giám đốc điều hành của DBS Group Holdings
Nhưng nếu cuộc khủng hoảng trong ngành tài chính trở nên nghiêm trọng hơn, tâm lý e ngại sẽ bao trùm các nhà đầu tư. Điều này có thể đưa ngành ngân hàng của Singapore về thời điểm cuối năm 2022.
Thời điểm đó, họ nắm giữ rất nhiều tiền của giới siêu giàu. Nhưng phần lớn được duy trì ở trạng thái nhàn rỗi.
Trong quý IV/2022, lợi nhuận từ hoạt động cho vay của OCBC đã gia tăng nhờ lãi suất đi lên. Nhưng thu nhập ngoài lãi vay lại giảm, một phần vì phí quản lý tài sản thấp hơn.
"Dòng tiền đổ vào không dẫn tới nhiều hoạt động đầu tư hơn, vì khách hàng đa số chỉ gửi tiền", ông Gupta của DBS giải thích.
Hưởng lợi về lâu dài
Trên thực tế, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch đã tạo ra một đối trọng lớn với đà suy yếu trên toàn cầu. Trong tháng 1, Standard Chartered Hong Kong ghi nhận lợi nhuận từ mảng quản lý tài sản tăng gấp đôi so với tháng trước đó.
Đây là thời điểm hoàn hảo để các tổ chức tài chính ở Hong Kong và Singapore - 2 trung tâm tài chính toàn cầu - bắt tay vào việc.
Nếu những khách hàng giàu có muốn đầu tư tư nhân ở châu Á, thông qua bộ phận ngân hàng đầu tư, DBS có thể tạo điều kiện cho các giao dịch.
Ngân hàng cũng sẽ cung cấp một sàn giao dịch kỹ thuật số nếu các khách hàng quan tâm tới tiền mã hóa. Theo S&P Global Market Intelligence, khối tài sản được bộ phận quản lý tài sản của DBS phụ trách đã tăng từ 291 tỷ SGD hồi năm 2021 lên 297 SGD vào năm ngoái.
Việc Credit Suisse rời khỏi cuộc đua sau 166 năm có thể tạo cơ hội cho một số nhà băng châu Á thu hút các khách hàng siêu giàu về lâu dài. Nhưng liệu những ngân hàng này có thể nhìn thấy tác động tích cực ngay trong năm nay hay không vẫn là một câu hỏi bị bỏ ngỏ.
Trước khi phải bán mình với mức giá chưa bằng một nửa giá trị vốn hóa thị trường, cổ phiếu của Credit Suisse rớt thảm do Ngân hàng Quốc gia Saudi (SNB) - cổ đông lớn nhất của Credit Suisse - từ chối cung cấp thêm vốn cho nhà băng Thụy Sĩ này.
Năm ngoái, ngân hàng này bị đồn đoán đang trượt tới bờ vực sụp đổ. Các khách hàng - chủ yếu là cá nhân giàu có hoặc doanh nghiệp - vội vã rút hàng trăm tỷ USD khỏi Credit Suisse.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.