Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và quốc tế.
Nhiều điểm mới như cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; kéo dài kỳ hạn không quá 2 năm; tạm hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu...
Nhiều chuyên gia cho rằng Nghị định 08 có tác động tích cực nhất đến doanh nghiệp bất động sản có dư nợ trái phiếu tới hạn lớn trong ngắn hạn; tuy nhiên đây chỉ là việc hợp thức hóa và câu chuyện dài hạn vẫn cần chờ thêm giải pháp.
Phải thuyết phục trái chủ
Đại diện Gotec Land và Nam Land cho rằng Nghị định 08 chỉ là căn cứ pháp lý giúp doanh nghiệp hợp thức hóa các phương án đang được đề xuất thời gian qua như giãn nợ và chuyển đổi bằng tài sản khác.
"Điểm mấu chốt vẫn là liệu các nhà đầu tư có chấp thuận những phương án này hay không", đại diện Gotec Land nói và cho biết may mắn được trái chủ đồng ý gia hạn đến ngày 28/2 để thanh toán đầy đủ.
Điểm mấu chốt là liệu trái chủ có chấp thuận giãn nợ, chuyển đổi sang tài sản hay không? Ảnh: Hoàng Hà. |
Về cơ bản, doanh nghiệp nếu kinh doanh không tốt sẽ không có trái chủ nào đồng ý gia hạn hay lấy bất động sản thay cho tiền gốc, lãi trái phiếu. Các công ty vẫn phải tìm cách xoay xở nguồn tiền và thuyết phục nhà đầu tư bằng các phương án kinh doanh rõ ràng, khả thi.
Ở góc nhìn tích cực, phía Gotec Land nhìn nhận Nghị định 08 ít nhiều sẽ giúp doanh nghiệp xử lý các khoản nợ trong thời gian chờ tháo gỡ pháp lý cho dự án.
Chẳng hạn, dự án Shizen Home (quận 7, TP.HCM) dù là một trong những dự án bất động sản đầu tiên được UBND TP.HCM ưu tiên tháo gỡ, nhưng phải đợi đến hạn 10/3 khi Sở Xây dựng báo cáo lại, UBND TP mới có thể có động thái tiếp theo.
"Nghị định 08 là cửa sáng cho các đơn vị phát hành. Dù vậy, phía sau vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết", một doanh nghiệp đang có nhiều lô trái phiếu với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng cho biết thêm.
Đại diện một doanh nghiệp xây dựng lớn ở miền Nam nhận định Nghị định 08 chỉ giúp các doanh nghiệp "đỡ áp lực hơn chút, hoạt động bán hàng và đảo nợ vẫn y nguyên, thị trường vẫn đang đóng băng giống giai đoạn 2013-2014".
Đàm phán cần thiện chí
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Hội sở Chứng khoán Mirae Asset, nhận định điểm trọng yếu nhất của Nghị định 08 là tạo điều kiện cho tổ chức phát hành và trái chủ có không gian để đàm phán nợ, nhất là khi các doanh nghiệp đang bị tắc thanh khoản.
Đây là giải pháp tình thế bởi hầu hết tài sản của nhóm doanh nghiệp bất động sản nằm trên các dự án dang dở, tồn kho và thiếu dòng tiền để hấp thụ các tài sản này.
Ông Huỳnh Minh Tuấn đánh giá Nghị định 08 hỗ trợ doanh nghiệp phát hành nhiều hơn hỗ trợ thị trường trái phiếu. Ảnh: T.L. |
"Nhìn chung, Nghị định 08 sẽ hỗ trợ nhóm doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều hơn là hỗ trợ thị trường trái phiếu", ông Tuấn nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng Nghị định 08 vừa tháo gỡ được khó khăn, vừa xác định lộ trình xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững.
Đây sẽ là căn cứ pháp luật để doanh nghiệp phát hành đàm phán với trái chủ, nhất là nhà đầu tư cá nhân, trên tinh thần bảo vệ quyền lựa chọn của trái chủ thiểu số.
Nghị định số 08 tác động tích cực đến việc xử lý 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm 2023. Nhưng việc xử lý trái phiếu đến hạn cũng phải được sự đồng thuận của các trái chủ thông qua đàm phán nên mất nhiều thời gian.
"Quy định đàm phán đòi hỏi sự thiện chí, chân thành và tinh thần hợp tác của cả hai bên, trước mắt là tạo điều kiện và cơ hội để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục làm ra tiền để trả nợ, đồng thời trái chủ cũng thể hiện sự đồng hành trên tinh thần thấu hiểu và chia sẻ trong lúc khó khăn", ông Châu nói.
Quy định đàm phán đòi hỏi sự thiện chí, chân thành và tinh thần hợp tác của cả hai bên
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Trên thực tế, vẫn có trường hợp không đạt được thỏa thuận với một số ít trái chủ, HoREA tin rằng việc đàm phán nếu được cả hai bên thực hiện với sự thiện chí, chân thành và tinh thần hợp tác thì sẽ là phương thức tối ưu.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings nói rằng việc cho phép chuyển đổi nợ sang tài sản khác là tích cực, nhưng vấn đề mấu chốt là phải đàm phán để xác định tài sản đó có tình trạng pháp lý và giá chuyển đổi ra sao.
Quy định kéo dài kỳ hạn tối đa 2 năm hay thực chất là chuyển nợ xấu về tương lai cũng là cách làm hợp lý hiện nay. Tuy nhiên, với trái chủ là nhà đầu tư cá nhân, ông Thuân kỳ vọng cần thêm cơ chế hướng dẫn và giám sát, tránh đưa nhà đầu tư vào thế khó dài hơn mà lại vẫn không thu được gì.
Theo quy định mới, việc đàm phán phải tuân thủ quy định của pháp luật và được trái chủ chấp thuận. Doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định.
Doanh nghiệp có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Kể cả khi trái chủ đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận việc thay đổi, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với những trái chủ không chấp thuận phương án đàm phán.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...