Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp tìm cơ hội tham gia thị trường đồ ăn cho người Hồi giáo

Thị trường Halal toàn cầu rất tiềm năng song sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này đến nay còn hạn chế.

Ngày 30/11, Diễn đàn “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam” đã được Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hà Nội.

Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức về tiềm năng thị trường thực phẩm Halal, tầm quan trọng của chứng nhận Halal và các biện pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn, phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục. Nếu Việt Nam tận dụng được những lợi thế như là mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, vị trí địa lý gần châu Á với hơn 62% dân số Hồi giáo.

Vị này nhấn mạnh nếu tích cực phát triển thị trường tại các nước Trung Đông - châu Phi nơi có hơn 30% dân số Hồi giáo thì sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.

Viet Nam tham gia vao thi truong do an Halal toan cau anh 1

Các đại biểu chụp ảnh chung tại diễn đàn "Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam”. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định cần đánh giá thực chất tiềm năng của thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, xác định rõ các quy định và tiêu chuẩn để có được chứng nhận Halal. Đồng thời, cần trao đổi kinh nghiệm, chiến lược trong xây dựng ngành thực phẩm Halal, từ đó đề xuất biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ta tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng với lợi thế là một nước xuất siêu nông, lâm, thủy sản trong 10 năm qua, Việt Nam có nhiều tiềm năng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tìm hiểu thị trường, văn hóa tiêu dùng và tập quán kinh doanh để giúp doanh nghiệp ta mở rộng thị trường này.

Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng đề cao vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong việc quảng bá các sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm Halal ra thị trường toàn cầu. Theo đó, việc chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp hỗ trợ, định hướng sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal toàn cầu là vô cùng cần thiết.

Diễn đàn đã đánh giá mặc dù thị trường Halal toàn cầu rất tiềm năng song sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal đến nay còn hạn chế. Nguyên nhân là khó khăn trong việc cấp chứng nhận Halal, thiếu thông tin về thị trường, văn hóa kinh doanh, tiêu dùng để tham gia sâu vào thị trường Halal, nhất là tại các quốc gia Hồi giáo. Việc đạt được chứng nhận Halal là chìa khóa để giúp các doanh nghiệp tiếp cận được thị trường thực phẩm Halal toàn cầu.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU tăng mạnh

Xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU trong tháng 10 tăng trưởng hai chữ số, lần lượt tăng 39% và 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hà Bùi

Bạn có thể quan tâm