Hiệu quả kinh doanh của BIDV tăng trưởng tốt, trích lập đủ dự phòng rủi ro, các tỷ lệ an toàn hoạt động đáp ứng theo quy định; hoạt động kinh doanh khối công ty con ổn định, tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 110 tỷ đồng theo đúng kế hoạch.
Hiện tại, tổng tài sản của BIDV tiếp tục đứng đầu nhóm ngân hàng thương mại cổ phần với quy mô 888.000 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 836.000 tỷ đồng; trong đó, dư nợ tín dụng đạt gần 657.000 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước.
BIDV tập trung dòng vốn tín dụng vào các ngành/lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, năng lượng… Kết quả 6 tháng đầu năm cho thấy sự khả quan: tỷ lệ nợ xấu dưới 2, nguồn vốn huy động đạt trên 820.000 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Về hoạt động bán lẻ, BIDV được tạp chí The Asian Banker bình chọn là “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam” hai năm liên tiếp (2015-2016), đồng thời là “Ngân hàng bán lẻ châu Á có hoạt động mạng xã hội được đánh giá cao” do tạp chí Retail Banker International công bố. Ngân hàng đã triển khai 24.000 điểm kết nối ATM/POS, phục vụ gần 8 triệu khách hàng cá nhân. BIDV cũng tích cực mở rộng mạng lưới lên 190 chi nhánh, 814 phòng giao dịch trên cả nước; khai trương văn phòng đại diện tại CHLB Nga vào tháng 5, trước đó đã mở tại Myanmar, Lào, Campuchia, Đài Loan, Czech và sắp tới có Myanmar, Nhật Bản.
Phó Thống đốc Ngân hàng TW Nga trao giấy phép cho Tổng giám đốc BIDV tại lễ khai trương văn phòng đại diện. |
BIDV đang là ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu trên thị trường Việt Nam, thuộc Top Global 2000 công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Sắp tới, ngân hàng sẽ chủ động xây dựng đề án Hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu trở thành “Ngân hàng đạt chuẩn ASEAN” (QAB).