Tại họp báo chiều 11/2, Ông Nguyễn Thái Hùng, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp (Sở Công Thương TP.HCM), cho biết hầu hết doanh nghiệp công nghiệp đã khôi phục hoạt động với công suất trên 95%.
Trong đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động với 99,7% công suất, còn tất cả doanh nghiệp trong khu công nghệ cao đạt công suất 100%.
"Hôm qua chúng tôi tiếp và làm việc với Hội Cơ khí Điện TP, riêng Công ty Tân Thanh hiện nay đơn hàng đã có đến hết quý I/2022 và đầu quý II/2022 chưa giao kịp, kết quả quay lại sản xuất rất tích cực. Ngành gỗ được đặt hàng đến tháng 6 năm nay. Những ngành khác đều có tín hiệu rất tích cực", ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ thêm.
Tình hình khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp TP.HCM ghi nhận tín hiệu tích cực. Ảnh: Việt Linh. |
Ông cũng đánh giá đây là năm có tỷ lệ lao động quay lại làm việc sau Tết cao nhất từ trước đến nay. Trong khi mọi năm khoảng 10% công nhân không quay lại, thì năm nay tỷ lệ lao động quay lại làm việc trên 96%, có doanh nghiệp lên đến 100%.
Bên cạnh doanh nghiệp sản xuất, hiện hầu hết hệ thống bán lẻ cũng đã khôi phục hoạt động. Đến nay, có 213/233 chợ truyền thống, 3.047/3.101 cửa hàng tiện lợi, 45/46 trung tâm thương mại và toàn bộ 106 siêu thị đã mở cửa trở lại.
Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP cho biết từ trước dịch cũng đã có một số lượng tương đối các đơn vị phân phối không hoạt động do các doanh nghiệp có chiến lược phát triển riêng.
"Có thể vì doanh số hay các mục tiêu kinh doanh không đạt yêu cầu, hoặc hợp đồng thuê mặt bằng vừa hết hạn, doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp tục đầu tư ở địa điểm đó. Đây là những con số rất bình thường, không phải vì dịch bệnh", ông Phương nhấn mạnh.
Còn với khoảng 20 chợ truyền thống chưa mở lại, vị Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết hầu hết là những chợ giáp ranh với các tỉnh, thành khác, tiểu thương chủ yếu không phải người TP.HCM. Đến nay, số lượng tiểu thương đăng ký buôn bán chưa đủ để chợ hoạt động trở lại.
Tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP ước đạt 73.514 tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước đó và giảm 28% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số này trong tháng 12/2021 cũng tăng gấp đôi hồi tháng 9/2021, khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng.
Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) từ tháng 10/2021 đã bắt đầu khôi phục, sau thời gian giảm mạnh vì dịch bệnh, đạt 13,5% vào tháng cuối năm ngoái.
Xét về tình hình thành lập doanh nghiệp, trong tháng 1 đã có hơn 3.190 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, tăng 24,6% so với cùng kỳ; 4.850 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 36,3% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể cũng giảm 7,73%.
"Với đà này, tôi tin chắc trong một thời gian ngắn nữa kinh tế TP.HCM sẽ tăng trưởng dương và các điều kiện phục hồi kinh tế được cải thiện. TP.HCM sẽ lấy lại những gì đã mất", ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định.