Chiều 29/8 tại Singapore, GIC và Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ký bản thỏa thuận ghi nhớ. Theo đó GIC sẽ mua 305.810.895 cổ phần, tương đương với 7,73% cổ phần tính trên toàn bộ cổ phần của Vietcombank.
Buổi lễ được ký dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân chuyến thăm chính thức Singapore, và Bộ trưởng Công Thương Singapore, ông Iswanran.
Việc đầu tư cổ phần của GIC sẽ làm tăng vốn điều lệ của Vietcombank và giúp ngân hàng chuẩn bị cho việc triển khai BASEL II, cũng như duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Khoản đầu tư của GIC là một phần trong giao dịch phát hành riêng lẻ 359.777.745 cổ phần mới của Vietcombank, theo như Nghị quyết của đại hội đông cổ đông thường niên mới đây của nhà băng này.
Vietcombank hiện là ngân hàng có giá trị vốn hoá lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ảnh minh họa
|
Đây là khoản đầu tư trực tiếp, quan trọng đầu tiên của GIC vào một ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Theo thỏa thuận, GIC cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Vietcombank.
GIC được sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối của Singgapore và Chủ tịch quỹ là ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore. Hiện tại, GIC đang quản lý tài sản trị giá trên 100 tỷ USD.
Quỹ này nổi tiếng với các khoản đầu tư dài hạn, tập trung vào các khoản đầu tư trên một phạm vi rộng các loại tài sản, bao gồm bất động sản, cổ phần tư nhân, các loại vốn cổ phần và thu nhập cố định. GIC hiện đầu tư ở trên 40 quốc gia.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ Tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết: “Kinh nghiệm và danh tiếng của GIC sẽ mang đến cho Vietcombank sự hỗ trợ cần thiết, để ngân hàng đạt được các mục tiêu tài chính và kinh doanh cả ở trong nước và trên thị trường quốc tế của mình.”
Các điều khoản và điều kiện giao dịch sẽ phụ thuộc vào các chấp thuận pháp lý của các cơ quan có thẩm quyền liên quan và thương thảo tiếp theo, để đi đến ký kết một hợp đồng mua bán cổ phần. Giao dịch được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong quý IV/2016.
Như vậy, Vietcombank sẽ có 2 nhà đầu tư nước ngoài là GIC và Ngân hàng Nhật Bản Mizuho.
Được biết, Mizuho đã phải bỏ ra 11.828 tỷ đồng vào cuối năm 2011 để sở hữu 15% cổ phần của nhà băng này, và đang có ý định nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% trong thời gian sắp tới.