Tổng thống đắc cử Donald Trump tham dự buổi dạ tiệc của Viện Chính sách nước Mỹ trên hết (AFPI) tại Mar-A-Lago ở Florida ngày 14/11. Ảnh: Reuters. |
Theo Reuters, các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang theo dõi sát sao lời cam kết về kế hoạch áp thuế nhập khẩu cao hơn của Tổng thống đắc cử Donald Trump khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025. Tuy nhiên, nhiều người đã bày tỏ lo ngại rằng chính sách thuế quan này có thể khiến lạm phát tăng cao.
Hàng loạt tập đoàn lớn đã đề cập đến vấn đề thuế quan trong các sự kiện dành cho nhà đầu tư gần đây, đặc biệt sau cuộc bầu cử ngày 5/11 khi ông Trump vượt qua Phó tổng thống đương nhiệm Kamala Harris để trở thành chủ nhân của Nhà Trắng nhiệm kỳ tới.
Walmart - nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ - cho biết giá cả có thể tăng nếu các mức thuế quan được nâng lên. “Chúng tôi lo ngại việc tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu có thể làm tăng chi phí cho khách hàng, nhất là khi họ vẫn đang chịu áp lực từ lạm phát”, đại diện Walmart cho biết.
Ông Trump đã cam kết đưa thuế quan, vốn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thu ngân sách Mỹ, thành trọng tâm trong chính sách kinh tế.
Từ tháng 9, gần 200 công ty thuộc nhóm chỉ số S&P 1500 Composite đã đề cập đến vấn đề thuế quan trong các cuộc họp báo cáo tài chính hoặc hội nghị nhà đầu tư, tăng gần gấp đôi so với kỳ bầu cử năm 2020 và cao hơn rất nhiều so với chỉ 23 lần đề cập trong năm 2023, theo dữ liệu từ LSEG.
Brandon Sink, Giám đốc tài chính của Lowe’s cho biết: “Khoảng 40% chi phí hàng hóa của chúng tôi đến từ nhập khẩu, bao gồm cả các thương hiệu thông qua đối tác cung ứng. Nếu mức thuế mới được áp dụng, chắc chắn sẽ làm tăng chi phí sản phẩm”.
Sự thay đổi trong chỉ số giá tiêu dùng năm 2028 nếu ông Trump thực hiện tăng thuế quan đối với các đối tác thương mại lớn. Ảnh: Reuters. |
Ông Trump đã đề xuất áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 10% với hàng hóa toàn cầu nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Theo Oxford Economics, mức thuế 60% với hàng Trung Quốc có thể làm lạm phát Mỹ tăng thêm 0,7 điểm %, trong khi áp thuế 10% với hàng hóa toàn cầu sẽ làm tăng 0,3 điểm % lạm phát. Dù các mức thuế này có thể được áp dụng theo lộ trình, một số nhà phân tích vẫn lo ngại về tác động gây sốc lên nền kinh tế.
Trường hợp các đối tác thương mại áp dụng biện pháp trả đũa, các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ vốn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng tại Đài Loan (Trung Quốc) như Apple, Nvidia và Qualcomm có thể bị ảnh hưởng.
Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ cảnh báo rằng thuế quan có thể làm tăng giá các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, đồ chơi, nội thất, thiết bị gia dụng, giày dép và đồ du lịch, đặc biệt với các sản phẩm mà Trung Quốc là nhà cung cấp lớn.
Patrick Hallinan, Giám đốc tài chính của Stanley Black & Decker cho biết các mức thuế quan hiện tại đã tiêu tốn của công ty 100 triệu USD mỗi năm và con số này có thể tăng gấp đôi nếu các đề xuất của ông Trump được thông qua.
Dù vậy, các công ty đã bắt đầu chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump và tiếp tục xu hướng này sau các chính sách thúc đẩy sản xuất trong nước của Tổng thống Joe Biden.
Theo Cục Thống kê Mỹ, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã đạt đỉnh 538,5 tỷ USD vào năm 2018 và giảm xuống 433,3 tỷ USD trong 12 tháng gần nhất tính đến tháng 9 năm nay.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.