Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà nghỉ hưu

Chủ tịch ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà sẽ nghỉ hưu từ ngày 1/9 sau 35 năm công tác tại đây. Hiện chưa có thông tin chính thức về người thay thế ông Hà tại ngân hàng này.

Cụ thể, Báo điện tử Tổ Quốc cho biết, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) sẽ chính thức nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước từ ngày 1/9.

Trưa 17/8, trả lời điện thoại của phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc về “thông tin ông sắp rời nhiệm sở”, ông Trần Bắc Hà bình thản trả lời: “Đến tuổi thì tôi nghỉ hưu thôi chứ có gì đâu”.

Ông Hà sinh ngày 19/8/1956 tại Bình Định và có trình độ Cử nhân Tài chính - Kế toán. Tháng 2/1981 ông bắt đầu vào làm việc tại BIDV, tháng 7/1991 ông là Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định.

Tháng 10/1999, ông là Phó Tổng Giám đốc BIDV. Tháng 5/2003, ông là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIDV. Tháng 01/2008, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV đến nay.

Ngoài ra, ông Trần Bắc Hà còn là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).

Chu tich BIDV Tran Bac Ha nghi huu anh 1
Ông Trần Bắc Hà đã có hơn 35 năm công tác tại BIDV. 

Tên tuổi của ông Hà được biết đến rộng rãi trong giới tài chính bởi giữ vị trí Chủ tịch một ngân hàng trong top 4 ngân hàng thương mại cổ phần có xuất thân ngân hàng quốc doanh và lĩnh vực cho vay rộng khắp, hoạt không chỉ ở Việt Nam mà còn là Lào, Campuchia, Myanmar.

Theo Báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm thì cá nhân ông Trần Bắc Hà hiện đang sở hữu 136.643 cổ phiếu BID chiếm 0,004% vốn tại BIDV.

Hiện BIDV có mức vốn điều lệ 34.000 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Nhà nước đang nắm giữ 95,28% vốn điều lệ. Trước thời điểm ông Hà nghỉ hưu thì vốn Nhà nước tại BIDV do ba thành viên đại diện là ông Trần Bắc Hà (40%), ông Phan Đức Tú (30%) và ông Đặng Xuân Sinh (30% vốn).

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, BIDV đạt 3.311 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 6% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng đạt 8,3% và huy động vốn tăng 13%.

Nợ xấu của ngân hàng dưới 2% nhưng tính theo giá trị tuyệt đối thì nợ xấu đã tăng vọt 31%. Cụ thể, tổng nợ xấu của BIDV đến 30/6/2016 đã tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, lên tới 13.183 tỷ đồng so với cuối 2015. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 1.100 tỷ lên 6.343 tỷ đồng.


Phương Diệp

Bạn có thể quan tâm