Trong khi các ngân hàng hào hứng công bố nhiều số liệu đẹp liên quan đến tăng trưởng tín dụng nông thôn, thì vẫn có những doanh nghiệp kêu khổ trong tiếp cận nguồn vốn.
Cứ 5 đồng tín dụng các ngân hàng cấp ra có 1 đồng cho vay nông nghiệp nông thôn. Các ngân hàng trong hệ thống tài chính hầu hết đều thể hiện quan điểm sẵn sàng ưu tiên cho vay lĩnh vực này. Nhưng thực tế thì khác.
Thế chấp 6 sổ đỏ mới vay được 2,5 tỷ đồng
Tại hội thảo về tín dụng cho nông nghiệp nông thôn diễn ra cuối tuần tháng 10, bà Trịnh Thị Mý, chủ doanh nghiệp chăn nuôi có lợi nhuận hạch toán 2016 dao động 1-1,2 tỷ đồng, đến từ Quế Võ, Bắc Ninh, kể câu chuyện tiếp cận vốn ngân hàng với nhiều cảm xúc. Bà Mý cho biết bà vay 500 triệu đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) từ năm 2007, đến nay tăng lên 2,5 tỷ đồng.
“Giao dịch ngân hàng qua các năm có nhiều thay đổi. Các cán bộ tín dụng rất nhiệt tình trong khâu hồ sơ, nhanh chóng và có trách nhiệm, tiếp đón niềm nở với khách hàng”, bà Mý chia sẻ.
Tuy nhiên, giá trị tài sản thế chấp của bà bị đánh giá quá thấp. “Bản thân tôi vay 2,5 tỷ đồng mà phải thế chấp 6 sổ đỏ diện tích 4.286 m2, trong đó 5 sổ đỏ có nhà ở kiên cố 2 tầng”, bà cho biết.
Bà Mý kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên làm việc với các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để các hộ vay vốn được dùng trang trại hiện có làm tài sản thế chấp. Quy định này có thể khiến cho các đơn vị làm ăn hiệu quả đang cần vốn được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng, nhưng việc tiếp cận vốn vay tại một số ngân hàng vẫn khá khó khăn. Ảnh minh hoạ: Anh Tuấn. |
Ông Lê Quang Thành, Giám đốc Công ty Thái Dương chuyên chăn nuôi tại Hưng Yên cũng được dịp bày tỏ nỗi lòng. “Thủ tục để vay vốn ngân hàng vô cùng phức tạp. Chẳng hạn như tài sản phải được giao dịch đảm bảo, mà để giao dịch đảm bảo được thì lại cần cả núi giấy tờ để có tài sản đủ điều kiện”, ông Thành nêu ý kiến.
Với đơn vị chăn nuôi, tài sản đảm bảo chính là con giống, nhưng ngân hàng lại không nhận vật nuôi làm tài sản đảm bảo, hoặc nếu có nhận chỉ đánh giá giá trị khoảng 20%. Do đó theo ông Thành, không ít doanh nghiệp đã phải đầu tư dự án khác để lấy tiền trả ngân hàng cho dự án chăn nuôi đã vay.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương thì cho rằng trong nền kinh tế, tín dụng nông nghiệp góp phần tạo ra giá trị gia tăng không kém các lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản. Do đó, việc ưu tiên là cần thiết nhưng cần xem đến thực tế, hiệu quả.
Ông Thành cho biết công ty có một trại lợn giống 5.000 con nái, tổng đàn 10.000 con, tổng giá trị tồn kho 500 tỷ đồng. Điều kiện để được vay vốn ngắn hạn là doanh nghiệp phải mua bảo hiểm và thế chấp toàn bộ số tài sản trên. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ xác nhận 20% giá trị, có nghĩa giá trị vốn vay ngắn hạn chỉ 100 tỷ đồng.
“Đây là khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp nông nghiệp đang phải gánh chịu. Ngành ngân hàng mà xác nhận giá trị cao hơn thì chúng tôi cũng có nhiều thuận lợi hơn để phát triển sản xuất”, lãnh đạo công ty nói trên bày tỏ.
Mong ước lớn nhất của lãnh đạo doanh nghiệp trên là cơ chế cho vay của ngân hàng đối với lĩnh vực ưu tiên được thông thoáng hơn hiện tại. Cụ thể, cơ chế chính sách về tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp chăn nuôi cần thay đổi. Ngoài ra, các đơn vị chăn nuôi cần nguồn vốn dài hạn, thay vì ngắn, trung hạn 3-5 năm như hiện tại.
Những số liệu đẹp
Theo thống kê, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đến tháng 9/2016 đạt 925.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2009. Tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn trên tổng dư nợ là 17,8%. Các ngân hàng đều thể hiện quan điểm ưu tiên cho vay những lĩnh vực này.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank, tiết lộ nhà băng này luôn dành 70% trên tổng dư nợ 658.000 tỷ đồng tính đến giữa năm 2016 để phát triển tam nông. Tại Vietcombank, tỷ trọng cho vay nông thôn chiếm 9-10% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Đại diện BIDV công bố số liệu về cho vay nông thôn tăng từ hơn 232.000 tỷ trong năm 2010 lên hơn 671.000 tỷ vào tháng 9/2016. Dư nợ cho vay lĩnh vực này tại BIDV, theo khẳng định của ngân hàng, tăng gấp hơn 7 lần trong vòng 6 năm, đạt hơn 105.000 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2016. Tuy nhiên, những băn khoăn của chính các doanh nghiệp được cho là xuất sắc, tiềm năng trong tiếp cận vốn vay lại khiến một số người nghi ngại về mức độ ưu tiên của nhà băng cho nông nghiệp, cũng như các vấn đề liên quan đến cơ chế.
“Rõ ràng, các ngân hàng thương mại đã vào cuộc hỗ trợ tín dụng nông thôn khá rốt ráo. Nhưng thời gian qua, những vấn đề như lãi suất, vốn, tài sản đảm bảo, thời hạn, thủ tục vay vốn... vẫn được đề cập nhiều. Do đó, cần xác định việc phát triển tín dụng nông thôn là thiếu cơ chế chính sách chứ không phải thiếu vốn. Cơ chế ở đây là cơ chế phù hợp, không phải trên mây trên gió”, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.
Ngân hàng "gây khó" tín dụng nông nghiệp phải lên tiếng!
Được ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) “bật đèn xanh” về danh tính các ngân hàng quá cẩn trọng, thậm chí gây khó dễ trong việc cấp vốn, lãnh đạo doanh nghiệp chăn nuôi ở Hưng Yên đưa ra hai cái tên là Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Cả hai nhà băng này trong cơ cấu phát triển tín dụng lại đều thể hiện khá ưu tiên cho vay lĩnh vực ưu tiên, trong đó có chăn nuôi. Sau khi nghe ý kiến từ doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ tín dụng cho hay ông sẽ ngay lập tức hỏi những người đứng đầu 2 nhà băng nói trên về trường hợp doanh nghiệp ông Lê Quang Thành, và sẽ có câu trả lời vào ngày 31/10.