Theo CNBC, kim cương cùng với các sản phẩm trang sức từ nó đã có một năm 2022 thuận lợi khi chứng kiến thị trường tăng cao sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, kim cương lại không phải là lựa chọn yêu thích của nhà đầu tư khi kể từ đầu năm đến nay, loại khoáng sản quý hiếm này đã rớt giá gần 7%, còn nếu so với đỉnh tháng 2/2022, mức giảm giá đã là 18%.
"Ngày này một năm trước, một viên kim cương tự nhiên 1 carat có chất lượng tốt thường được bán với giá 6.700 USD, nhưng hiện tại chỉ còn 5.300 USD", ông Paul Zimnisky - Giám đốc điều hành Paul Zimnisky Diamond Analytics - cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Kim cương đã liên tục giảm giá kể từ tháng 2/2022. Ảnh: CNBC. |
Giải thích cho điều này công ty tư vấn chiến lược Bain & Company cho biết: "Người tiêu dùng hiện tại đã sẵn sàng chi tiêu, họ rủng rỉnh tiền mặt nhờ thị trường chứng khoán sôi động và các chương trình kích thích kinh tế. Do đó, khi thế giới mở cửa trở lại, họ muốn ngay lập tức hưởng thụ chứ không chỉ đổ dồn tiền vào trang sức xa xỉ như trước nữa".
Vì vậy, giá kim cương phải liên tục điều chỉnh cho phù hợp với lực cầu, và dần rơi vào tình trạng "suy giảm mạnh".
Ngoài ra, sự cạnh tranh liên tục từ kim cương nhân tạo, sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc và bối cảnh vĩ mô không chắc chắn cũng là những nguyên nhân khiến thị trường trở nên ảm đạm hơn.
Sự thay thế hoàn hảo của kim cương nhân tạo?
"Ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua kim cương nhân tạo", ông Edahn Golan - Giám đốc điều hành của Edahn Golan Diamond Research & Data - cho biết.
“Tỷ lệ doanh số kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm so với kim cương tự nhiên đang tăng lên. Vào năm 2020, con số này chỉ là 2,4%, nhưng đến năm nay, nó đã tăng lên 9,3%,” ông nói.
Được biết, kim cương nhân tạo là loại kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, với áp suất và nhiệt độ cực cao để mô phỏng cách tạo ra kim cương tự nhiên của Trái Đất.
Về mặt hóa học, vật lý và quang học, kim cương nhân tạo không khác gì tự nhiên và được coi là "bản thay thế hoàn hảo" của kim loại quý này. Vậy thì với mức giá rẻ hơn nhiều lần, ngày càng nhiều người lựa chọn mua "kim cương phòng thí nghiệm".
"2 loại kim cương này nhìn bằng mắt thường thì không thể phân biệt được, vậy tại sao tôi lại phải mua loại đắt hơn", anh Jonathan Lok (29 tuổi), người đã cầu hôn bạn gái của mình bằng chiếc nhẫn kim cương nhân tạo 0,76 carat vào năm ngoái, cho biết.
Theo ông Edahn, giá những viên kim cương nhân tạo đã giảm mạnh trong vòng 3 năm qua, lên tới 59%. Trước đó, khi vừa mới ra mắt, giá những viên kim cương này chỉ kém khoảng 20-30% so với giá tự nhiên, còn bây giờ thì con số này đã lên tới 75-90% nhờ công nghệ sản xuất ngày càng hiệu quả.
Đồng thời, đối với một ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào năng lượng như ngành này, chi phí khí đốt giảm cũng giúp giá thành sản xuất giảm mạnh.
Đối với nhiều người, kim cương nhân tạo và kim cương tự nhiên chẳng khác gì nhau nên họ sẽ chọn cái nào rẻ hơn. Ảnh: CNBC. |
Giá vẫn giảm không ngừng
Trong trường hợp giá xuống, ông Edahn cho rằng giá kim cương tự nhiên sẽ giảm 20-25% so với giá hiện tại trong 12 tháng tới, đồng thời đánh dấu mức giảm 40% so với đỉnh tháng 2/2022.
Đồng tình với ý kiến này, rất nhiều chuyên gia cho rằng giá kim cương tự nhiên sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt là khi tỷ suất lợi nhuận của các hãng bán lẻ kim cương nhân tạo rất cao, gấp đôi so với con số 34% của kim cương tự nhiên.
Tuy nhiên, ngay cả khi đang trên đà giảm, vẫn luôn có một mức giá sàn cho kim cương tự nhiên vì chi phí lao động để khai thác là rất cao. Theo ông Daga, sau khi giảm 25% từ mức giá hiện tại, giá kim cương sẽ đi ngang chứ không thể giảm tiếp.
Ngoài ra, những người theo dõi thị trường kim cương cũng không mong đợi các biện pháp trừng phạt đối với Nga - nhà sản xuất kim cương hàng đầu thế giới - vì điều này sẽ dẫn đến giá tăng đột biến.
Trước đó, vào đầu tháng 5, nhóm các nền kinh tế G7 đã tổ chức một cuộc thảo luận để áp lệnh trừng phạt lên kim cương Nga, trong đó nước Anh đi đầu trong việc trừng phạt công ty kim cương quốc doanh Alrosa.
Tuy nhiên, trên thực tế, Nga có lẽ sẽ không gặp bất cứ vấn đề gì kể cả khi tiếp tục bán kim cương.
"Các quốc gia như Ấn Độ, UAE và thậm chí cả Liên minh châu Âu đều không áp đặt lệnh trừng phạt đối với mặt hàng kim cương thô, do đó lệnh trừng phạt của G7 sẽ không có quá nhiều tác dụng", ông Edahn cho biết.
Trong đó, Ấn Độ là nhà nhập khẩu kim cương hàng đầu thế giới, Mỹ đứng thứ hai, tiếp theo là Hong Kong, Bỉ và UAE.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.