Trước phiên tòa diễn ra vào sáng 14/3 tại Malaysia, luật sư của Đoàn Thị Hương, ông Hisyam Teh Poh Teik, chiều 13/3 đã có cuộc trao đổi riêng với Zing.vn về những bức xúc của ông với những diễn biến mới trong vụ xét xử.
Ông nói rằng việc cô gái Indonesia Siti Aisyah, người cùng bị truy tố và cùng phải bước vào phiên đối chất với Đoàn Thị Hương, được thả sẽ đe dọa uy tín của nền tư pháp Malaysia, khi "những lập luận biện hộ cho hai cô gái giống hệt nhau".
Ông cũng bức xúc trước việc những người Triều Tiên liên quan không hề được nhắc đến từ đầu các phiên xét xử.
"Ai cũng thấy điều này bất công"
- Ông đã gửi đơn lên bộ trưởng tư pháp Malaysia đề nghị tha bổng cho Hương. Điều đó có thể xảy ra trong ngày mai?
- Luật sư Hisyam Teh Poh Teik: Trong trường hợp các cáo buộc được hủy, tất cả mọi người đều vui vẻ.
Chúng tôi hy vọng trong phiên tòa tới, mọi cáo buộc sẽ được hủy. Đó mới là công bằng và thực thi công lý.
Ông ấy là tổng chưởng lý (attorney general, hay AG), là công tố viên hàng đầu, vậy nên ông ấy cần phải đưa ra một phán quyết công bằng và đúng đắn theo đúng trách nhiệm của mình.
Như chúng ta đã biết, cả Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah đều bị xét xử trong cùng một vụ án. Cả hai đều phải bước vào phiên đối chất biện hộ. Cả hai đều nói họ không biết họ đến hiện trường để sử dụng chất độc chết người. Cả hai đều nói những người Triều Tiên mới là hung thủ và họ chỉ là "dê tế thần". Trường hợp của Hương và của Aisyah không có gì khác biệt.
Câu hỏi đặt ra là vì sao họ (cơ quan công tố Malaysia) lại rút cáo buộc đối với Aisyah mà không rút cáo buộc đối với Hương.
Chúng tôi đều cảm thấy vui cho Aisyah. Chúng tôi (hai nhóm luật sư) đều chia sẻ thông tin cho nhau và đều tin cả hai cô gái vô tội. Ít ra bây giờ đã có một người được về nhà. Chúng tôi đều vui vì điều này. Phán quyết đó là đúng đắn.
Điều chúng tôi khiếu nại là vì sao Hương không nhận được quyết định tương tự. Điều này thật sự vô lý.
Bạn không cần phải là luật sư hay thẩm phán mới nhìn thấy điều này công bằng hay không. Bất kỳ ai được hỏi cũng sẽ nói quyết định này là bất công.
Điều này đe dọa hệ thống tư pháp của Malaysia. Không thể chấp nhận công lý “kiểu này” tại một đất nước như Malaysia.
Giờ đây chúng tôi đang chờ đợi phán quyết trong phiên tòa ngày mai, phía văn phòng tổng chưởng lý sẽ thông báo về lập trường của họ.
Luật sư Hisyam Teh Poh Teik trao đổi với Zing.vn chiều 13/3. Ảnh: Hoàng Việt. |
- Quyết định sẽ được đưa công bố tại phiên tòa?
- Đúng vậy. Trong phát biểu mở đầu phiên tòa, họ sẽ thông báo kết quả xem xét những khiếu nại của chúng tôi. Liệu họ có đồng ý với đề xuất của chúng tôi hay không.
- Ông đã nói gì với tổng chưởng lý trong đơn?
- Chúng tôi nói không thể có sự phân biệt đối xử giữa Đoàn Thị Hương và Aisyah vì những lập luận biện hộ cho cả hai giống hệt nhau.
- Ông có thể cho chúng tôi thấy lá đơn được không?
- Xin lỗi tôi không mang theo lá đơn ở đây. Nó được viết bởi một luật sư khác trong đoàn, chứ không bởi hãng luật của tôi.
Về cơ bản chúng tôi nói rằng lập luận biện hộ cho cả hai cô gái là như nhau. Không có gì khác biệt. Cả hai đều là "dê tế thần", bị lợi dụng và lừa gạt bởi phía Triều Tiên, đều khẳng định họ đến sân bay để diễn một trò chơi khăm cho truyền hình.
Chúng tôi yêu cầu tổng chưởng lý phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Ông ấy cần phải đảm bảo công bằng cho cả hai người, chứ không chỉ riêng với một người, vì hệ thống tư pháp hình sự của Malaysia đang đứng trước thử thách.
- Ông biết gì về động thái của phía chính phủ Việt Nam?
- Theo chúng tôi được biết, bộ trưởng tư pháp và bộ trưởng ngoại giao Việt Nam đã tiến hành liên lạc với đồng cấp Malaysia sau khi Siti Aisyah được trả tự do. Tôi nghĩ cũng có một số liên lạc từ trước được thực hiện không chính thức.
- Ông nghĩ rằng trong việc Siti được trả tự do, vai trò của chính phủ và vai trò của luật sư là như thế nào?
- Mỗi bên đều có tầm quan trọng riêng. Về phía luật sư, chúng tôi tập trung vào chứng cứ, những thực tế đã diễn ra, các vấn đề pháp lý. Phía chính phủ, họ tập trung vào khía cạnh chính trị, ngoại giao, quan hệ giữa chính phủ với chính phủ.
Đoàn Thị Hương được dẫn rời khỏi tòa hôm 11/3. Ảnh: AP. |
- Việt Nam và Malaysia không có thỏa thuận tương trợ pháp lý như giữa Malaysia và Indonesia. Ngoài những nỗ lực của chính phủ, phía Việt Nam có thể làm gì để giúp đỡ?
- Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã giúp chúng tôi rất nhiều. Họ giúp chúng tôi thu thập chứng cứ, gặp gỡ các nhân chứng ở Việt Nam. Họ rất nỗ lực giúp đỡ chúng tôi trong những khía cạnh này, đặc biệt là ông chủ tịch liên đoàn (Đỗ Ngọc Thịnh). Tôi muốn gửi lời cảm ơn từ tận đáy lòng cho ông ấy.
Liên đoàn thường xuyên liên lạc với chúng tôi. Ông Đỗ Ngọc Thịnh tham gia ngay từ khi vụ án bắt đầu và ông ấy thật sự tuyệt vời. Ông ấy đóng vai trò rất quan trọng trong công tác biện hộ.
Ông ấy thu xếp cho tôi các cuộc gặp với đại diện của nhiều bộ, ngành, chẳng hạn như bộ công an, bộ tư pháp và bộ ngoại giao. Chúng tôi được tiếp xúc với tất cả các cơ quan này. Bên cạnh đó, họ còn giúp tìm nhân chứng.
"Họ không hề nhắc đến các nghi phạm Triều Tiên"
- Dư luận Malaysia có vẻ cũng không hài lòng với diễn biến vừa qua?
- Đúng vậy. Rõ ràng những diễn biến đó là không công bằng. Những gì tôi nghe được từ dư luận là phán quyết không công bằng, không tôn trọng công lý. Cả hai bên đều đưa ra những biện hộ như nhau, đối diện cùng một thẩm phán, nhưng vì sao phía công tố chỉ rút cáo buộc cho một người mà người còn lại thì không. Tổng chưởng lý là người canh giữ niềm tin của xã hội thì phải đảm bảo công lý cho cả hai phía.
- Nếu ngày mai cáo buộc với Hương vẫn chưa được hủy bỏ, liệu phiên tòa sẽ kéo dài thêm bao lâu nữa?
- Thật sự thì tôi không thể nói trước. Việc trả tự do cho Siti Aisyah không hề dựa trên bằng chứng, không dựa trên những lập luận của bên công tố hay phía luật sư biện hộ. Phán quyết lại dựa trên yêu cầu của một chính phủ nước ngoài.
Ông ấy là một tổng chưởng lý và ông ấy đáng lẽ phải hành động dựa trên chứng cứ. Đó là trách nhiệm chính và là ưu tiên lớn nhất của ông ấy. Xem xét các bằng chứng và cân nhắc bằng chứng có đủ sức thuyết phục hay không.
Chúng ta đều biết những kẻ chủ mưu là ai. Đó là bốn người Triều Tiên đã rời khỏi Malaysia. Điều đó không hề công bằng.
Họ thậm chí không dám đề cập đến tên của những nghi phạm đó tại phiên tòa. Họ chỉ đưa ra cáo buộc nhắm đến Đoàn Thị Hương và Aisyah. Tại sao lại như vậy? Có phải họ cảm thấy sợ hãi?
Họ không hề nhắc đến tên các nghi phạm Triều Tiên từ đầu vụ án. Họ chỉ tiết lộ tên tuổi giữa quá trình xét xử khi chúng tôi đặt câu hỏi tại tại phiên tòa.
Luật sư Hisyam Teh Poh Teik nói hệ thống tư pháp Malaysia đang đứng trước "thách thức" với vụ xét xử Đoàn Thị Hương. Ảnh: Hoàng Việt. |
"Hương không hiểu sao cô ấy bị đối xử vậy"
- Hương lúc này như thế nào rồi?
- Cô ấy rất buồn. Tại phiên tòa ngày 11/3, cô ấy đã bậc khóc. Trước khi Aisyah được thả, họ không cô độc. Cô ấy vẫn thấy vui cho Aisyah, nhưng khi ngồi xuống cô ấy đã thắc mắc vì sao không nhận được sự đối xử tương tự như Aisyah.
- Ông đã trả lời câu ấy như thế nào?
- Tôi hứa với cô ấy rằng chúng tôi cố gắng hết sức và an ủi cô ấy. Chúng tôi hy vọng ngày mai tâm trạng cô ấy sẽ ổn.
- Phía chính phủ không báo cho ông kết quả trước ngày mai sao?
- Họ sẽ tuyên bố kết luận tại phiên tòa.
- Nhưng trong trường hợp của Aisyah, luật sư đã biết trước?
- Vì có sự tham gia của phía chính phủ. Tại thành phố cả đại sứ lẫn bộ trưởng phía Indonesia đều có mặt.