Ngày 1/9, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có thông báo chính thức về việc ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT sẽ nghỉ hưu. Ông Trần Anh Tuấn được bầu phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT kể từ 1/9/2016. Ông Tuấn sẽ thực hiện chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch HĐQT BIDV.
Ông Hà bắt đầu vào làm việc tại BIDV vào tháng 2/1981. Sau 10 năm công tác, tháng 7/1991 ông Hà được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định khi vừa tròn 35 tuổi.
Tháng 10/1999, ông là Phó tổng giám đốc BIDV. Tháng 5/2003, ông là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc BIDV. Tháng 1/2008, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV đến nay.
Như vậy, ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại BIDV và 8 năm 8 tháng giữ chức Chủ tịch HĐQT của BIDV.
Quy mô tài sản tăng gần 4 lần
Tiền thân là Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam được thành lập từ năm 1957, BIDV đã có giai đoạn phát triển mạnh, có những bước chuyển mình rõ rệt dưới “triều đại” của ông Trần Bắc Hà.
Tài sản của BIDV đã tăng lên gần 4 lần, từ mốc 248.000 tỷ năm 2008 lên 930.000 tỷ vào tháng 6/2016.
Lợi nhuận trước thuế cũng tăng mạnh từ 2.350 tỷ đồng, năm 2008 lên 7.948 tỷ đồng năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV là 3.311 tỷ đồng, lãi sau thuế ngân hàng đạt 2.674 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của nhà băng này cũng tăng liên tục trong 8 năm ông Hà làm Chủ tịch. Từ mức 8.756 tỷ đồng của năm 2008, trải qua nhiều lần tăng vốn liên tục, đến năm 2013, vốn điều lệ của BIDV đã tăng lên 28.112 tỷ đồng và là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn thứ 3 trong toàn hệ thống.
Sau khi sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB), vốn điều lệ của BIDV đã tăng thêm hơn 6.000 tỷ đồng lên mốc 34.187 tỷ đồng và là ngân hàng với quy mô vốn điều lệ lớn thứ 2 toàn hệ thống, sau Vietinbank.
Cùng với sự tăng trưởng về quy mô, tín dụng, nên nợ xấu của BIDV cũng tăng vọt. Kết thúc 6 tháng đầu năm, BIDV có 13.183 tỷ đồng nợ xấu, tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 6.343 tỷ đồng.
Nợ xấu của BIDV hiện đang dẫn đầu trong số các ngân hàng đã công bố số liệu tài chính sau nửa năm 2016.
Đưa BIDV lên niêm yết trên sàn chứng khoán
Dưới thời của ông Trần Bắc Hà, BIDV cũng đã những chuyển mình căn bản trong hoạt động quản trị doanh nghiệp là trở thành một công ty đại chúng và niêm yết cổ phiếu BID trên sàn chứng khoán.
Ngày 29/12/ 2011, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của BIDV. Kết quả gần 85 triệu cổ phiếu, tương đương với 3% vốn điều lệ đã được bán với giá bình quân 18.500 đồng/cổ phiếu.
Chia sẻ về kết quả này, ông Hà không giấu được niềm vui khi cho rằng “hơn cả sự mong đợi” khi số lượng cổ phần đặt mua hơn 70% số chào bán. Đây cũng là đợt IPO lớn nhất năm 2011.
Sau vài lần trì hoãn 2,8 tỷ cổ phiếu BID đã chính thức được niêm yết trên HOSE vào cuối tháng 1/2014. BIDV là ngân hàng thứ 9 thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng của BIDV nhằm thúc đẩy hơn nữa cung cách quản trị công ty, nâng cao các chỉ tiêu an toàn tài chính là việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa được thực hiện kể từ năm 2012 đến nay. Trong khi đó, Vietcombank, Vietinbank, MBB, ACB,…đều có nhà đầu tư chiến lược là các tổ chức tài chính nước ngoài giàu kinh nghiệm hỗ trợ.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn là cổ đông nắm quyền chi phối tuyệt đối tại BIDV với tỷ lệ sở hữu lên tới 95,28%.
Ông Trần Bắc Hà có 35 công tác tại BIDV, trong đó có hơn 8 năm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT. |
Những phát ngôn gây sốc và tin đồn ác ý
Chủ tịch một ngân hàng có quy mô hàng đầu trong hệ thống nên các hành động của ông luôn được chú ý. Phát biểu gây tranh cãi nhất của ông là lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện rất "khó sống" với mức lương tối đa được quy định là 36 triệu đồng/tháng.
Tại buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp cuối tháng 4/2016, Ông Hà đã từng ví von Chính phủ điều hành nền kinh tế như một dàn nhạc giao hưởng, ở đó, Thủ tướng là nhạc trưởng, các bộ, ngành là nhạc công và các doanh nghiệp là ca sĩ để chúng ta cùng tạo nên một bản nhạc kinh tế thật hay”.
Tin đồn ác ý nhắm đến ông cũng không phải là ít trong 8 năm ông chèo lái BIDV. Như việc BIDV cho Southern bank của ông Trầm Bê vay 5.000 tỷ đồng mà bị một số đồn đoán là hỗ trợ cho Southern bank thâu tóm Sacombank. Tuy nhiên, ông Hà đã thẳng thắn bác bỏ điều này, và cho rằng hỗ trợ Southern bank là trong sáng minh bạch.
Đỉnh điểm nhất là tin đồn sai lệch rằng ông bị bắt giữ hồi tháng 2/2013. Thông tin này ngay lập tức gây xáo động tới tài chính tiền tệ thời điểm bấy giờ. Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh như Vn-Index giảm 18 điểm, tương đương 3,36%, còn HNX- Index giảm 3,35 điểm, tương đương -5,3%. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ trong chỉ 1 phiên giao dịch.
Sau sự việc trên, vị Chủ tịch của BIDV cho rằng những kẻ tung tin đồn có thể đã kiếm được 500 – 700 tỷ đồng sau những biến động dữ dội trên thị trường tài chính.
Nợ khủng của bầu Đức
Nhưng một trong những dấu ấn không vui của cựu Chủ tịch BIDV, đó là khoản nợ khủng của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG), tại ngày 31/12/2015, HAG có số dư vay nợ lên đến 27.099 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cuối năm 2014, chủ yếu là tăng từ các khoản vay ngân hàng ngắn và dài hạn. Trong đó, BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAG với khoảng hơn 10.655 tỷ đồng, bao gồm các tín dụng cho vay thông thường và thu xếp phát hành trái phiếu.
Khoản nợ này đã được chính vị chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà thừa nhận là chậm trả lãi, nhưng ông Hà vẫn cho rằng, việc BIDV cho HAG vay là có tài sản đảm bảo, với hệ số tài sản đảm bảo/dư nợ đạt 1,8 lần với giá trị tài sản đảm bảo là hơn 18.000 tỷ đồng.