Hwang Rae Ha, một nông dân 77 tuổi, muốn gặp lại mẹ ông lần nữa. Đã gần 70 năm trôi qua sau ngày họ chia cắt, ông Hwang mong có thể nhìn lại hình bóng mẹ ông dù chỉ qua một bức ảnh.
“Thời gian đã trôi qua quá lâu, và giờ mọi thứ sắp kết thúc,” ông nói trong căn nhà hướng ra phía biên giới với Triều Tiên. “Tôi không nghĩ mẹ tôi còn sống”.
Khi Chiến tranh Triều Tiên đang ở giai đoạn khốc liệt, gia đình ông Hwang đã chạy trốn đến đảo Gyodong, hiện thuộc Hàn Quốc. Nhưng mẹ ông đã quay lại căn nhà tại miền Bắc trong niềm hy vọng hòa bình và bị giữ lại ở đây.
Ông Hwang vẫn sống tại đảo Gyodong và xây căn nhà có thể nhìn về miền Bắc, hy vọng một ngày mẹ ông sẽ quay lại.
Ông Hwang dùng một cặp ống nhòm để nhìn về phía Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã hạ nhiệt, Hàn Quốc và Triều Tiên lên kế hoạch khôi phục lại hoạt động đoàn tụ của các gia đình. Việc đoàn tụ các gia đình 2 miền Nam - Bắc đã bị ngừng 3 năm trước vì căng thẳng leo thang.
Hơn 57.000 người Hàn Quốc đã đăng ký lên chính phủ, hy vọng có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với những người thân yêu của họ.
Thế nhưng, chỉ 93 người Hàn Quốc và 88 người Triều Tiên được chọn cho cuộc đoàn tụ sắp tới. Cuộc đoàn tụ sẽ diễn ra từ ngày 20/8 tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang của Triều Tiền, một địa điểm du lịch nổi tiếng.
“Tôi không thể kìm được nước mắt khi nói về gia đình mình, có thể tôi sẽ bật khóc khi gặp lại họ,” Bae Soon Hui, 82 tuổi, người được chọn để gặp lại chị ông, cho biết. Đây là lần đầu tiên ông gặp lại bà kể từ sau chiến tranh.
Có thể là lần cuối
Ông Hwang đã không được chọn tham gia lần đoàn tụ sắp tới. “Khi nào chúng tôi mới có thể gặp người thân của mình?” ông hỏi. “Sau khi tất cả chúng tôi qua đời chăng? 100 người mỗi lần là quá ít. Có tới 50.000 người đang chờ đợi khắp cả nước”.
Kể từ năm 1988, 132.484 người Hàn Quốc đã đăng ký. Nhưng những người còn sống sót sau chiến tranh đang già đi nhanh chóng. Có tới 75.425 người trong danh sách năm đó đã ra đi, phần lớn đều không thể gặp mặt người thân của họ lần nữa.
Trong một thập niên, hầu hết người còn sống sau cuộc chiến đã qua đời ở tuổi 80 hoặc 90, Cheong Seong Chang, chuyên gia tại Viện Sejong Seoul, nói.
“Đó là lý do chương trình đoàn tụ của nhà nước là một vấn đề cấp bách, và cực kỳ áp lực,” ông nói.
Ông Park Kyung Sun, 81 tuổi, sống tại thành phố Goyang gần biên giới Triều Tiên không muốn chờ đợi từ chính phủ.
Trong giai đoạn mối quan hệ hai miền gắn bó hơn vào những năm 2000, bà đã tham gia 3 chuyến du lịch bị kiểm soát nghiêm ngặt để sang Triều Tiên. Bà nhìn thấy căn nhà cũ của bà qua cửa sổ của xe buýt, nhưng vẫn không thể tìm thấy gia đình của bà.
“Tất cả những gì tôi muốn là kể với mẹ tôi về cuộc sống của tôi, nhưng bà đã qua đời mất rồi,” bà Park nói. “Tôi nhớ những người anh em của mình. Thật đau xót khi để họ ở lại”.
Hình ảnh một gia đình Nam-Bắc Triều Tiên được đoàn tụ sau nhiều năm xa cách. Ảnh: AP. |
Đoàn tụ: Hạnh phúc hay thêm nỗi xót xa
Đối với rất nhiều người còn sống, cuộc đoàn tụ này mang đến những thông tin đầu tiên về cuộc sống gia đình họ sau chiến tranh, cuộc chiến đã khiến 1,2 triệu người chết.
“Tôi có thể hỏi thăm sức khoẻ của họ, và thời gian mẹ tôi đã qua đời,” Bae nói về các chị của bà. “Đó là tất cả những gì tôi muốn biết”.
Triều Tiên và Hàn Quốc lần đầu tiên đồng ý tổ chức cuộc đoàn tụ sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử vào năm 2000. Các cuộc đoàn tụ được tổ chức mỗi năm cho đến năm 2015.
Trong giai đoạn đó, máy tính đã chọn ra 2.046 người, dựa vào các yếu tố như tuổi và hoàn cảnh gia đình.
Những người khác được chọn khi người thân của họ ở Triều Tiên yêu cầu được gặp.
“Lúc đầu tôi không thể tin vào tai mình, tôi nghĩ mình bị lừa,” Kim Hyun Sook, 91 tuổi, kể lại cảm xúc khi biết con gái và cháu gái ở Triều Tiên đề nghị gặp bà vào năm 2015.
Bức ảnh bà Kim Hyun Sook, 91 tuổi, chụp cùng con gái trước khi họ bị chia cắt. Ảnh: Reuters. |
Nhiều người được chọn nói rằng cuộc gặp gỡ chỉ vỏn vẹn vài tiếng dưới sự giám sát chặt chẽ của những người lính Triều Tiên thực sự đã khiến họ càng thêm đau khổ và day dứt.
“Khi thời gian kết thúc, tôi buông tay con gái và đi lên xe buýt,” bà Kim nói. “Khoảng khắc ngồi trên xe, tôi không thể nói bất cứ lời nào”.
Bà Kim nói rằng bà muốn gặp lại gia đình một lần trước khi chết. Nhưng Triều Tiên vẫn ngăn cách với thế giới và những người đã được gặp mặt sẽ bị loại khỏi danh sách, dường như mong ước của bà dần trở nên vô vọng.
"Con gái tôi còn sống, và tôi không thể gặp lại con bé thêm một lần nào nữa trong suốt phần đời còn lại. Ai có thể tưởng tượng được cảm giác này?"