Việc mất điện khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngày 6/6, Aeon Mall Long Biên đã phải thông báo tạm ngừng hoạt động từ 8h đến 16h do kế hoạch tiết giảm công suất điện khẩn cấp của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia. "Riêng khu vực tầng 1 và sảnh Tây vẫn sẽ hoạt động bình thường từ 8h để phục vụ nhu cầu mua sắm thiết yếu, khu vực tầng 2-3 mở cửa trở lại từ 16h", đại diện Aeon Mall cho biết.
Tương tự, ngày 5/6, chị Hương Giang, nhân viên một công ty công nghệ ở Hà Nội cũng nhận được thông báo làm việc online tại nhà trong ngày 6/6 vì có lịch cắt điện khẩn cấp từ 8h đến 16h.
Tại miền Bắc, thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng điện tăng cao do nắng nóng gay gắt, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ, công ty điện lực đã phải tiến hành cắt điện khẩn cấp tại một số khu vực. Điều này khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp không ít khó khăn.
Sản xuất ngưng trệ, đội thêm chi phí vì mất điện
Trong thời điểm mùa vải thiều đang vào vụ thu hoạch, đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu Vifoco - chuyên sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả đóng hộp, cấp đông cho thị trường trong nước và xuất khẩu ở TP Bắc Giang - cho biết từ 7h sáng đến 14h ngày 6/6, mọi dây chuyền sản xuất của công ty đều bị ngưng trệ vì mất điện.
"Do doanh nghiệp ở ngoài khu công nghiệp sử dụng chung đường điện dân sinh nên thuộc diện cắt điện ban ngày. Chúng tôi đang làm đơn gửi đơn vị điện lực xin hỗ trợ ưu tiên được cấp điện để tiếp tục hoạt động trong mùa cao điểm sản xuất", đại diện doanh nghiệp này nói.
Theo vị này, đặc thù công ty chuyên về chế biến nông sản, có kho lạnh bảo quản. Nhưng nhiệt độ kho lạnh chỉ giữ được 3-4 tiếng trong khi thời gian mất điện dài như sáng 6/6 khiến tất cả sản phẩm của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Công ty cũng vừa cọc tiền để mua máy phát điện công nghiệp hơn 150 kVA 3 pha giá 200-300 triệu đồng.
Mặc dù khó khăn nhưng theo vị đại diện này doanh nghiệp cũng rất thông cảm với ngành điện và cơ quan chức năng trong bối cảnh tình hình cung ứng điện căng thẳng như hiện nay.
Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất mà nhiều doanh nghiệp du lịch cũng gặp khó khăn vì tình trạng cắt điện khẩn cấp. Tại TP Hạ Long, hàng loạt du khách đã phản hồi về tình trạng mất điện ở nhiều nơi trên địa bàn trong thời gian gần đây.
Ở TP Hạ Long, nhiều khách sạn đã phải sử dụng, mua hoặc thuê máy phát điện để duy trì hoạt động trong bối cảnh mất điện kéo dài. Ảnh: Boston Halong Hotel. |
Trước tình hình mất điện diễn ra trong cuối tuần vừa qua, khách sạn Bảo Hân Hotel trên đường Phan Bội Châu, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, đã phải vận hành máy phát điện, song chi phí hoạt động bị tăng lên do tiền nhiên liệu phục vụ máy phát.
"Mỗi ngày khách sạn phải bơm khoảng 100-200 lít dầu để phục vụ việc vận hành hệ thống điện, cứ 100 lít thì chi phí khoảng 2 triệu đồng. Trong khi giá phòng của khách sạn không thể tăng khiến doanh thu bị sụt giảm khá lớn. Song hiện tại khách sạn vẫn cố gắng duy trì hoạt động bình thường và ổn định", vị đại diện khách sạn nói.
Đại diện Bảo Hân Hotel cũng cho biết hiện ở TP Hạ Long tình trạng mất điện diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, doanh nghiệp gần như không được báo trước hoặc báo không sát thời gian cắt điện.
Theo Reuters, việc cắt điện đã ảnh hưởng tới các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang - nơi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới như Foxconn, Samsung, Canon... đặt nhà máy. Trước tình trạng đó, EuroCham, đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã gửi văn bản tới Bộ Công Thương yêu cầu có biện pháp để giải quyết tình trạng khẩn cấp này.
Nhiều biện pháp thích ứng
Trước đó, do thời tiết nắng nóng kéo dài và khu vực Long Biên đang trong tình trạng "cắt điện khẩn cấp", trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên đã mở khu vực phòng tầng 3 và bổ sung thêm ghế ngồi tại sảnh cho khách hàng.
"Aeon sẽ nỗ lực để đảm bảo đón tiếp và hỗ trợ người dân trong mùa nắng nóng kéo dài sắp tới. Bên cạnh việc sử dụng máy phát điện khi bị cắt điện đột ngột để duy trì vận hành với hệ thống đèn, điều hòa, tủ đông như trong khu vực siêu thị... chúng tôi cũng sắp xếp thêm chỗ ngồi và mở thêm khu vực hội trường để người dân tới nghỉ ngơi, tránh nóng", ông Đàm Mạnh Tuấn, Giám đốc vận hành khu vực phía Bắc Aeon Việt Nam, cho biết.
Ông Nguyễn Văn Anh, chủ một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Tĩnh, cho rằng cơ quan điện lực có thể cắt điện luân phiên nhưng nên có thông báo trước 1-2 tuần và cắt theo lịch cố định để doanh nghiệp và người dân chủ động sắp xếp công việc.
"Nếu tình trạng cắt điện đột xuất kéo dài, ông Anh cho rằng doanh nghiệp sẽ rất bị động và làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tình hình kinh doanh đang rất khó khăn", lãnh đạo doanh nghiệp này nhìn nhận.
Loạt doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang bị ngừng cấp điện khẩn cấp từ 8h30 ngày 5/6 đến 8h30 ngày 6/6. Ảnh: T.T. |
Với Bắc Giang - địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp - từ ngày 6/6, UBND tỉnh này cũng đưa ra phương án cắt điện sinh hoạt, dân sinh vào ban ngày để ưu tiên cấp điện cho sản xuất và sẽ ưu tiên điện cho dân sinh, sinh hoạt vào ban đêm. Phương án cấp điện này, trước mắt áp dụng trong 20 ngày, sau đó tùy tình hình sẽ tiếp tục điều chỉnh.
Theo đó, ban ngày, các doanh nghiệp bắt đầu sản xuất từ 7h45 đến 17h. Trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp được cấp điện liên tục trong ngày. Các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp có đơn hàng gấp thì đăng ký với Ban quản lý các khu công nghiệp, ngành điện và chỉ sản xuất từ 0h đến 5h.
Với các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp sử dụng chung đường điện dân sinh, điện lực sẽ khảo sát cụ thể, giải quyết cho từng doanh nghiệp theo khả năng phù hợp. Các doanh nghiệp cần sắp xếp lại thời gian làm việc, bảo đảm sử dụng tối ưu hiệu quả nguồn điện trong khoảng thời gian được cấp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện nay, một số nơi đang xuất hiện tình trạng thiếu điện kể cả cho sản xuất cũng như đời sống người dân.
Trong tháng 6, EVN dự báo miền Bắc tiếp tục đối mặt với nắng nóng kéo dài trong gần 2 tuần liên tục, dự kiến phụ tải miền Bắc và hệ thống điện Quốc gia sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các ngày tới.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.