BoE bất ngờ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Ảnh: Bloomberg. |
Theo CNBC, các thị trường đều ngỡ ngàng sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) công bố tăng lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản. Đây là đợt nâng lãi suất thứ 13 liên tiếp của ngân hàng trung ương nước này nhằm kìm hãm lạm phát dai dẳng.
Như vậy, lãi suất điều hành của Anh đã được đưa lên mức 5%. Trước đó, các thị trường định giá khả năng BoE tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm là khoảng 60%.
Bảng Anh trượt giá so với USD sau thông báo này. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh cũng giảm nhẹ.
Bước nhảy 0,5 điểm phần trăm
Theo báo cáo mới được Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố, trong tháng 5, lạm phát ở Anh cao hơn dự kiến với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,7% so với một năm trước đó. Các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát tin rằng con số này chỉ 8,4%.
Tính riêng trong tháng 5, CPI tại Anh tăng 0,7%. Trong khi đó, lạm phát cơ bản - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh - là 7,1%, tăng từ mức 6,8% trong tháng 4 và đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 3/1992.
"Đà tăng của nhóm du lịch hàng không, hàng hóa và dịch vụ văn hóa - giải trí, ôtô cũ đóng góp lớn nhất vào mức tăng chung của cả CPI lẫn CPIH (chỉ số giá tiêu dùng bao gồm chi phí nhà ở của chủ sở hữu)", ONS nhận định.
Các dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát vẫn còn dai dẳng, trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt và nhu cầu tiếp tục phục hồi
Tuyên bố của Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoE
"Các dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát vẫn còn dai dẳng, trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt và nhu cầu tiếp tục phục hồi", Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoE (MPC) cho biết trong tuyên bố hôm 22/6.
"MPC sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu về áp lực lạm phát dai dẳng trong toàn bộ nền kinh tế, bao gồm sự thắt chặt của thị trường lao động, tăng trưởng tiền lương và lạm phát giá dịch vụ. Nếu các dữ liệu cho thấy áp lực lạm phát dai dẳng hơn, cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa", cơ quan này nhấn mạnh.
BoE đang đối mặt với một bài toán khó. Đó là kìm hãm lạm phát nhưng không tạo ra một cuộc khủng hoảng lãi vay và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
"Áp lực lạm phát tại Anh dai dẳng hơn so với các nền kinh tế phương Tây khác. Điều đó buộc ngân hàng trung ương phải diều hâu. Tuyên bố ngày hôm nay làm gia tăng lo ngại về việc lãi suất sẽ bị đẩy lên cao hơn nhiều, có thể tới 6%", ông Joseph Little - chiến lược gia trưởng toàn cầu tại HSBC Asset Management - bình luận.
Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6, còn Ngân hàng Trung ương Châu Âu chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm.
BoE ở thế khó
Theo ông Marcus Brookes - Giám đốc đầu tư của Quilter Investors - đối với người tiêu dùng, nhà đầu tư và chính phủ Anh, báo cáo lạm phát tháng 5 của ONS là điều khó chấp nhận.
"Anh đang trải qua một loạt tình huống bất thường, và điều này khiến BoE không còn nhiều lựa chọn", ông nhận định.
"Đến nay, người tiêu dùng Anh đã chống chịu khá tốt trước cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Nhưng chúng tôi bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu xấu. Một cú sốc lãi vay mua nhà đang rình rập, và lãi suất tăng cao bắt đầu ảnh hưởng đến các hộ gia đình", ông giải thích.
Đầu tháng này, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo lạm phát trong năm nay của Anh sẽ là 6,9%, mức cao nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến.
"Nền kinh tế đang hoạt động tốt hơn dự kiến. Nhưng lạm phát vẫn còn quá cao, và chúng ta phải đối phó với nó", Thống đốc BoE Andrew Bailey nhấn mạnh trong một tuyên bố hôm 22/6.
"Tôi hiểu điều này sẽ rất khó khăn. Nhiều người đang vay mua nhà hoặc các khoản vay khác có thể lo lắng về tác động từ việc tăng lãi suất. Nhưng nếu bây giờ chúng ta không nâng lãi suất, tình hình sau này còn tồi tệ hơn", vị thống đốc nhấn mạnh.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.