Vụ chính biến nổ ra ở Myanmar khiến các công ty nước ngoài kinh doanh tại quốc gia này chấn động. Theo Nikkei Asian Review, họ đầu tư vào Myanmar với hy vọng rằng sự chấm dứt của chế độ quân sự sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới. Nhưng giờ đây, các doanh nghiệp nước ngoài có lẽ phải xem xét lại chiến lược này.
Cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2015 của Myanmar kết thúc với chiến thắng ngoạn mục của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Kể từ đó, các công ty nước ngoài, bao gồm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, đã tăng tốc đầu tư.
Theo thống kê chính thức, số vốn đầu tư từ Nhật Bản được Myanmar phê duyệt từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2020 đạt 768 triệu USD.
Bà Aung San Suu Kyi cùng những thành viên khác trong đảng cầm quyền NLD đã bị quân đội bắt giữ hôm 1/2. Ảnh: Reuters. |
Xem xét lại chiến lược
Sau khi vụ chính biến nổ ra, các doanh nghiệp nước ngoài vội vã thu thập thông tin và xác nhận sự an toàn của nhân viên địa phương và quốc tế ở Myanmar. Hãng gọi xe Grab (có trụ sở tại Singapore) ngừng cung cấp dịch vụ với lý do kết nối Internet yếu.
Một đại diện của Toyota Motor tiết lộ công ty đang cập nhật về doanh số bán hàng và tình hình nhân viên tại Myanmar. Trước đó, nhà sản xuất ôtô Nhật Bản thông báo sẽ mở nhà máy đầu tiên tại Myanmar trong tháng này ở Đặc khu Kinh tế Thilawa (ngoại ô phía nam Yangon).
Toyota trực tiếp bán xe tại Myanmar từ năm 2014, dựa vào nhập khẩu từ các nước láng giềng. Tuy nhiên, doanh số bán hàng nội địa tăng nhanh đã thúc đẩy quyết định lắp ráp xe bán tải Hilux trong nước.
Suzuki Motor cũng bắt đầu sản xuất xe tại Myanmar từ năm 2013. Nhà sản xuất Nhật Bản cho biết sẽ thành lập một nhà máy mới vào tháng 9 ở Đặc khu Kinh tế Thilawa. Hiện, công ty chưa nhận được báo cáo từ địa phương về tác động đối với hoạt động của công ty.
Mitsubishi cũng nhắc nhở nhân viên tại Myanmar ở nhà và đặt an toàn lên hàng đầu. Người phát ngôn công ty xác nhận các công nhân vẫn an toàn. Tuy nhiên, công ty đang xem xét những tác động đối với hoạt động kinh doanh.
Các ngân hàng đồng loạt đóng cửa trong ngày 1/2. Ảnh: Reuters. |
Hồi tháng 12, Mitsubishi công bố hợp đồng sản xuất xe lửa với doanh nghiệp quốc doanh Myanma Railways. Công ty cũng tham gia vào hoạt động của Sân bay Mandalay và dự án phát triển đô thị Trung tâm Yoma.
Kirin, công ty sở hữu Myanmar Brewery and Mandalay Brewery, cho biết "đã nhận thức được tình hình chính trị gần đây ở Myanmar và đang theo dõi chặt chẽ". "Các nhà máy vẫn hoạt động, nhưng chúng tôi sẽ ngừng sản xuất nếu có bất cứ yêu cầu nào từ giới chức trách", công ty nói thêm.
Kasikornbank - ngân hàng lớn thứ tư Thái Lan về quy mô tài sản - khẳng định cuộc đảo chính không ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Trước vụ việc, các nhân viên người Thái tại văn phòng đại diện ở Yangon đã được yêu cầu trở về Thái Lan làm việc do đại dịch.
Trong khi đó, các nhân viên địa phương được lựa chọn làm việc tại văn phòng hoặc ở nhà. "Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình sát sao", ngân hàng khẳng định.
Lo sợ biện pháp trừng phạt
Ông Supant Mongkolsuthree, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, cho biết thương mại và đầu tư giữa Thái Lan và Myanmar sẽ không chịu tác động tiêu cực nào. Tuy nhiên, họ vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình chính trị.
Trong khi đó, các giám đốc điều hành doanh nghiệp Myanmar bày tỏ nỗi lo lắng về những gì xảy ra ở quê nhà. "Việc này chưa từng xảy ra với chúng tôi. Đầu tiên là dịch Covid-19 và giờ là một cuộc đảo chính", ông Alok Kumar, Giám đốc điều hành tại công ty du lịch trực tuyến Oway của Myanmar, bình luận.
"Các doanh nghiệp và người dân Myanmar phải đối mặt với sự bất ổn rất lớn ở phía trước. Tình hình vài ngày tới là rất quan trọng", ông nói thêm.
Một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Myanmar được Nikkei liên hệ từ chối bình luận về tình hình. Công ty này cho biết đưa ra bình luận vào thời điểm này "sẽ dẫn đến rất nhiều rủi ro".
Một mối lo ngại khác là phương Tây và các quốc gia khác có thể tái áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế. Ở chế độ quân sự trước đây, Mỹ hạn chế các doanh nghiệp nước này đầu tư vào Myanmar hay làm ăn cùng những doanh nghiệp nước ngoài giao dịch với các công ty Myanmar có quan hệ chặt chẽ với quân đội.
Người dân hoang mang về tương lai của đất nước sau vụ biến chính hôm 1/2. Ảnh: Reuters. |
Theo Nikkei Asian Review, đây là trở ngại lớn nhất đối với nhiều công ty đa quốc gia đầu tư vào Myanmar. Nếu các biện pháp trừng phạt được tái áp dụng với mục đích thúc đẩy dân chủ hóa, rất khó để tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Ông Supant cho biết Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan đang theo dõi xem liệu phương Tây có thể gây áp lực lên quân đội Myanmar bằng các lệnh trừng phạt có tác động tiêu cực đến đầu tư của Thái Lan vào Myanmar hay không.
"Các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Myanmar sẽ chịu ảnh hưởng vì họ sẽ khó sản xuất và xuất khẩu từ Myanmar, nhất là sang các nước phương Tây", ông Supant tiết lộ.