Tại nghị trường chiều 2/11, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi vì sao Chính phủ quyết liệt là vậy, nhưng xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc, nguyên nhân là gì.
"Nếu không nâng cao được chất lượng quản lý nhà nước, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương, không chống được nhũng nhiễu, tiêu cực thì mục tiêu đặt ra khó có thể đạt được, nếu có đạt được thì cũng không bền vững", ông nói.
Vị đại biểu là Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho hay nhiều doanh nghiệp nhỏ có nói với ông chính quyền kể cả lực lượng chức năng đóng trên địa bàn có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất gì họ biết hết và thăm hỏi thường xuyên. Tuy nhiên, thăm hỏi không phải để kiểm tra, xem xét, chấn chỉnh vấn đề gì mà để xin kinh phí hỗ trợ.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phản ánh việc các doanh nghiệp bị "thăm hỏi" thường xuyên. Ảnh: Quochoi.
|
"Một số người bức xúc gọi đây là xin đểu. Trước thì chỉ xin hỗ trợ dịp tết Nguyên Đán, nay thì lễ, nghỉ hè, tổ chức hội nghị cũng xin. Việc cho là tùy tâm, nhưng nếu không cho thì sẽ chuốc lấy khó dễ dù doanh nghiệp nói họ chẳng làm gì sai cả, nhưng đành chấp nhận", ông nói.
Đại biểu này đánh giá Chính phủ, Thủ tướng thì quan tâm hết mức, tìm cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp phát triển, nhưng sự nhũng nhiễu của chính quyền như vậy thì hiệu quả chỉ đạo cũng bị giảm đi nhiều.
Thoái vốn: Nhà nước mất nhiều
Một vấn đề khác cũng được đại biểu Cương đề cập là việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Ông cho rằng phần còn lại của việc thoái vốn nhà nước, cụ thể là đất đai, đã bị trục lợi. Kết luận của Thanh tra Chính phủ về Tổng công ty đường sắt Việt Nam mới đây là một ví dụ điển hình.
Đại biểu này dẫn chứng một người bạn ở doanh nghiệp nhà nước vừa được cổ phần hóa tiết lộ với ông rằng việc cổ phần hóa doanh nghiệp ở địa phương do Sở Tài chính chủ trì. Doanh nghiệp được thực hiện định giá, đánh giá tài sản cũng do Sở Tài chính chỉ định, lựa chọn.
Việc định giá trước khi công bố được báo cáo Sở, giá trị còn lại ví dụ xác định là 100 tỷ đồng, Sở nói "làm gì mà cao thế, chỉ khoảng 70 tỷ đồng thôi". Vậy là doanh nghiệp lại phải điều chỉnh theo giá của Sở, quên đi kết quả họ đã xác định.
“Vậy giá trị vênh ra giữa giá trị thật và giá trị Sở định, ai hưởng? Đề nghị cơ quan thanh tra điều tra làm rõ. Chủ trương thì rất đúng, nhưng trục lợi không nhỏ. Qua cổ phần hóa, thoái vốn, nhà nước bị mất rất nhiều”, ông nhận định.
Hiến kế kiếm 500 tỷ USD
Đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định), Chủ tịch Công ty Cổ phần Tasco, người được coi là "ông trùm BOT", cho rằng một quốc gia phát triển phải tập trung vào quản lý pháp luật và điều hành pháp luật còn “việc làm ăn, kinh doanh là của người dân và doanh nghiệp”.
Theo ông, nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng chủ yếu do đầu tư. Mà đầu tư lại phải vay ODA, phát hành trái phiếu Chính phủ và chất lượng tăng trưởng đó không bền vững. Điều đó làm năng suất lao động không cao lên được, thu nhập của người dân cũng không thể tăng.
Ông Phạm Quang Dũng. Ảnh: Quochoi. |
Bàn về tái cơ cấu, vị này cho rằng câu chuyện đầu tiên là nguồn lực ở đâu. Tuy chưa nhìn thấy nguồn lực nhưng theo ông thấy dư địa phát triển của Việt Nam còn rất nhiều, vấn đề có làm, có phát huy được không.
"Nhiều nước còn không có chỗ để sờ vào lúc khó khăn. Nhưng chúng ta hơn họ ở chỗ dư địa của chúng ta còn nhiều", ông nói và nhắc tới nguồn từ doanh nghiệp nhà nước và còn một thứ tài sản nhiều hơn nữa mà lâu nay ít được nhìn đến, không tập trung quản lý là tài sản của các cơ quan hành chính cung cấp dịch vụ công.
“Hai nguồn tài sản này cộng vào cỡ khoảng 500 tỷ USD. 500 tỷ USD này mà chúng ta biết khai thác, phân bổ thì hiệu quả kích thích, sẽ là cú hích rất tốt cho tăng trưởng. Kế hoạch tăng trưởng của chúng ta sẽ vượt cả kỳ vọng nếu chúng ta làm tốt việc này”, ông khẳng định.