Theo Nikkei Asia, thời gian qua, Ấn Độ rất năng nổ trên các diễn đàn quốc tế nhằm thể hiện vai trò là một quốc gia có trách nhiệm. Bên cạnh đó, New Delhi cũng đang nỗ lực duy trì mối quan hệ “không mất lòng ai”.
Do đó, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi không hề lựa chọn quay lưng với dầu Nga - một mặt hàng rất quan trọng với nền kinh tế đông dân nhất thế giới.
Kể từ tháng 4/2022, chỉ 2 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Ấn Độ bắt đầu tăng cường nhập khẩu dầu từ nước này. Và nếu tính đến tháng 3 năm nay, Ấn Độ đã nhập trung bình 1,02 triệu thùng dầu thô/ngày từ đây.
Ấn Độ chỉ nhập dầu từ Nga nhưng lại giúp nhiều nền kinh tế. Ảnh: Nikkei Asia. |
Lợi ích cho nền kinh tế
Theo xác nhận của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, con số này lớn gấp 11 lần so với năm 2021 và chiếm khoảng 20% tổng lượng dầu thô nhập khẩu từ trước đến nay.
Nhờ vậy, Nga trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Ấn Độ từ vị trí thứ 10 của năm trước đó, vượt mặt Iraq với 1,01 triệu thùng và Arab Saudi với 790.000 thùng. Với một quốc gia mà 80% lượng dầu thô được nhập khẩu như Ấn Độ, việc tăng cường nhập từ Nga mang lại những lợi ích không phải bàn cãi.
Lợi ích đầu tiên là kiềm chế lạm phát, tiếp sau đó là cải thiện cán cân thương mại và cuối cùng là đa dạng hóa nguồn cung.
Về lạm phát, Ấn Độ mua dầu Nga với giá trung bình 83 USD/thùng trong năm tài khóa 2022, thấp hơn so với 90 USD/thùng từ Iraq và 100 USD/thùng từ Arab Saudi.
Trong khi đó, cán cân thương mại của Ấn Độ cũng được thúc đẩy bởi sự gia tăng doanh số các sản phẩm dầu mỏ nước ngoài. Khi giá dầu tăng trên quy mô toàn cầu, việc nhập khẩu năng lượng giá rẻ từ Nga đã giúp Ấn Độ thu được lợi ích từ việc mở rộng biên độ giá giữa nhập khẩu và xuất khẩu.
Nhờ đó, Ấn Độ đã thành công trong việc đa dạng hóa nguồn cung.
Mang lợi cho phương Tây
Thoạt nhìn, chính sách “Ấn Độ là trên hết” của ông Modi dường như cũng có lợi ích cho Nga trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, một nghiên cứu chuyên sâu với các số liệu thương mại cho thấy động thái của Ấn Độ cũng mang lại lợi ích cho rất nhiều nước khác, kể cả các nước châu Âu.
Trong khi Ấn Độ tăng mạnh nhập khẩu từ Nga, lượng dầu mà nước này mua của các quốc gia khác đã giảm xuống. Chính điều này tạo ra sự dồi dào trên thị trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu, nhất là khi nhóm này lựa chọn cấm vận.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng tinh chế một phần không nhỏ trong số dầu nhập khẩu từ Nga thành các thành phẩm để bán cho những nước tham gia cấm vận. Quá trình này được một số chuyên gia nửa đùa nửa thật gọi là “rửa dầu”.
Theo thống kê, các lô hàng xăng từ Ấn Độ đến Hà Lan đã tăng 70% trong năm tài khóa 2022.
Các sản thành phẩm từ Ấn Độ đã giúp châu Âu "giải cơn khát" trong khi quốc gia này vươn lên trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm từ dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới. Các chế phẩm từ dầu thô cũng trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ.
Chiến lược "tự chủ tự cường" của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có lẽ đã thành công. Ảnh: Reuters. |
Ở Ấn Độ, giá xăng dầu thường được nhà nước kiểm soát. Chính vì thế, các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực lọc hóa ở đây thường hướng tới các thị trường nước ngoài. Do đó, Ấn Độ đang đóng vai trò ngày càng lớn trong “cơ chế tự điều chỉnh của thị trường dầu mỏ toàn cầu".
Theo Nikkei, xung đột ở Ukraine đã trở thành thuốc thử cho chuỗi cung ứng xăng dầu toàn cầu, khi Mỹ và phương Tây chẳng hề lạ lẫm với việc Ấn Độ nhập dầu thô Nga sau đó bán thành phẩm sang châu Âu.
Dù cả G7 và EU đều không thừa nhận vai trò của Ấn Độ trong việc ổn định giá cả, họ cũng không thể phủ nhận vai trò của Ấn Độ trong việc ngăn chặn khủng hoảng năng lượng, yếu tố có thể gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ấn Độ có thể không muốn đóng vai trò đó nhưng tác động từ những quyết định của nước này vẫn thể hiện vai trò chủ chốt này. Và cái gọi là “quyền tự chủ chiến lược” của Ấn Độ đang dần trở thành hiện thực.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.