Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand), cho biết trung bình mỗi tháng ông phải bỏ ra khoảng 2-3 căn chung cư để nuôi công ty. "Tôi nghĩ tôi còn khoảng vài trăm căn để có thể lo liệu cho công ty qua giai đoạn này", ông Vũ nhấn mạnh.
Doanh thu mảng môi giới bất động sản giảm mạnh
Thực tế, kết quả kinh doanh hợp nhất quý I vừa công bố đã thể hiện khá rõ nét về khó khăn của CenLand khi doanh thu thuần sụt giảm mạnh còn 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ doanh nghiệp thu về 1.942 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản doanh thu từ hoạt động tài chính cũng giảm xuống còn 19 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp môi giới bất động sản này có nhiều nỗ lực trong việc tối ưu hóa chi phí. Đơn cử như khoản chi phí bán hàng đã được giảm mạnh về còn 694 triệu đồng, trong khi cùng kỳ chi hơn 198 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 100%.
Dẫu vậy, điều này cũng không tránh khỏi việc CenLand ghi nhận khoản lỗ gần 9 tỷ đồng, giảm hơn 106% so với cùng kỳ. Đây cũng là khoản lỗ theo quý thứ hai của doanh nghiệp kể từ 2017.
Lãnh đạo CenLand lý giải kết quả kinh doanh với những con số tiêu cực trên do thị trường bất động sản vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và các yếu tố không thuận lợi xuất hiện từ năm ngoái.
"Các vấn đề về nguồn vốn, lãi suất tăng cao... đang gây áp lực lớn cho người mua nhà và nhà đầu tư. Điều này làm cho nhu cầu giao dịch bất động sản giảm mạnh kéo theo doanh thu và lợi nhuận suy giảm nhiều so với cùng kỳ", doanh nghiệp giải trình.
Với những khó khăn còn tiếp diễn, năm nay, CenLand đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 3.050 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 168 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 32% so với kết quả thực hiện được trong năm 2022.
Phía công ty cho biết doanh thu cao hơn nhưng lợi nhuận thấp hơn bởi CenLand đang đầu tư cho các mảng mới. "Đây là thời điểm cần sự quyết liệt để thành công trong dài hạn. Vì thế công ty không đặt lợi nhuận kinh doanh cao trong năm nay", ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT CenLand phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế theo quý của CenLand và Khải Hoàn Land | ||||||||||
Nhãn | Quý I/2021 | II | III | IV | Quý I/2022 | II | III | IV | Quý I/2023 | |
CenLand | Tỷ đồng | 123 | 128 | 79 | 122 | 142 | 89 | 31 | -58 | -8 |
Khải Hoàn Land | 48 | 45 | 313 | 50 | 88 | 54 | 251 | 57 | 57 |
Một doanh nghiệp môi giới khác cũng gặp phải tình cảnh tương tự là CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land (KHG).
Kết thúc quý I, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 260 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cơ cấu doanh thu có sự thay đổi lớn khi mảng môi giới bất động sản không còn nắm chủ lực, chỉ ghi nhận gần 15 tỷ đồng, giảm 86%.
Trong khi đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản tăng 2,2 lần lên hơn 245 tỷ đồng.
Đồng thời, khoản doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng trưởng tới 85% lên hơn 135 tỷ đồng (chủ yếu do lãi từ hợp tác đầu tư).
Nhờ vậy, Khải Hoàn Land lãi sau thuế gần 57 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Với kết quả này, doanh nghiệp còn cách rất xa mục tiêu 1.660 tỷ đồng doanh thu thuần và 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2023.
Khoản phải thu chiếm tỷ trọng lớn
Trong cơ cấu tài sản, báo cáo tài chính hợp nhất quý I của cả hai doanh nghiệp đều cho thấy khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn hiện chiếm tỷ trọng rất lớn. Cụ thể, tại CenLand, tổng khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn chiếm gần 90% tổng tài sản. Còn với Khải Hoàn Land, tổng 2 khoản này chiếm tới 96%.
Điều này khiến cổ đông lo ngại về tình hình tài chính của công ty không còn "khỏe". Tuy nhiên, trả lời cổ đông về vấn đề này, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa qua, bà Đinh Thị Nhật Hạnh - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Khải Hoàn Land - cho biết không riêng gì Khải Hoàn Land mà hầu hết doanh nghiệp bất động sản nói chung ghi nhận khoản phải thu lớn không có gì nghiêm trọng.
Vị này nhấn mạnh các khoản phải thu của Khải Hoàn Land chủ yếu đang trong giai đoạn đầu tư vào các công ty, tập đoàn là chủ đầu tư, nhà phát triển dự án. Công ty đang đầu tư vào đó để lấy lượng sản phẩm lớn với giá rẻ. "Do đó, quý cổ đông đừng quá lo lắng", bà Hạnh nhấn mạnh.
Khoản phải thu của doanh nghiệp môi giới bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo ghi nhận của Zing, không chỉ riêng 2 doanh nghiệp trên, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này đều rơi vào tương tự, một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu còn phải tuyên bố phá sản hoặc tạm dừng hoạt động.
Thực tế, thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết hầu hết sàn giao dịch mới thành lập dưới 2 năm đều phải đóng cửa trong ba tháng đầu năm.
Trong đó, theo thống kê từ các sàn giao dịch bất động sản là hội viên của VARS, trong quý I năm nay tiếp tục có thêm 30-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Đáng chú ý, có những khu vực con số này lên tới 80%.
"Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn", các chuyên gia tại VARS cho hay.
Với bối cảnh này, các chuyên gia tại VARS cho rằng doanh nghiệp môi giới bất động sản cần tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp và uy tín.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần bám sát tình hình thị trường để có những điều chỉnh kịp thời. Tránh tình trạng cho nhân viên nghỉ nhiều đến khi thị trường "ấm" lên lại không đủ nguồn lực triển khai hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt là phải có biện pháp động viên, trấn an, hỗ trợ đội ngũ nhân sự "cứng" để đảm bảo giữ được đội ngũ nòng cốt, chuẩn bị cho thời kỳ sắp tới.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.