Sáng nay (2/11), 27 đại biểu đại diện cho 25 địa phương đã phát biểu về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
GDP năm 2017 tăng 6-6,5% là hợp lý?
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá những nỗ lực lội ngược dòng của Chính phủ trong thời gian qua rất đáng trân trọng.
Ông cho rằng cả hai bản kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 đã được xây dựng rất công phu, thể hiện ý chí rất cao của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng tạo tiền đề cho nền kinh tế bước vào thời kỳ phát triển mới.
Tuy nhiên, vị này cho rằng cả 2 kịch bản trên đều có điểm chung là “rất tham vọng với ý nghĩa tích cực nhất của từ này” nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn.
“Việc đặt ra mục tiêu quá cao thể hiện tính chủ quan, duy ý chí và cũng không thể nói là vô hại”, ông phát biểu.
Phân tích sâu hơn, ông nói nhìn lại các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong những năm qua có thể thấy chính việc đặt ra mục tiêu GDP quá cao là nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự bất ổn kinh tế vĩ mô. Nó đòi hỏi quá nhiều nguồn lực và buộc các chính sách tài chính, tiền tệ phải chuyển động gây ra những hệ lụy như lạm phát, nợ công, nợ xấu mà cho tới nay chúng ta vẫn còn loay hoay chưa giải quyết xong.
Trong bản kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội lần này, mục tiêu GDP 6,7% vào năm 2017 theo quan điểm của ông là tương đối cao bởi nhiều nguyên nhân.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Quochoi.vn. |
Đại biểu này dẫn chứng 9 tháng đầu năm 2016, nền kinh tế mới chỉ tăng trưởng chưa đến 6%, các động lực chính của tăng trưởng như đầu tư công, xuất khẩu đều không đạt kế hoạch. Nền kinh tế thế giới cũng chưa khởi sắc, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn.
“Gần 60% doanh nghiệp đang kinh doanh không có lãi. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường. Vậy cơ sở nào để Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 khi các vấn đề chính như kế hoạch thu chi ngân sách, nợ công… đều được lập trên cơ sở GDP?", ông Lộc phát biểu.
Còn nếu tăng trưởng không đạt mục tiêu, gây ảnh hưởng tới các chỉ tiêu khác thì Chính phủ đã có biện pháp xử lý chưa? Tại sao lại đưa ra mục tiêu nhập siêu 6,5 tỷ USD trong khi 9 tháng đầu năm 2016, nền kinh tế xuất siêu gần 4 tỷ USD? Trên cơ sở nào Chính phủ lập vốn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân là 750.000 tỷ đồng trong năm 2017.
"Chúng ta có đếm cua trong lỗ?”, đại biểu Vũ Tiến Lộc đặt hàng loạt câu hỏi.
Cũng theo đại biểu này, một số mục tiêu khác trong kế hoạch đặt ra chưa thấy rõ làm cách nào để đạt được. Chẳng hạn mục tiêu đưa nợ xấu của nền kinh tế xuống mức dưới 3% là cần thiết, nhưng giải pháp lại “rất mơ hồ”.
Ông cũng băn khoăn mục tiêu tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 32-34% GDP bởi để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra sẽ phải tăng vay nợ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến an toàn nợ công, ổn định kinh tế vĩ mô trong 5 năm tới.
“Mọi tính toán phải trên cơ sở tiền tươi thóc thật, muốn phát triển bền vững phải căn cơ, liệu cơm gắp mắm. Theo tôi chúng ta nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5% đồng thời cố gắng bảo đảm chất lượng tăng trưởng chứ không nên đưa ra mục tiêu quá cao để phấn đấu cũng không bao giờ đạt được”, ông nhấn mạnh.
Phải tăng vốn đầu tư cho nông nghiệp
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cũng nhận định mục tiêu GDP và xuất khẩu năm 2017 không thể đạt được. Bà dẫn chứng nông nghiệp, ngành đóng góp 20% GDP, đang gặp rất nhiều khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, vốn đầu tư thấp, năng suất chưa cao, ít sử dụng công nghệ cao vào sản xuất…
“Việc mua nhầm phân bón giả khiến nông dân thiệt hại ước tính 50.000 tỷ đồng mỗi năm. Hoa quả Việt đã bắt đầu được đưa ra nước ngoài, nhưng chưa được biết đến nhiều do chưa có thương hiệu”, bà Hạnh nói.
Đại biểu này đề xuất phải tăng vốn đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao để ngành này giữ vững vai trò trụ cột cho nền kinh tế, đạt mức tăng trưởng 3,5-4% vào năm 2020.
“Không chỉ dừng lại ở việc trồng lúa, cần đa dạng hóa các loại cây trồng để tăng năng suất, lợi nhuận cho nông dân đồng thời phải có chính sách ưu đãi về vốn, thuế để thu hút doanh nghiệp làm nông nghiệp”, bà nói thêm.
Nhiều đại biểu khác lại cho rằng ô nhiễm môi trường đang là lực cản phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu Lê Công Bình (Long An) nêu thực tế nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư làm nông nghiệp, nhưng chính quyền lại cấp phép cho các khu công nghiệp xả thải liền kề.
“Thế là họ mất trắng, còn ai dám làm nữa? Chưa kể làm nông nghiệp gặp khó trong vay vốn đầu tư cho công nghệ, nhân lực…”, ông nêu thực tế.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) đề xuất để đạt mục tiêu đã đặt ra cần quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.