Số phận Đoàn Thị Hương một lần nữa được đặt trong tay tổng chưởng lý Malaysia, người từng một lần bác đơn đề nghị trả tự do cho công dân Việt Nam.
Ngày 13/2/2017, một vụ án mạng chấn động xảy ra tại nhà ga số 2 sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Nạn nhân cầm theo hộ chiếu Triều Tiên mang tên Kim Chol, nhưng nhanh chóng được xác nhận là Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Chỉ với chi tiết đó, vụ việc nhanh chóng thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế. Song Kim Chol, cũng như Kim Jong Nam, nhanh chóng rơi vào quên lãng, để lại hai cô gái bước vào phiên tòa kéo dài gần hai năm qua với cáo buộc giết người.
Đoàn Thị Hương, công dân Việt Nam, và Siti Aisyah, công dân Indonesia, đã gần như luôn xuất hiện cùng nhau trên bục dành cho bị cáo ở tòa án. Ngay từ đầu, họ được cho là sẽ có chung số phận, dù bản án thế nào.
Thế nhưng, câu chuyện đột ngột rẽ sang hướng khác sau quyết định bị chỉ trích là bất công của tổng chưởng lý Malaysia, người có thẩm quyền cho tiếp tục hoặc chấm dứt một vụ xét xử. Aisyah được trả tự do ngay tại tòa hôm 11/3, để lại cú sốc lớn cho Hương, người giờ đây là bị cáo duy nhất, cũng như dư luận theo dõi vụ việc.
Tổng chưởng lý Tommy Thomas không nêu lý do dẫn đến quyết định dừng truy tố Aisyah và ông có quyền làm như vậy. Phía Indonesia nói đây là kết quả của nỗ lực vận động, trong khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad nói giới chức nước này "làm đúng luật".
Quyết định của ông Thomas lập tức gây ra phản ứng. Nhóm luật sư của Hương chỉ trích tổng chưởng lý "thiên vị" và yêu cầu ông phải giải thích lý do tại sao chỉ trả tự do cho một người, trong khi cả hai bị truy tố với cùng tội danh và đưa ra lời bào chữa giống nhau.
"Rất rõ ràng là có sự phân biệt đối xử. Tổng chưởng lý thiên vị bên này so với bên kia", Hisyam Teh Poh Teik, một trong những luật sư hình sự nổi tiếng nhất Malaysia, đại diện nhóm luật sư biện hộ cho Hương, nói với phóng viên sau phiên tòa hôm 14/3.
Các luật sư của cả Hương và Aisyah từ đầu đã khẳng định rằng thân chủ của họ chỉ là "con tốt thí" bị lừa gạt trong vụ ám sát mang động cơ chính trị mà nhóm người Triều Tiên mới là kẻ chủ mưu.
"Chừng nào các nghi can Triều Tiên còn chưa bị bắt, chừng đó sự thật sẽ không bao giờ được sáng tỏ. Tôi thực sự tin rằng hai cô gái phải được tha bổng vì chúng tôi đã chỉ ra rõ ràng rằng họ bị biến thành những con dê tế thần", ông Hisyam nói.
Cho đến nay, nghi can Triều Tiên duy nhất từng bị cơ quan điều tra Malaysia bắt giữ là Ri Yong Chol, nhân viên sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur, nhưng người này đã được thả ra sau đó vì thiếu bằng chứng. Bốn công dân Triều Tiên khác, những người đã rời Malaysia ngay sau vụ việc, chưa từng bị bắt.
"Không có sự khác biệt nào trong hai trường hợp này. Nếu có thể trả tự do cho Siti Aisyah, tại sao lại không thả Hương?", ông Hisyam nói. "Điều chúng tôi muốn là sự công bằng".
Câu hỏi của vị luật sư hoàn toàn có cơ sở. Chính thẩm phán Tòa Thượng thẩm Shah Alam, Azmi Ariffin, từng khẳng định 4 nghi can Triều Tiên bỏ trốn có "vai trò thực chất" và là "một phần của chuỗi (hành động) dẫn đến vụ sát hại".
"Tôi không loại trừ khả năng đây là vụ ám sát chính trị", ông nói khi đọc phán quyết hồi tháng 8/2018, qua đó tuyên bố có đủ bằng chứng để buộc cả Hương và Aisyah bước vào quá trình biện hộ, giai đoạn tiếp theo của vụ xét xử.
Tiến sĩ Oh Ei Sun, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Singapore (SIIA), từng là thư ký chính trị của cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak, nói ông nghĩ hầu hết người Malaysia tin vào câu chuyện của hai nữ bị cáo.
"Tôi nghĩ nhiều người nhìn thấy điều này. Chúng tôi không mù và chúng tôi biết rằng hai cô gái chỉ là những con dê tế thần mà thôi", ông nói với Zing.vn trong một cuộc phỏng vấn.
Điều này có lẽ đã được chứng minh qua việc Siti đột ngột được thả trước khi các phiên biện hộ diễn ra, bằng quyết định của Tổng chưởng lý Thomas. Các luật sư của Hương đã lập tức đệ đơn kiến nghị lên ông Thomas, yêu cầu trả tự do cho Hương, nhưng yêu cầu này đã bị bác.
Giờ đây mọi sự chú ý đang đổ dồn về vị tổng chưởng lý, người giữ vai trò cố vấn pháp lý cho chính phủ Malaysia và là công tố viên hàng đầu nước này. Ông Thomas phải đưa ra quyết định cho đơn kiến nghị thứ hai từ các luật sư của Hương, một lần nữa yêu cầu trả tự do cho công dân Việt Nam.
Quyết định của ông Thomas sẽ được các công tố viên công bố trong phiên tòa ngày 1/4. Nếu đơn tiếp tục bị bác, Hương sẽ phải bước vào phần biện hộ sau hai lần trì hoãn vì lý do sức khỏe. Cô gần như suy sụp hoàn toàn trong phiên tòa hôm 14/3.
Ông Abdul Fareed Abdul Gafoor, tân chủ tịch Liên đoàn Luật sư Malaysia, nói Tổng chưởng lý Thomas cần phải giải thích tại sao không hủy bỏ cáo buộc với Đoàn Thị Hương, dù ông không có nghĩa vụ phải làm điều này. Ông Abdul Fareed cho rằng việc hai người bị truy tố cùng một tội danh nhưng chỉ một người được thả là điều bất thường.
"Vụ việc đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Có rất nhiều câu hỏi về việc tại sao một người được thả và cáo buộc với cô ấy được rút lại, trong khi người còn lại vẫn bị truy tố", ông Abdul Fareed nói trong một cuộc họp báo hôm 16/3, theo The Star Online.
Trong khi đó, nghị sĩ Ramkarpal Singh, chủ tịch cục pháp lý của đảng Hành động Dân chủ Malaysia (DAP), cho rằng Hương có quyền hiến định được đối xử tương tự Siti Aisyah vì cô là đối tượng được pháp luật bảo vệ một cách công bằng.
"Việc bắt Đoàn (Thị Hương) tiếp tục phần biện hộ còn người cũng bị cáo buộc như cô ấy thì không là điều chưa từng có tiền lệ và rất đáng tiếc", ông Singh nhận định, cho rằng cáo buộc với Hương phải bị hủy nếu Tổng chưởng lý Thomas tin "Triều Tiên nhúng tay" vào vụ sát hại, theo New Straits Times.
"Người ta nói là tổng chưởng lý đã chuẩn y đề nghị của Bộ trưởng Tư pháp Indonesia, Yasonna Laoly, về việc hủy cáo buộc với Siti Aisyah trên cơ cở rằng Triều Tiên đứng sau vụ sát hại", ông nói.
Có những chỉ trích tại Malaysia cho rằng chính phủ đã để nước ngoài can thiệp nội bộ trong việc đột ngột thả công dân Indonesia. Ngoài ra, việc đối xử khác nhau với hai bị cáo cũng đặt ra câu hỏi về uy tín của nền tư pháp Malaysia, theo các luật sư.
Trong cuộc phỏng vấn với Zing.vn trước phiên tòa hôm 14/3, luật sư Hisyam nói rằng với tư cách là một tổng chưởng lý, "người canh giữ niềm tin cho xã hội", ông Thomas "đáng lẽ phải hành động dựa trên chứng cứ".
"Điều này đe dọa hệ thống tư pháp của Malaysia. Không thể chấp nhận công lý 'kiểu này' tại một đất nước như Malaysia", ông Hisyam nói, cho rằng nền tư pháp đất nước "đang đứng trước thử thách".
Song không phải đến bây giờ những quan ngại này mới được nêu ra. Trong suốt quá trình điều tra và xét xử hai năm qua, các luật sư đã nhiều lần khiếu nại về sự vắng mặt phi lý của các nghi can Triều Tiên, việc họ không được tiếp cận với lời khai của các nhân chứng cũng như kết luận "cẩu thả" của cơ quan điều tra.
Vụ việc từng gây ra sóng gió trong quan hệ giữa Kuala Lumpur và Bình Nhưỡng, khiến phái bộ Malaysia ở Triều Tiên gần như bị giam lỏng. Malaysia cuối cùng đồng ý để 3 nghi can Triều Tiên khác (ngoài 4 người đã bỏ trốn trước đó) đang cố thủ tại sứ quán ở Kuala Lumpur về nước để đổi lấy công dân của họ.
Các luật sư nói việc chính phủ Malaysia để các nghi can Triều Tiên về nước, dù được thẩm vấn họ trước khi thả, đã ngăn chặn mọi cơ hội để đưa những kẻ thủ ác thực sự ra trước ánh sáng công lý.
Những khuất tất đó vẫn chưa bao giờ được làm sáng tỏ và có thể mãi mãi sẽ không bao giờ sáng tỏ. Song nước mắt và nụ cười, hình ảnh đối lập giữa hai cô gái trong những tuần qua là điều có thật, khiến không ít người cảm thấy lo lắng.
Tại phiên tòa hôm 14/3, luật sư cho biết Hương "chỉ ngủ được khoảng một tiếng mỗi đêm" trong ba ngày sau khi Aisyah được thả. So với phiên tòa hồi tháng 8, khi cô cũng từng bật khóc vì thẩm phán tuyên bố có đủ bằng chứng để tiếp tục xét xử cô với cáo buộc giết người, lần này Hương gần như ngã quỵ sau khi biết đơn kiến nghị tha bổng bị bác.
Cô được đưa đến bệnh viện ở thủ đô Kuala Lumpur để kiểm tra sức khỏe tâm thần ngay ngày hôm sau với an ninh siết chặt. Các phóng viên chờ đợi để đón đoàn xe chở Hương đến bệnh viện từ nhà tù, song cuối cùng đoàn xe đi vào một cổng khác. Tại đây, cảnh sát ngăn chặn mọi nỗ lực tiếp cận của phóng viên.
Trong khi đó, Siti Aisyah được chào đón như một người hùng tại thủ đô Jakarta của Indonesia sau khi cô trở về. Cô được mời đến phủ tổng thống để bắt tay và nói lời "cảm ơn" ông Widodo, người sẽ tái tranh cử trong tháng 4 này.
Trước đó, cô tham dự một cuộc họp báo tại Đại sứ quán Indonesia ở Kuala Lumpur ngay sau khi được trả tự do không đồng nghĩa tha bổng. Về mặt lý thuyết, Malaysia vẫn có thể phát lệnh bắt Siti thêm lần nữa nếu có thêm bằng chứng mới liên quan đến nghi án Kim Jong Nam, theo AFP.
"Tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi không biết điều này đã xảy ra như thế nào. Tôi không ngờ mình lại được thả vào hôm nay", cô gái sinh năm 1992 chia sẻ.
Sau phiên tòa hôm 14/3, Hương nói cô không tức giận vì Aisyah được thả còn cô thì không vì "vì Chúa biết là cả em và cô ấy đều không có làm gì hết".
Trùm khăn kiểu Hồi giáo, mặc một chiếc áo khoác mỏng thay cho áo chống đạn, cô đưa đôi tay bị còng cố nắm lấy tay những người Việt Nam đang đứng gần đó, bao gồm Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh. Gần như không thể nghe những gì Hương nói nếu không đứng đủ gần. Trong một khoảnh khắc, cô kéo hai bàn tay ngài đại sứ đặt lên trán mình, dường như để thể hiện sự biết ơn.
Hương tiếp tục nắm lấy tay những người khác, vẫn nói câu "Em không có làm gì hết". Khuôn mặt, ánh nhìn, đôi tay và cả cử chỉ của cô đều cho thấy sự suy sụp.
"Em chỉ mong bố mẹ cầu nguyện cho em được trở về", cô nói trước khi được dìu rời khỏi phòng xử.
Việt Nam đã kêu gọi Malaysia xét xử công bằng và trả tự do cho Đoàn Thị Hương. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo hộ lãnh sự, pháp lý ở mức cao nhất đối với công dân Việt Nam.
Câu hỏi lúc này là: Liệu Tổng chưởng lý Thomas đã nghe những lời chỉ trích dành cho ông?