Đêm cuối cùng ở Sohn Dong Hun ở Triều Tiên là một đêm lạnh mùa đông năm 1950. Ông trú tạm trong căn bếp chật kín người, với vị chủ nhà xót thương cho đám đông đang chen chúc ở cảng Hungnam để chạy trốn cuộc chiến tranh và không có chỗ nào trú đêm.
Sohn xoay xở với mảnh chăn mỏng của mình. Ông ăn mọi thứ có thể tìm được trong những hộp thiết đã bị vứt vào thùng rác.
Sáng hôm sau, một vài chuyến tàu khởi hành về phía nam. Đó là cơ hội cuối cùng cho Sohn và những người khác thoát khỏi cảnh tranh đấu giữa lực lượng do Trung Quốc hậu thuẫn và lực lượng Mỹ, Hàn cùng các đội quân dưới ngọn cờ Liên Hợp Quốc.
Sohn, khi đó là một chàng trai 20 tuổi, trèo được lên boong một tàu chở hàng của Nhật. Con tàu vượt qua mặt biển mùa đông và cập cảng Geoje gần thành phố Busan vào đúng ngày Giáng sinh năm đó, trong tiếng chuông nhà thờ đang đổ từng hồi.
Theo Washington Post, Sohn là một trong những người đã tham gia cuộc di tản lớn nhất trong Chiến tranh Triều Tiên và về sau được biết đến ở Hàn Quốc với tên gọi "cuộc di tản Hungnam" hay "điều kỳ diệu Giáng sinh". Trong một vài ngày "điên loạn" của tháng 12 năm đó, hơn 100.000 dân thường và một số lượng tương tự binh lính đã đến Hàn Quốc trên những chiến thuyền khởi hành từ Hungnam.
Người tị nạn Triều Tiên chuẩn bị lên một chuyến tàu trong cuộc di tản Hungnam. Ảnh: Everett Collection Historical / Alamy Stock Photo. |
Thế hệ Hungnam
Đến ngày nay, có khoảng 1 triệu người Hàn Quốc có thân nhân là những người đã đi trên những chuyến tàu di tản kia, theo số liệu của các nhóm hoạt động vì người tị nạn trong Chiến tranh Triều Tiên. Cha mẹ của Tổng thống Moon Jae In cũng nằm trong số những người đến miền Nam trên những chuyến tàu này.
68 năm sau khi chiến tranh kết thúc và biên giới hai miền bị đóng lại, những người sống sót trong cuộc di tản Hungnam chỉ mong có thể băng qua biên giới một lần nữa, trở về quê hương họ ở Triều Tiên.
"Tôi muốn về quê, đến viếng mộ của mẹ tôi, bà tôi và tổ tiên tôi", Sohn nói. Ông giờ đã 88 tuổi, là một giáo sư ngành dược học đã nghỉ hưu và sống ở Seoul.
"Tôi mong có cơ hội đó trước khi mình chết".
Các cuộc đoàn tụ gia đình hai miền hiện chỉ diễn ra ở mức độ rất hạn chế tại một khu nghỉ dưỡng trên núi của Triều Tiên và dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt. Mỗi đợt đoàn tụ chỉ cho phép khoảng 100 người Hàn Quốc tham gia và tuần lễ đoàn tụ bắt đầu vào ngày 20/8, gồm 2 đợt, là lần đầu tiên các gia đình 2 miền được gặp nhau sau 3 năm quan hệ căng thẳng.
Ông Sohn không còn thân nhân nào còn sống ở miền Bắc, nhưng nỗi mong nhớ cố hương vẫn còn nơi ông, và mỗi năm một mãnh liệt hơn. Những bức ảnh gia đình treo đầy trong bức tường căn hộ của ông với vợ, bà Kim Myo Hee.
Và Sohn, cũng như rất nhiều người trong cùng "thế hệ Hungnam", thời gian còn lại cho ông không nhiều.
Ông Sohn Dong Hun, 88 tuổi, một giáo sư ngành dược học đã nghỉ hưu và sống ở Seoul . Ảnh: Washington Post. |
Trong thời gian chờ đợi một điều kỳ diệu khác từ quan hệ liên Triều Tiên, những người như ông Sohn kể lại câu chuyện của mình cho nhau trong những sự kiện gia đình và tham dự vào những dự án lịch sử truyền miệng.
Hét lên trước gió
Câu chuyện của Sohn bắt đầu từ sau Thế chiến II. Nhà nước thu hồi những nông trại nhỏ của nhà đình ông Sohn tại Bukcheong, không xa Biển Nhật Bản. Sohn, được điều động vào nhóm bác sĩ của nhà nước, được điều đến một cơ sở nghiên cứu tại Bình Nhưỡng.
Khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950, nhân viên tại các phòng thí nghiệm được lệnh di tản về phía bắc. Sohn trốn khỏi hàng ngũ, ông đi bộ 2 ngày để về đến nhà trong sự vui mừng của cha mẹ. Họ tưởng ông đã chết.
Trong lúc đó, quân Trung Quốc đã vượt sông Áp Lục để hỗ trợ cho Triều Tiên và xoay chuyển cục diện trận chiến, lực lượng của Liên Hợp Quốc phải rút lui. Sohn, cha và chú mình đi về phía đông. Mẹ, bà và những người em nhỏ của ông ở lại phía sau. Kế hoạch của cả gia đình là 3 người đàn ông sẽ trụ lại Hunhung, không xa cảng Hungnam. Họ tin rằng lực lượng của Liên Hợp Quốc sẽ phản công và họ có thể trở về nhà.
Không lâu sau, họ nhận thấy lực lượng Liên Hợp Quốc sẽ chỉ lui về phía nam. Hàng trăm nghìn người đổ về Hungnam, hy vọng bắt được một con tàu để về miền Nam. Ba người đàn ông trong gia đình Sohn cũng nằm trong số này, họ đi với lo sợ rằng đây sẽ là cơ hội cuối cùng để đi. Trong cơn biến loạn đó, Sohn lạc cả cha và chú mình.
"Tôi chỉ còn một mình", ông nói. "Tất cả những gì tôi có thể làm là đi tiếp và tìm một con thuyền".
Gần 70 năm sau chiến tranh, phần lớn những người bị chia cắt với gia đình hoặc phải rời bỏ quê hương trong cuộc chiến vẫn chưa được gặp lại người thân và quê cũ của họ, và phần lớn đã ở tuổi "gần đất xa trời". Ảnh: Reuters. |
Đến ngày 19/12, sau 4 ngày ở Hungnam, Sohn đã lên được một tàu chở hàng của Nhật. Con tàu Nhật, vốn được thiết kế chỉ để chở 60 người, trở thành một trong những chiếc tàu cuối cùng rời cảng, mang theo 14.000 người.
Sau 6 ngày, Sohn cùng hàng nghìn người đã chen chúc nhau ngoài boong tàu. Muối phủ trên mặt họ. Những bãi nôn đông lại trên tàu. Ít nhất 4 người đã chết, Sohn kể lại. Xác họ bị ném xuống biển.
Nhiều tuần sau khi đến miền Nam, Sohn tìm lại được cha ông, người cũng đã chạy trốn trên một chiếc tàu nhỏ. Nhưng họ không tìm được người chú. Cả gia đình cũng đã ở lại miền Bắc.
Vào tháng 8/1990, Sohn và những đứa con sinh ra tại Hàn Quốc của ông đi bộ đến gần biên giới với Triều Tiên. Ông không biết mẹ mình có còn sống không.
Sohn quay mặt về phía bắc và hét lên trước gió.
"Mẹ ơi!".