Theo Bloomberg, các tập đoàn địa ốc của Trung Quốc đang đổ xô vào một lĩnh vực kinh doanh đã bị bỏ bê cách đây một thập kỷ. Đó là cung cấp dịch vụ xây dựng.
Bởi cuộc suy thoái nghiêm trọng của thị trường địa ốc khiến các doanh nghiệp rơi vào cảnh cạn kiệt tiền mặt, doanh thu lẹt đẹt. Thay vì mua đất và đóng vai trò chủ đầu tư, ngày càng nhiều công ty bất động sản hoạt động với tư cách nhà thầu.
Các công ty như Country Garden và Shimao Group đang bước vào một cuộc đua mới, dù hoạt động này mang lại doanh thu thấp hơn nhiều những mảng kinh doanh truyền thống khác.
Thời kỳ bùng nổ đã qua
Họ hiểu rằng thời kỳ bùng nổ của thị trường nhà đất dựa trên nợ và đầu cơ đã kết thúc, sau khi Bắc Kinh vào cuộc để hạ nhiệt và đòn bẩy trong lĩnh vực này.
Một số công ty nhận thấy cơ hội mới. Đó là quỹ đất của doanh nghiệp huy động vốn của các chính quyền địa phương. Những công ty này cần thuê ngoài các đơn vị thiết kế và thi công.
Một số dự án bất động sản dang dở cũng đang cần hoàn thiện. Ông Li Jun - Giám đốc điều hành của Greentown Management Holdings - tiết lộ rằng khối lượng công việc đã tăng lên đáng kể kể từ nửa cuối năm 2021.
"Chúng tôi luôn coi mảng kinh doanh này là tương lai của lĩnh vực bất động sản. Nhưng nó đến nhanh hơn dự kiến", ông cho biết. Ông Li đứng đầu hãng cung cấp dịch vụ quản lý thi công lớn nhất đất nước.
Ông ước tính dịch vụ xây dựng có thể chiếm tới 30% ngành công nghiệp trong 5 năm tới, tăng từ gần 5% ở thời điểm hiện tại.
Trên thực tế, trong vài năm trở lại đây, một số công ty bất động sản đã hỗ trợ các chính quyền địa phương và khách mua nhà thiết kế, thi công nhà ở. Nhưng khoản phí chỉ chiếm 3-5% doanh thu của dự án.
Với mảng kinh doanh này, các công ty địa ốc đang gặp khó về dòng tiền sẽ không cần phải bỏ ra một khoản vốn lớn để mua đất, và nhận được tỷ suất lợi nhuận cao.
Tỷ suất lợi nhuận ròng của Greentown đã tăng lên mức kỷ lục 29% trong 6 tháng đầu năm ngoái, gấp gần 3 lần biên lợi nhuận trung bình của 33 công ty bất động sản của Trung Quốc đại lục được niêm yết trên sàn Hong Kong.
Cuộc đua mới
Theo hãng China Real Estate Information, 60 công ty địa ốc của Trung Quốc đã gia nhập cuộc đua cung cấp dịch vụ xây dựng. Cuộc đua nóng lên vào năm ngoái khi doanh số bán nhà sụt giảm.
Tháng 9 năm ngoái, thành phố Thẩm Dương đấu thầu thành công một dự án nhà ở du lịch còn dang dở của China Evergrande - tập đoàn địa ốc nợ nần nhất thế giới đã vỡ nợ hồi năm 2021. Cuộc khủng hoảng thanh khoản khiến tập đoàn này không thể hoàn thành hàng trăm dự án.
Đáng nói, công việc này sau đó được giao lại cho Fortune Land, một công ty xây dựng cũng đã vỡ nợ.
Fortune Land chỉ tính phí xây dựng bằng 1,15% doanh thu cho chính quyền thành phố, nhưng thỏa thuận này đã giúp công ty này mở ra một mảng kinh doanh mới.
Với mảng cung cấp dịch vụ xây dựng này, các công ty địa ốc đang gặp khó về dòng tiền sẽ không cần phải bỏ ra một khoản vốn lớn để mua đất, và nhận được tỷ suất lợi nhuận cao. Ảnh: Bloomberg. |
Một tháng sau đó, đơn vị xây dựng của Fortune Land đã thầu thêm 7 dự án khác. Công ty gấp rút phát triển mảng kinh doanh này trở thành một phần của danh mục đầu tư không cốt lõi. Các trái chủ của công ty sau đó có thể chuyển đổi một số trái phiếu chưa được thanh toán thành vốn cổ phần.
Nhiều công ty khác cũng làm theo. Zhongliang - một tập đoàn đã vỡ nợ - thành lập một công ty con cung cấp dịch vụ xây dựng và tuyên bố sẽ tấn công vào mảng này.
Các công ty địa ốc chuyển hướng để thích nghi với đà suy yếu kéo dài của ngành trong bối cảnh sụt giảm dân số và thị trường sắp đạt đến giới hạn. Cư dân thành thị tại đất nước 1,4 tỷ dân sở hữu trung bình khoảng 36,5 m2 nhà ở/người, vượt mục tiêu 35 m2/người của Bắc Kinh trong chiến lược "thịnh vượng chung".
Theo ông Li tại Greentown, doanh số bán nhà của Trung Quốc đã giảm gần 1/3 vào năm ngoái và có thể duy trì ở mức thấp này trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, ông Li dự đoán nhu cầu cải tạo nhà sẽ chiếm tới 5% lĩnh vực bất động sản của đất nước. Theo China Real Estate Information, 25% không gian nhà ở đô thị của Trung Quốc được xây dựng từ trước năm 2000 và cần nâng cấp.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.