Trong hai tiếng, bà Lee Geum Seom, 92 tuổi, nắm chặt tay ông Ri Sang Chol, người con trai 71 tuổi nhưng khuôn mặt trông có vẻ già hơn mẹ.
Theo New York Times, bà Lee sống tại Hàn Quốc còn ông Ri sống ở Triều Tiên hơn 65 năm qua và chưa một lần gặp lại kể từ khi hai người lạc nhau trong Chiến tranh Triều Tiên.
"Mẹ, đây là cha", ông Ri nói, chỉ cho bà Lee tấm ảnh chụp người chồng quá cố của bà vốn ở lại Triều Tiên cùng con trai. Bà Lee "dội bom" con trai bằng những câu hỏi liên tiếp: "Con có mấy đứa con?", "Con có con trai không?"...
Bà Lee Geum Seom và con trai trong cuộc gặp mặt. Ảnh: New York Times. |
"Sao con già đi nhiều thế này?"
Giống như hàng nghìn gia đình khác bị chia cắt trong cuộc chiến, hai mẹ con bà không thể trao đổi thư từ, điện thoại hay email, chưa nói đến việc gặp mặt. Mỗi năm, hơn 3.000 người già Hàn Quốc qua đời mà không thể hoàn thành ước nguyện được gặp lại người thân đang sống ở Triều Tiên một lần sau cuối.
Bà Lee được lựa chọn ngẫu nhiên bằng máy tính để tham gia cuộc đoàn tụ được tổ chức sau 3 năm gián đoạn, theo nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo hai chính phủ Hàn Quốc và Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4. Dù hai nước vẫn đang mắc kẹt trong thế đối đầu chính trị vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, những cuộc đoàn tụ này được xem là bước đi quan trọng nhằm tái khẳng định lịch sử và văn hóa chung của hai bên.
"Sao em già đi nhiều thế này?", bà Moon Hyun Sook, 91 tuổi, nói trong nước mắt khi bà sờ gương mặt của hai người em gái sống ở Triều Tiên, một người 79 và một người 65 tuổi.
Sau hàng chục thập kỷ chia ly, nhiều người chỉ có thể nhận ra nhau sau khi cho biết tên tuổi cha mẹ, quê quán. Nhiều người đem theo những tấm ảnh cũ để giúp gợi lại ký ức.
Ahn Jong Soon, người Triều Tiên 70 tuổi, liên tục hỏi người cha nay đã 100 tuổi của bà, Ahn Jong Ho, rằng ông có nhận ra bà hay không. Tai không còn nghe rõ, ông Ahn không trả lời, nhưng nước mắt lăn dài trên má.
"Ôi con tôi, cảm ơn vì con còn sống", ông Hwang Woo Seok, 89 tuổi, nói khi ôm người con gái Young Sook 71 tuổi từ Triều Tiên. Ông Hwang đã chạy loạn về phía nam trong chiến tranh và chưa bao giờ gặp lại bất cứ ai trong gia đình từ đó.
Những người Hàn Quốc chuẩn bị đi đến nơi để gặp lại người thân ở Triều Tiên. Ảnh: Getty. |
Nhiều người qua đời
Kể từ năm 1988, hơn 75.200 người Hàn Quốc đăng ký chương trình đoàn tụ đã qua đời mà không được gặp lại cha mẹ, anh chị em hay con cái. Hơn 56.000 người vẫn đang chờ đợi để được lựa chọn tham gia cuộc đoàn tụ tiếp theo chưa biết diễn ra khi nào.
Tuần này, các gia đình ly tán được phép ở cùng nhau 11 tiếng trong 3 ngày, bao gồm 3 giờ gặp mặt riêng tư và ăn trưa, trước khi chia tay một lần nữa.
Theo New York Times, Seoul nhiều lần hối thúc Bình Nhưỡng tổ chức nhiều cuộc đoàn tụ hơn nhưng Bình Nhưỡng miễn cưỡng mở rộng chương trình, lo sợ tác động mà các cuộc gặp mặt có thể gây ra cho người dân. Triều Tiên cũng được tin là lựa chọn người đoàn tụ dựa trên sự trung thành với chế độ.
Cuộc đoàn tụ hôm 20/8, sự kiện đầu tiên được tổ chức trong 3 năm qua, là biểu tượng của sự chia cắt đau đớn vẫn kéo dài đến ngày nay sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Những người trong cùng một gia đình ôm lấy nhau khóc nức nở, không thể nói thành lời trong nhiều phút, theo Guardian.
Bà Han Shin Ja, 99 tuổi, gặp lại hai con gái của mình, người 72 và người 71 tuổi, mặc trang phục "hanbok" truyền thống. Cả ba đều không kìm được cảm xúc khi nhìn thấy nhau. "Khi tôi bỏ nhà đi hồi chiến tranh...", bà Han bắt đầu nói, trước khi nghẹn lời vì xúc động.
Bà Han Shin Ja (phải), 99 tuổi, gặp lại hai con gái của mình. Ảnh: Getty. |
Trang phục, điểm chung giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, gợi nhắc về lịch sử chung của họ, nhưng ý nghĩa của cuộc đoàn tụ này còn lớn hơn rất nhiều vì thực tế rằng đây sẽ là cơ hội duy nhất để họ gặp nhau, nếu nhìn vào những sự kiện tương tự từng diễn ra trong quá khứ.
"Các chú ơi, hãy nhận một lạy của cháu", bà Seo Soon Gyo, 55 tuổi, nói khi người cha 87 tuổi của bà gặp hai em trai của ông, Chan Ho và Won Ho.
Khoảng 330 người Hàn Quốc thuộc 89 gia đình, nhiều người ngồi xe lăn, đã đoàn tụ với 185 người thân thất lạc đang sống ở Triều Tiên trong nước mắt xen lẫn nụ cười và nhiều người thậm chí không thể tin đây là sự thật.
Cuộc đoàn tụ ngắn ngủi, diễn ra chỉ trong 11 tiếng, được tổ chức tại khu du lịch núi Kumgang ở Triều Tiên. Hai miền bán đảo đã khởi động lại hoạt động đoàn tụ gia đình ly tán trong chiến tranh sau thời gian dài căng thẳng tăng cao vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Ông Lee Su Nam, người Hàn Quốc, gặp lại anh trai Lee Jong Seong lần đầu tiên trong 68 năm. Trong cuộc phỏng vấn với Guardian trước cuộc hội ngộ, ông nói mình may mắn khi có cơ hội này, nhưng nói thêm rằng: "Tôi nghĩ sẽ có nhiều sự khác biệt, về ngôn ngữ, về cách suy nghĩ, về cách sống của chúng tôi. Tôi không thể hỏi anh ấy rằng anh làm gì hay những khó khăn mà anh đang gặp phải".
Cuộc đoàn tụ được tổ chức sau lần gần nhất diễn ra vào năm 2015. Ảnh: Getty. |
Cuộc đoàn tụ đã cho thấy sự khác biệt sâu sắc giữa hai đất nước. Những người đến từ Hàn Quốc chuẩn bị quà cho người thân của họ, thường là những vật dụng cơ bản như áo ấm, tất, đồ lót, thuốc men, kem đánh răng và thức ăn. Trong khi đó, chính phủ nước này bảo công dân lịch sự từ chối nhận các món quà mang tính chất tuyên truyền.
Tại Hàn Quốc, khoảng 132.600 người nằm trong danh sách bị chia cắt với gia đình, nhưng Hội Chữ Thập đỏ chỉ xác định được 57.000 người còn sống. Trong số đó, 41% ở độ tuổi 80 và 21% ở độ tuổi 90, theo số liệu của chính phủ. Hai nước đã tiến hành 20 cuộc đoàn tụ kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2000.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng là người bị chia cắt với gia đình ở thành phố cảng Hungnam của Triều Tiên. Ông nói các cuộc đoàn tụ nên được tăng cường về quy mô và tổ chức một cách thường xuyên, bao gồm việc thăm viếng qua lại và trao đổi thư từ.
"Thật là xấu hổ cho cả hai chính phủ ở miền Nam và miền Bắc khi nhiều người đã qua đời mà không biết liệu người thân thất lạc của họ có còn sống hay không", ông Moon nói trong cuộc họp với các thư ký tổng thống.
"Mở rộng và tăng cường các cuộc đoàn tụ gia đình là ưu tiên hàng đầu trong các dự án nhân đạo được thực hiện bởi hai miền Triều Tiên".