Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đoàn tụ Hàn-Triều: Anh em gặp lại sau 68 năm, sợ là lần cuối trong đời

Trở về từ Triều Tiên sau cuộc đoàn tụ liên Triều từ 21 đến 23/8, ông Lee Su Nam vẫn chưa nguôi nỗi ám ảnh rằng mình không còn cơ hội thứ 2 để gặp lại người anh nay đã 86 tuổi.

Ông Lee Su Nam bước vào khán phòng khang trang tại khách sạn thuộc khu nghỉ dưỡng núi Kumgang, Triều Tiên trưa 21/8.

Ngày hôm đó là lần đầu tiên người đàn ông 76 tuổi đặt chân đến miền Bắc. Ông đi tìm người anh mà mình ngỡ đã chết trong cuộc chiến đẫm máu 68 năm về trước.

11 giờ đoàn tụ, cả cuộc đời ly tán

Lee Jeong Song, anh trai của Lee Su Nam, bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh khi binh sĩ Triều Tiên tiến vào Seoul tuyển quân năm 1950.

Năm đó ông mới 18 tuổi, còn Su Nam mới vừa lên 8. Ngày mà hai người gặp lại nhau, cậu em trai đã là một cụ ông 76 tuổi.

Thỏa thuận giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 4 đã nối lại các hoạt động đoàn tụ Hàn - Triều sau 3 năm gián đoạn, giúp Lee Su Nam và Lee Jeong Song cùng 88 gia đình khác có cơ hội được gặp lại người thân.

doan tu han - trieu anh 1
Đoàn xe chở ông Lee Su Nam (phải) cùng 88 người Hàn Quốc thuộc diện có người thân ly tán đang sống tại Triều Tiên đến khu nghỉ dưỡng trên núi Kumgang cho sự kiện đoàn tụ Hàn - Triều ngày 21/8. Ảnh: Reuters.

Cuộc đoàn tụ giữa hai người đàn ông đàn ông ở cái tuổi "xưa nay hiếm" chìm trong những cảm xúc vui buồn lẫn lộn, phóng viên Benjamin Haas của Guardian kể lại. 

Phải khó khăn lắm Su Nam mới có thể nhận ra người đàn ông 86 tuổi đứng đối diện chính là Jeong Song. Khi cố ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu của hai anh em, Jeong Song cũng không tài nào nhớ nổi những câu chuyện đã trôi qua gần một đời người.

"Thời gian xóa nhòa mọi ký ức. Tôi cảm thấy thật lạ lẫm khi giờ nhìn anh ấy già đến vậy. Giá như chúng tôi được gặp nhau trong những cuộc đoàn tụ trước, có lẽ anh ấy đã nhớ nhiều hơn về quá khứ", ông cho biết.

Su Nam kể cho anh mình nghe về Seoul. Suốt nhiều thập niên qua, ông vẫn sống ở khu xóm cũ, mưu sinh bằng nghề lái xe và sau đó làm bảo vệ.

Trong khi đó, Jeong Song ở lại Triều Tiên sau cuộc chiến. Ông trở thành một quản lý xí nghiệp tại tỉnh Bắc Pyongan, lập gia đình và có một người con trai. Cả hai đi đến khu nghỉ dưỡng trên núi Kumgang, nán lại trong 3 ngày để ông được dành 11 tiếng đồng hồ bên cậu em trai.

Khoảng thời gian quý báu nhất trong chuyến đi của Lee Su Nam đến miền Bắc chính là khi được gặp anh trai và gia đình ông trong phòng riêng, rời khỏi sảnh lớn và những người giám sát.

Trong 3 tiếng đồng hồ ít ỏi, họ cố gắng kể nhiều nhất có thể về cuộc đời của nhau, những điều đã xảy ra trong hơn nửa thế kỷ qua, cố gắng lấp đầy những khoảng trống dài bằng cả đời người.

"Chúng ta sẽ lại gặp nhau"

Trước khi chia tay, Su Nam gửi lại cho anh mình những món quà như thuốc men, quần áo, khăn tắm...

Những đồ dùng bình dị này lại vô cùng đáng giá tại Triều Tiên vì chất lượng vượt trội so với những món hàng bán tại chợ đen. Su Nam và những gia đình đến từ Hàn Quốc không mang theo những món quà xa xỉ, lo gặp khó khăn tại các chốt biên phòng hai nước.

Jeong Song cũng tặng cho người em trai chút quà từ vùng đất nơi ông sinh sống: Một chai rượu mạnh, một tấm khăn trải bàn và một ít vải may quần áo.

Đó có thể là những món quà cuối cùng mà ông tặng cho Su Nam. Cả chính phủ hai nước lẫn tổ chức Chữ Thập Đỏ đều không đề cập đến những hình thức duy trì liên lạc cho các gia đình ly tán ở hai miền.

doan tu han - trieu anh 2
Những hình ảnh và giấy tờ thời trẻ của ông Lee Jeong Song khi ông còn sống ở Seoul. Ảnh: Reuters.

Nỗi sợ không bao giờ được gặp anh trai thêm lần nữa vẫn ám ảnh Su Nam sau khi ông trở về nước.

"Một trong những nguyện ước của đời tôi đã thành hiện thực. Nhưng khoảnh khắc tôi nhìn thấy anh trai và gia đình vẫy tay chào tạm biệt, tôi thấy buồn vô cùng", Su Nam chia sẻ.

"Không có điều gì đảm bảo chúng tôi có cơ hội gặp lại nhau sau lời từ biệt hôm ấy. Sự chia ly thêm một lần nữa để lại vết hằn trong tâm trí chúng tôi", ông nói.

Từ khi các cuộc đoàn tụ lần đầu được tổ chức vào năm 2000 cho đến nay, chưa từng có trường hợp nào được gặp lại người thân lần thứ hai. Thời gian cũng không còn nhiều để những gia đình ly tán được gặp lại nhau. Trong số 57.000 người Hàn Quốc thuộc diện này còn sống sót sau cuộc chiến, hơn 40% đã ngoài 80 tuổi và gần 20% ngoài 90 tuổi. 

Nhiều người hy vọng bầu không khí hòa dịu hiện nay trên bán đảo triều Tiên  sẽ mở đường cho các cuộc đoàn tụ được diễn ra thường xuyên hơn trong tương lai. Ông Lee Jeong Song cũng chia sẻ niềm lạc quan này với người em trai trong buổi chia tay ngày 23/8. 

"Chú giữ sức khỏe nhé, chúng ta sẽ lại gặp nhau", ông nói với Su Nam.

Giây phút tạm biệt xúc động của các gia đình Hàn - Triều Sau 3 ngày đoàn tụ ngắn ngủi, những người Hàn Quốc lên đường về nước hôm 22/8, để lại người thân của họ ở Triều Tiên và có thể sẽ không bao giờ được gặp nhau lần nữa.

Một thế hệ Triều Tiên đang chết dần ở Hàn Quốc trong nỗi hoài hương

Hàng trăm nghìn người đã tháo chạy từ miền Bắc sang miền Nam trong chiến tranh Triều Tiên, nhiều người trong số họ đang sống những ngày cuối đời với ước nguyện được trở về quê cũ.

Những cụ già gần đất xa trời vẫn mòn mỏi đợi ngày đoàn tụ Hàn - Triều

Những người Triều Tiên và Hàn Quốc sống gần một thế kỷ vẫn đang mòn mỏi mong chờ cơ hội đoàn tụ với gia đình sau hơn 50 năm xa cách, nhưng thời gian cho họ không còn nhiều.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm