Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mức lương 'khủng' để chiêu dụ lao động

Có nhiều công nhân đang thất nghiệp và nhiều công nhân vẫn đang làm việc nhưng nếu tìm được công việc mới có thu nhập khá hơn thì sẽ bỏ việc cũ.

Mức lương 'khủng' để chiêu dụ lao động

Có nhiều công nhân đang thất nghiệp và nhiều công nhân vẫn đang làm việc nhưng nếu tìm được công việc mới có thu nhập khá hơn thì sẽ bỏ việc cũ.

Nắm bắt được nhu cầu tìm kiếm công việc mới với chế độ đãi ngộ và mức lương hấp dẫn hơn, từ đầu năm nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp Amata, khu công nghiệp Biên Hòa I, II (Đồng Nai) đã tung “chiêu” tuyển dụng hàng ngàn lao động với mức lương “khủng” lên tới cả chục triệu đồng/tháng và nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Công ty NamYang International Việt Nam tuyển dụng công nhân may phổ thông nhưng đưa ra mức lương “khủng” từ 4,4 – 10 triệu đồng/tháng.

“Nhảy” việc vì chỗ làm cũ quá tệ

Theo ghi nhận tại khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa (Đồng Nai), hàng trăm công nhân có mặt từ sáng sớm để tìm kiếm công việc mới. Trong đó, có nhiều công nhân đang thất nghiệp và nhiều công nhân vẫn đang làm việc nhưng nếu tìm được công việc mới có thu nhập khá hơn thì sẽ bỏ việc cũ.

Chị Nguyễn Thị Huệ (35 tuổi) trước từng làm công nhân tại một công ty giày da tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu cho biết: suốt mấy ngày hôm nay chị chạy quanh các khu công nghiệp từ Biên Hòa I, II, Amata, Long Bình... để tìm việc nhưng vẫn chưa tìm được công việc do đã lớn tuổi và chỉ là trình độ phổ thông.

Anh Lê Văn Cảnh - công nhân tại một công ty chuyên sản xuất đồ may mặc tại xã Tam Phước, TP.Biên Hòa - cho biết: do công ty bắt công nhân phải tăng ca liên tục, trong khi đó suất ăn chỉ 9.500 đồng/suất rất kham khổ, phải làm việc liên tục từ 7h – 12h, 13h30 – 18h30. Chưa hết, quản lý của công ty này còn bắt ép công nhân tới mức đứng canh giờ công nhân đi vệ sinh. Bởi vậy, nếu tôi tìm được công việc mới thì sẽ bỏ công việc hiện tại.

Anh Nguyễn Danh Chiến (quê Nghệ An) lại có lý do “nhảy” việc khác. Anh Chiến cho biết, do muốn có thời gian nghỉ tết dài bên gia đình nên đã bỏ luôn công việc cũ, rồi vào lại TP.Biên Hòa tìm công việc mới.

May phổ thông lương 4,4 – 10 triệu đồng/tháng

Nắm bắt được nhu cầu này, các doanh nghiệp bắt đầu đăng tuyển dụng ồ ạt, tổ chức các chương trình thu hút người lao động. Trong đó, nhiều công ty “quảng cáo” đãi ngộ rất tốt để thu hút công nhân. công ty NamYang International Việt Nam tuyển dụng công nhân may phổ thông nhưng đưa ra mức lương “khủng” từ 4,4 – 10 triệu đồng/tháng. công ty Shirai Việt Nam cũng đăng tuyển 100 lao động gia công đồ gỗ trang trí nội thất, mức lương từ 5,9 – 6,4 triệu đồng/tháng.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Emerald Blue Việt Nam (khu công nghiệp Amata) tuyển 100 công nhân may với mức lương cơ bản là 2,6 triệu đồng/tháng và nhiều chế độ đãi ngộ như: tiền đi lại, vượt sản lượng, chuyên cần, tiền nhà, tăng ca... có chế độ tu nghiệp tại Nhật Bản. công ty trách nhiệm hữu hạn Unipax (khu công nghiệp Amata) lại đưa ra nhiều “chiêu” tuyển dụng khá hấp dẫn, tuyển lao động phổ thông với mức lương khởi điểm 2,8 triệu đồng và 500 ngàn đồng tiền phụ cấp/tháng.

Đa phần các công ty tuyển công nhân phổ thông các ngành như: may mặc, da giày, gia công đồ gỗ... Thậm chí không cần biết việc, khi được nhận vào thì công ty sẽ đào tạo. Khi đăng ký tuyển dụng, các công ty này đều giải thích nguyên nhân tuyển dụng là để... mở rộng kinh doanh, chứ không phải là do “khát” lao động. Một cán bộ liên đoàn lao động tỉnh cho biết, nhiều doanh nghiệp cũng cố tình đưa ra mức lương “khủng” để hấp dẫn người lao động, nhưng thực tế lại không được như những gì doanh nghiệp đó quảng cáo. Bởi vậy, người lao động cần lựa chọn những chỗ làm uy tín.

Sở Lao động Thương Binh Xã Hội (LĐTBXH) tỉnh cho biết, hiện còn 17.000 lao động đang vắng mặt chưa vào làm việc. Trong quý I/2013, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại Đồng Nai khoảng 20.000 lao động, trong đó lao động doanh nghiệp tự đào tạo cần khoảng 6.000 người, lao động phổ thông là 1.000 người chủ yếu ở các ngành may mặc, giày da và điện tử.

Ông Lâm Duy Tín - Phó giám đốc Sở LĐTBXH - cho rằng: tình hình lao động có nhiều biến động nhưng thuận lợi do đa phần công nhân đều trở lại làm việc. Còn việc người lao động “nhảy” việc là có trong cơ chế thị trường hiện nay, chủ yếu là lao động thời vụ, dưới 12 tháng và ít ràng buộc với doanh nghiệp. Các lao động nghỉ việc do doanh nghiệp phá sản trong năm 2012 cũng đang phải đi tìm công việc mới. Còn các lao động đã làm việc nhiều năm thì vẫn gắn bó với công ty. Tuy nhiên, hiện nay các lao động lớn tuổi, trên 40 tuổi, như tại công ty giấy Tân Mai cũng khó tìm kiếm được công việc mới do doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động từ 18 – 35 tuổi.

Theo Lao Động

Theo Lao Động

Bạn có thể quan tâm