Chiều 13/10, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng tiếp Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) Houlin Zhao tại Hà Nội. Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với đại diện ITU về những vấn đề mới khi công nghệ phát triển, viễn thông, công nghệ số hội tụ.
Những tác động xã hội khi công nghệ phát triển
Năm nay, Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm trực tuyến Thế giới số 2021 (ITU Digital World 2021) do Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến từ 12-14/10. Chủ đề của hội nghị lần này hướng tới giải quyết các vấn đề liên quan đến tiếp cận công nghệ, tăng tốc chuyển đổi số.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tiếp ông Houlin Zhao, Tổng thư ký ITU trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm trực tuyến Thế giới số 2021. Ảnh: M.S. |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trong nhiệm kỳ của ông Houlin Zhao, khoảng cách về tiếp cận viễn thông, công nghệ được thu hẹp đáng kể, nhất là ở các nước đang phát triển.
Sự đổi tên của hội nghị, từ tập trung vào viễn thông chuyển sang thế giới số cho thấy sự hội tụ của viễn thông, công nghệ thông tin với công nghệ số.
“Sự hội tụ này thực sự sẽ tạo ra một cuộc cách mạng. Khi đó, vấn đề không chỉ là công nghệ nữa, mà trở thành vấn đề chính sách và thể chế”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.
Từ đó, Bộ trưởng TT&TT cho rằng ITU cũng cần theo hướng giải quyết các vấn đề về chính sách, thể chế.
Người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng ITU cần tham gia, định hướng mạnh mẽ hơn những vấn đề ngoài công nghệ. Đó là chủ quyền quốc gia trên không gian số, trách nhiệm xã hội của các công ty công nghệ lớn, hoặc câu chuyện về các doanh nghiệp xuyên biên giới như đóng thuế, tuân thủ luật pháp địa phương hay thấu hiểu văn hóa của các quốc gia.
“Do đó, chúng tôi tin rằng vai trò của ITU chưa bao giờ to lớn như hôm nay”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nhiều vấn đề về chính sách xã hội sẽ được mở ra khi công nghệ phát triển. Ảnh: M.S. |
Bộ trưởng TT&TT cũng đề xuất một phương án để ITU huy động nguồn lực mỗi quốc gia thành viên của tổ chức. Theo đó, mỗi nước có thể tự đưa ra một sáng kiến về chính sách công nghệ, và khi áp dụng thành công thì chia sẻ với ITU. Như vậy, mỗi năm ITU có thể huy động được 193 sáng kiến đã áp dụng thành công.
“Chúng tôi cũng cam kết tiếp tục đầu tư, mang câu chuyện Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là những nước tỷ lệ người dân sử dụng Internet còn thấp”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Việt Nam là câu chuyện về đầu tư bền vững
Ông Houlin Zhao cho biết trong nhiệm kỳ của mình, ông từng chứng kiến nhiều câu chuyện thành công về phổ cập công nghệ. Ví dụ như Myanmar, vào năm 2011 tỷ lệ dân số tiếp cận được điện thoại di động chỉ là 5%, là con số rất thấp. Đại diện ITU đã đề xuất Myanmar có thể mở thị trường viễn thông. Kết quả là đến năm 2016, con số đã đạt 70%.
Một ví dụ khác là việc 4 quốc gia Đông Phi đồng thuận cắt giảm phí roaming (chuyển vùng) vào năm 2014. Mục tiêu của việc này là tăng tỷ lệ tiếp cận di động, và các nước cũng sẵn sàng bù chi phí cho nhà mạng để thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân các quốc gia trên đều được tiếp cận dịch vụ viễn thông, trong khi kết quả kinh doanh của các nhà mạng cũng tăng trưởng tích cực.
Ông Houlin Zhao cho rằng Việt Nam là câu chuyện về cách đầu tư thành công, bền vững khi tự phát triển các thiết bị công nghệ. Ảnh: M.S. |
Nói về Việt Nam, ông Zhao cho rằng mỗi lần ông đến thăm Hà Nội, chỉ số xếp hạng của Việt Nam về tiếp cận công nghệ, theo thống kê của ITU, đều tăng lên. Tổng thư ký ITU cho rằng Việt Nam không chỉ đi theo lối mòn về phát triển là mua công nghệ, dịch vụ của các công ty lớn mà đã đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm “made in Vietnam”.
“Việt Nam đã vươn ra thị trường nước ngoài, sử dụng những hệ thống do Việt Nam sản xuất. Đây là điều tôi muốn các thành viên của ITU học hỏi vì đây là cách đầu tư thành công, bền vững”, ông Zhao chia sẻ.
Ông Zhao cũng chia sẻ những quan ngại về vai trò, trách nhiệm xã hội của các công ty công nghệ lớn. Tổng thư ký ITU cho rằng không chỉ là chia sẻ lợi ích với người dùng, sự bành trướng của những công ty “big tech” còn mang tới những lo ngại về kiểm soát dữ liệu, an ninh mạng và chủ quyền quốc gia.
Đối với đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ông Zhao cho rằng đây là ý tưởng rất tốt. Ông cũng bày tỏ suy nghĩ về sự quan trọng, vai trò của các chính phủ trong việc triển khai các chính sách về công nghệ. Ông Zhao cho rằng một khi có quyết tâm, cam kết của chính phủ, các chính sách sẽ dễ thành công hơn.