Hàng loạt công ty đóng ở khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo, TP HCM đã hoạt động trở lại từ mùng 6 Tết nhưng hôm qua ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, số công nhân trở lại làm việc nơi đây chỉ khoảng 50%.
Không đủ công nhân, nhiều công ty chỉ làm việc cầm chừng. Bảo vệ tại công ty TNHH MTV Kỹ nghệ lạnh Á Châu ở KCN Tân Tạo cho biết, ngày 26/2, công ty mở cửa làm việc nhưng để “lấy ngày”, vì công nhân chưa trở lại đủ. “Số công nhân trở lại chỉ đủ cho hai phân xưởng hoạt động thôi, còn lại nhiều phân xưởng vẫn đóng cửa", người này cho hay.
Mở cửa hoạt động từ mùng 6 Tết nhưng công ty TNHH SX Duy Lợi, ở KCN Tân Tạo cũng làm cầm chừng do mới chỉ 60% công nhân trở lại làm việc. Trưa 26/2, công ty Bao bì PP ở KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương mới cúng khai trương. Một nhân viên quản lý của công ty cho biết, mùng 8 Tết là ngày tốt nên công ty mới mở cửa lấy ngày, còn chính thức thì tới ngày mùng 9 Tết mới bắt đầu đi vào sản xuất.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng chỉ khởi động một vài dây chuyền vì công nhân vẫn chưa đủ. Đơn hàng đã tới tấp từ đầu năm nhưng theo quản lý tại công ty Chế biến thủy sản Thành Hải, KCN Tân Tạo thì công nhân vẫn chưa lên làm việc trở lại đầy đủ. “Nhiều công nhân quê ở xa nên họ xin nghỉ phép thêm khiến công việc đình trệ”, quản lý công ty nói.
Ngoài treo biển tuyển dụng, không ít công ty còn tổ chức đưa nhân viên ra tuyển lao động ngay ở ven đường. |
Anh Hồ Văn Thanh, 29 tuổi, quê Tiền Giang cho biết, anh bắt đầu trở lại làm vào ngày mùng 6 Tết cho Xí nghiệp Ắc quy Sài Gòn ở KCN Tân Tạo. Tuy nhiên, theo anh Thanh, rất nhiều công nhân khác thông báo với bộ phận nhân sự “không trở lại làm việc nữa”.
Anh Thanh cho biết, nhiều đồng nghiệp ở cùng quê ăn Tết xong rồi ở lại phụ giúp gia đình thu hoạch lúa đông xuân. “Đến cuối tháng 3 thì họ mới trở lên tìm lại công việc để làm”, anh Thanh kể. 800 công nhân của công ty Copa trong KCX Tân Thuận, quận 7 đã trở lại làm việc từ 24/2 nhưng sau hai ngày, 700 công nhân khác vẫn chưa có mặt.
Ông Lê Văn Hiếu, trưởng phòng nhân sự của công ty cho biết, trước khi về quê ăn Tết chúng tôi đã dán thông báo lịch làm việc trở lại của công ty này là mùng 6 Tết nhưng đến nay vẫn chưa đủ số lượng. “Đầu năm nhiều đơn hàng phải xuất đi châu Âu nhưng với việc công nhân cứ chưa lên thế này sẽ khó để kịp sản xuất đủ hàng”, ông Hiếu nói.
Ông Trần Công Khanh - Chánh văn phòng Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP HCM (Hepza) cho biết, vào ngày làm việc đầu tiên 24/2 mới có trên 700 doanh nghiệp (chiếm 65% tổng số doanh nghiệp) mở cửa sản xuất trở lại. Tuy nhiên, trong số này cũng có nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng vì chưa đủ số lượng công nhân. Theo đại diện Hiệp hội Giày da, đến ngày 25/2 mới chỉ có hơn 70% số công nhân trong ngành này trở lại làm việc.
Giăng biển tuyển người khắp nơi
Các tuyến đường ở khu vực KCX Tân Thuận, KCN Tân Bình, KCN Sóng Thần, Dĩ An, tỉnh Bình Dương... đều giăng đầy biển tuyển dụng lao động. Công ty TNHH Hung Way ở KCX Tân Thuận treo biển tuyển 400 lao động may với các ưu đãi như tiền lương, tiền tăng ca, tiền cơm, tiền thưởng đội nhóm, hỗ trợ nhà trọ, bồi dưỡng sức khỏe…hơn 5 triệu đồng/tháng.
Trong khi công ty PungKook Sài Gòn tuyển 50 công nhân may với lương cơ bản 5,5 triệu đồng/tháng hay như công ty TNHH Quốc tế SWENEO Việt Nam 100% vốn nước ngoài tuyển 500 công nhân may với thu nhập 5,2 - 8,3 triệu đồng/tháng/lao động...
Tại công ty Minigold ở KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức tuyển dụng lao động phổ thông với số lượng không giới hạn, mức lương từ 4,5 triệu đến 6 triệu đồng nhưng vẫn bói không ra người. Nhân viên đại diện tuyển dụng của công ty cho biết, năm nay phải đăng tuyển dụng sớm, vì có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
“Do đợt này công nhân nhảy việc để tìm nơi lương cao nên tuyển dụng dịp này sẽ thu hút nhiều công nhân hơn”, người này cho biết. Để thu hút sự chú ý của lao động, nhiều doanh nghiệp ở Thủ Đức còn tổ chức đưa nhân viên ra tuyển lao động việc làm ngay ở ven đường để tạo điều kiện cho người tìm việc dễ tìm hiểu về công ty hơn.
Ông Nguyễn Văn Thoại - phụ trách phòng việc làm Linh Trung, quận Thủ Đức cho biết, các doanh nghiệp trong khu đang có nhu cầu tuyển dụng trên 1.000 lao động có tay nghề nhưng hiện nay vẫn chưa tìm đủ số lượng. “Đây là khó khăn cho doanh nghiệp, vì sau Tết, đơn đặt hàng tăng nhưng lao động lại không biến động nhiều”, ông Thoại nói.
Nhiều doanh nghiệp sớm treo bảng tuyển dụng công nhân trong ngày đầu năm mới ở Đồng Nai. |
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường Lao động TP HCM thì nhu cầu bổ sung nhân lực sau Tết âm lịch tuy tăng cao như chỉ tập trung ở những nguồn lao động giản đơn, ít kỹ thuật.
Dự kiến trong tháng 3 năm nay, các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 23.000 lao động. Với những biến động của thị trường lao động như hiện nay thì sự thiếu hụt lao động được dự báo khoảng 4% so với nhu cầu. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, sau Tết tỉ lệ lao động quay lại làm việc đạt cao nhưng cũng có tình trạng lao động di cư ngược ra Bắc đang diễn ra.
Phải chăm lo tốt mới giữ được công nhân
Để giữ “chân” công nhân, ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đều chú trọng đến chính sách chăm lo cho người lao động để giữ chân công nhân. “Công nhân trở lại làm việc đầy đủ cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh điều chỉnh chế độ lương, phụ cấp, tạo môi trường làm việc thân thiện, đồng thời quan tâm tốt đến đời sống tinh thần của người lao động”, ông Cộng giải thích.
Ông Trần Công Khanh - Chánh Văn phòng Hepza cho biết: “Một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho lao động được nghỉ Tết nhiều hơn, vì họ quê ở miền Trung, miền Bắc, mỗi lần về quê là một khó khăn. Cho phép người lao động về Tết lâu hơn vài ngày coi như là món quà Xuân của chủ doanh nghiệp. Dĩ nhiên các doanh nghiệp cũng đã thu xếp, tính toán để không bị động trong sản xuất”.
Còn bà Lê Thanh Thảo - Đại diện tuyển dụng của công ty Sung Huyn Vina cho biết: “Trong điều kiện khó khăn về nguồn lao động thì hướng giải quyết trước mắt của chúng tôi là tập trung đầu tư, chăm lo cho đội ngũ lao động có sẵn. Nếu tổ chức tốt đội ngũ lao động có sẵn thì năng suất lao động tăng lên, có thể đáp ứng được số lượng đơn hàng cũng như mức lương thưởng cho lao động sẽ được tăng theo”.
Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn công ty Taekwang Vina ở Đồng Nai cho rằng để có tỉ lệ lao động trở lại làm việc đạt 95%, cao hơn các năm trước không phải là dễ dàng. Theo ông Phúc, công ty đã cải thiện điều kiện làm việc, tăng chế độ lương, thưởng Tết. “Ngoài ra, chúng tôi đã hỗ trợ 50% tiền vé xe cho tất cả công nhân xa quê, giúp công nhân an tâm gắn bó với doanh nghiệp”- ông Phúc nói.
98% công nhân ở Đồng Nai đã trở lại làm việc
Ngày 26/2, ông Nguyễn Mạnh Văn - Phó Ban quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, đến nay theo báo cáo từ các doanh nghiệp đã có đến 98% người lao động đã trở lại làm việc tại các nhà máy, công ty sản xuất.
Theo ông Văn, tình hình là do năm nay thời gian nghỉ Tết dài, các công ty có chính sách tốt, cũng như tổ chức lì xì đầu năm cho công nhân nên khuyến khích người lao động đi làm đầy đủ.