Phiên giao dịch ngày 6/3 chứng kiến sự bứt phá ấn tượng của nhóm cổ phiếu bất động sản, hàng loạt mã "cháy hàng" khi nhà đầu tư tranh mua sau thông tin tích cực từ Nghị định 08/2023 mới được thông qua.
Điển hình như NVL của Novaland khớp hơn 13 triệu cổ phiếu tại giá trần 11.050 đồng và vẫn còn hơn 8 triệu đơn vị khác vẫn chưa khớp tại mức này. Cổ phiếu PDR của Phát Đạt khớp gần 16 triệu đơn vị và còn hơn 5 triệu cổ phiếu khác đang đặt mua giá trần.
Ngoài ra, một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn cũng dư mua trần hàng triệu đơn vị như DIG của DIC Corp, DXG của Đất Xanh, HQC của Hoàng Quân hay HPX của Hải Phát, CRE của CenLand và SCR của TTC Land cũng kết phiên trong sắc tím.
Cổ phiếu đầu ngành là VHM của Vinhomes cũng có thời điểm bứt phá nhưng cuối phiên hạ độ cao chỉ còn tăng 2,8% lên 42.100 đồng. Dù vậy, với giá trị vốn hóa lớn, VHM vẫn là cổ phiếu tạo ra tác động tích cực nhất lên thị trường chung.
Cổ phiếu bất động sản cháy hàng phiên 6/3. Bảng giá: SSI. |
Hôm qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong và ngoài nước.
Một số điểm nhấn như cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu không quá 2 năm; cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; tạm hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu...
Chứng khoán Yuanta Việt Nam tin rằng những sửa đổi trên sẽ có tác động tích cực lên tổ chức phát hành trái phiếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản có dư nợ trái phiếu tới hạn lớn trong năm 2023 như Novaland, Vinhomes, Phát Đạt, FLC, Kinh Bắc, Hải Phát, Đất Xanh… trong bối cảnh dòng tiền doanh nghiệp khó khăn và thanh khoản sụt giảm.
Ông Ma Kha - Trưởng phòng tư vấn đầu tư Mirae Asset đánh giá Nghị định 08 sẽ có sự hưởng ứng rất lớn đến nhóm bất động sản vì đây là nghị định tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp.
Theo ông Kha, thị trường khả năng sẽ có “sóng T+” cho nhóm cổ phiếu bất động sản trong một vài phiên tới. Tuy nhiên, trong dài hạn vẫn cần chờ tác động của những quy định này đến từng doanh nghiệp.
Cổ phiếu bất động sản VHM, NVL, KDH có tác động tốt lên chỉ số. Nguồn: FireAnt. |
Một số cổ phiếu ngân hàng cũng hưởng ứng sóng chính sách khi có sắc xanh. Đáng kể như CTG của VietinBank tăng 2% lên 28.350 đồng, TCB của Techcombank tăng 1,5% đạt 27.200 đồng, SHB và EIB cũng tăng 1,4%.
Trong khi đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác vẫn diễn biến khá tiêu cực trong bối cảnh thanh khoản co hẹp. Nhóm VN30 chỉ có mức tăng nhẹ 0,09% trong phiên. Trong khi chỉ số đại diện nhóm vốn hóa vừa VNMID tăng 0,86% và chỉ số cho nhóm vốn hóa nhỏ VNSML tăng 0,26%.
Cổ phiếu hàng không Vietjet lao dốc 4,8% về 96.300 đồng. Cổ phiếu hàng tiêu dùng VNM của Vinamilk mất 1,3% và SAB của Sabeco rơi 1,1%. Nhóm bán lẻ đi xuống mạnh với MSN của Masan mất 2,1% giá trị, DGW của Digiworld rớt 2,2% hay PNJ giảm 1,1%.
Do áp lực bán mạnh trong nhóm vốn hóa lớn về cuối phiên đã khiến thị trường có phần hạ nhiệt. VN-Index có thời điểm được kéo lên trên mốc 1.040 điểm nhưng rồi kết phiên chỉ còn 1.027,18 điểm, tăng nhẹ 2,41 điểm (0,24%) so với cuối tuần trước.
Thanh khoản thị trường dù có sức hút từ khối bất động sản nhưng vẫn ảm đạm với tổng giá trị giao dịch đạt 7.867 tỷ đồng. Riêng giao dịch tại sàn HoSE chiếm 6.810 tỷ đồng, giảm 6% so với phiên gần nhất.
Thêm một điểm tiêu cực khác là nhà đầu tư nước ngoài vẫn đẩy mạnh bán ròng phiên thứ 14 liên tiếp trên sàn HoSE. Giá trị bán phiên hôm nay là hơn 100 tỷ đồng, tập trung bán NVL, VND, VIC và DXG.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...