Theo The Korea Times, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tới Việt Nam có sự tháp tùng của phái đoàn kinh tế với 205 người, bao gồm lãnh đạo của 5 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc và 6 tổ chức kinh tế lớn.
Các công ty, doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như bán lẻ, tài chính, luật, y tế, công nghệ thông tin và các lĩnh vực dịch vụ...
Một số thành viên quan trọng của phái đoàn kinh tế Hàn Quốc (từ trái sang phải gồm Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong; Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won; Chủ tịch điều hành Tập đoàn Hyundai Motor Chung Euisun; và Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo). Ảnh: The Korea Times. |
Chuyến thăm trong 3 ngày được doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng là cơ hội mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam sang các lĩnh vực mới như chuỗi cung ứng; khoáng sản; năng lượng mới và năng lượng tái tạo; khoa học và công nghệ đổi mới; thành phố thông minh...
Đồng thời là cơ hội giúp Hàn Quốc giảm phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, tránh những bất ổn từ sự cạnh tranh của Trung Quốc và Mỹ liên quan tới chuỗi cung ứng cùng các vấn đề khác.
Gia tăng hiện diện
Các quan chức trong ngành mong đợi những người đứng đầu các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc như Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong; Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won; Chủ tịch điều hành Tập đoàn Hyundai Motor Chung Eui-sun; và Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo sẽ công bố các khoản đầu tư mới mang tới cơ hội hợp tác lớn hơn trong tương lai giữa 2 nước.
Chủ tịch Lee Jae-yong được kỳ vọng nhiều hơn khi Việt Nam đang là điểm đến kinh doanh trọng yếu của Samsung. Samsung Electronics sản xuất gần một nửa số điện thoại thông minh Galaxy tại các nhà máy thuộc tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM.
Tầm quan trọng của việc hợp tác càng được nhấn mạnh khi điện thoại thông minh Galaxy góp khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
SK Group cũng đang đầu tư mạnh vào Việt Nam khi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng tốt. Tập đoàn này đã thành lập SK Southeast Asia Investment Corp. vào năm 2018. Các thương vụ nổi bật có thể kể tới như mua 9,5% cổ phần (tương đương giá trị 470 triệu USD) của Masan Group hay đầu tư 1 tỷ USD vào Vingroup.
Còn Tập đoàn Hyundai thì mang lại thay đổi đáng kể tại thị trường Đông Nam Á và Trung Đông, nơi trước đây các công ty Nhật Bản nắm thị phần lớn, đặc biệt là sự thống trị của Toyota. Và Việt Nam là một trong những quốc gia trọng điểm trong lĩnh vực này.
Năm 2017, Hyundai Motor thành lập liên doanh sản xuất Hyundai Thành Công Motor Việt Nam (HTMV) với Tập đoàn Thành Công tại tỉnh Ninh Bình. Mẫu xe của công ty sản xuất đã giữ vị trí dẫn đầu về doanh số cho đến năm 2021. Hyundai Motor và Kia dự kiến sản xuất thêm 4 mẫu xe nữa trong nửa cuối năm nay tại nhà máy HTMV 1 và 2, nhằm gia nhập thị trường xe điện Việt Nam.
Trong khi đó, Tập đoàn LG đã gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1995 và liên tục tăng cường đầu tư dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Koo Kwang-mo. Năm 2015, LG đã tích hợp các nhà máy sản xuất tại Hưng Yên và Hải Phòng vào Tổ hợp công nghệ LG Hải Phòng, định vị đây là một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Công ty có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD vào năm 2028 để thiết lập và mở rộng dây chuyền sản xuất. Hiện LG điều hành tổng cộng 12 công ty con tại Việt Nam, bao gồm LG Electronics; LG Display; LG Innotek; LG CNS; LG Chemical LG International... với quy mô sản xuất 12 tỷ USD vào năm ngoái, các công ty này chiếm khoảng 3% GDP của Việt Nam.
"Việt Nam không chỉ là một trong 3 đối tác thương mại hàng đầu cùng với Mỹ và Trung Quốc, mà còn là quốc gia nơi các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cường hợp tác trong những ngành công nghiệp mới nổi và tiến bộ công nghệ", một quan chức Hàn Quốc trong ngành chỉ ra thêm.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (phải) nói chuyện với những người tham gia trong hội chợ giao thương Việt - Hàn. Ảnh: Yonhap. |
Cơ hội hợp tác kinh tế rộng mở
Theo Yonhap, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã tham quan các gian hàng của K-Industry Showcase, nơi trải nghiệm các sản phẩm từ các công ty lớn của Hàn Quốc nằm trong sự kiện hội chợ giao thương Việt - Hàn.
Sự kiện K-Industry Showcase cho phép người tiêu dùng Việt Nam tìm hiểu về hợp tác kinh tế song phương với hơn 8.800 công ty Hàn Quốc đang sử dụng hơn 700.000 lao động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia Đông Nam Á.
Sự kiện giao lưu cũng là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Hàn Quốc sang Việt Nam, bao gồm các ngành điện tử, ôtô, đồ gia dụng, nội dung văn hóa, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản.
Được biết, các gian hàng của K-Industry Showcase quy tụ 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp của Hàn Quốc và hơn 200 đại diện người tiêu dùng Việt Nam tới tham quan tìm hiểu. Tại đây, 400 cuộc tư vấn trực tiếp đã diễn ra giữa hai bên.
Các hợp đồng giao thương ước tính trị giá lên tới 100 triệu USD dự kiến được ký kết trong 3 năm tới. Với các thỏa thuận trong ngắn hạn 1 năm, giá trị kinh tế ước tính khoảng 40 triệu USD.
Cũng liên quan tới quan hệ hợp tác song phương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, Giám đốc điều hành Hyundai Chung Ki-sun vừa có chuyến thăm Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai - Việt Nam (HVS).
Ông Chung đã đến thăm nhà máy tại Khánh Hòa để kiểm tra tiến độ đóng tàu và động viên tinh thần của các giám đốc điều hành và nhân viên.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...