Siti Aisyah, sinh năm 1992, được trả tự do ngay tại Tòa Thượng thẩm Shah Alam sau phần mở đầu phiên đối chất của Đoàn Thị Hương. Theo thông báo của đại sứ quán Indonesia, những nỗ lực kêu gọi trả tự do cho Siti đã được khởi động ngay từ thời điểm cô bị bắt giữ vào tháng 2/2017.
Công tố viên Muhammad Iskandar Ahmad tuyên bố hủy cáo buộc Siti phạm tội sát nhân. Ông nói phía công tố chỉ hành động "theo chỉ đạo". Thẩm phán Azmi Ariffin chấp nhận yêu cầu, ra phán quyết trả tự do cho nghi phạm Indonesia nhưng không hủy bỏ cáo trạng, để mở khả năng ra lệnh bắt giữ mới nếu có bằng chứng bổ sung.
Siti được trả tự do ngay trong ngày mà "đồng phạm" của cô, Đoàn Thị Hương, bước vào phiên đối chất trước Tòa Thượng thẩm Shah Alam. Diễn biến khiến truyền thông quốc tế sửng sốt, còn các luật sư đại diện cho Hương phẫn nộ cho rằng thân chủ bị đối xử không công bằng.
Siti Aisyah phấn khởi trả lời truyền thông quốc tế tại đại sứ quán Indonesia sau khi được tự do vào ngày 11/3. Ảnh: Bernama. |
"Vì quan hệ tốt đẹp giữa hai nước"
Lý do mà Siti Aisyah được trả tự do được lý giải phần nào khi lá thư của Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas gửi phía Indonesia được hé lộ.
"Vì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước chúng ta, tôi rất hài lòng khi thông báo với ông về quyết định ngưng truy tố (nolle prosequi) đối với Siti Aisyah thể theo Điều 254 của Bộ luật Hình sự", ông Tommy Thomas viết trong lá thư ký ngày 8/3 gửi Yasonna Laoly, Bộ trưởng Tư pháp và Nhân quyền Indonesia.
Theo chuyên trang phân tích Triều Tiên NK News, Bộ trưởng Yasonna trước đó đã gửi thư đề nghị Bộ Tư pháp Malaysia "cân nhắc mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước", xem xét lại trường hợp của Siti Aisyah và hỗ trợ đưa cô về Indonesia.
Lá thư của ông Yasonna chỉ đề cập ba cơ sở đều được các luật sư của Siti lẫn Đoàn Thị Hương từng đề cập nhiều lần trong quá trình xét xử. Ông khẳng định Siti bị lừa tham gia một chương trình truyền hình thực tế, không ý thức được mình đã trở thành công cụ của tình báo Triều Tiên.
Yasonna tái khẳng định nghi phạm Indonesia không hiểu được bản chất những yêu cầu từ người thuê và không có ý định sát hại Kim Chol, người được cho là Kim Jong Nam. Ông nói công dân Indonesia không nhận được lợi ích gì cho bản thân khi hành động.
Trong khi đó, luật sư của Siti là Gooi Soon Seng cho rằng phán quyết trả tự do cho thân chủ có thể một phần vì cơ quan công tố thiếu chứng cứ trực tiếp.
"Không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy Siti đã bôi chất gì lên người Kim Jong Nam. Các bạn đều có thể thấy điều này trên băng ghi hình của camera an ninh", ông nói trước tòa án ở Shah Alam.
"Chứng cứ được đưa ra chỉ là dấu vết các biến thể cấp độ thấp của chất độc thần kinh VX. Bản thân chứng cứ này nặng về suy luận tình huống", ông nhận định.
"Thực tế là những bộ quần áo không có dấu vết ADN của Siti Aisyah. Ngoài ra, không thể đảm bảo chiếc áo thun (của Kim Jong Nam) đã không chịu thêm tác động nào khác trước khi nó được thu thập làm chứng cứ", Gooi Soon Seng chia sẻ.
Tháng 10/2017, đội luật sư của Siti từng khiếu nại khi không được quyền tiếp cận nhiều chứng cứ mà phía công tố đưa ra, trong đó bao gồm khám nghiệm các hóa chất được tìm thấy trên áo thun của Kim Jong Nam vào thời điểm tử vong. Tháng 1/2019, các luật sư của Hương và Siti cũng khiếu nại thành công khi yêu cầu cơ quan công tố cung cấp thêm một số lời khai được giữ kín.
Đại sứ quán Indonesia đã được báo trước về quyết định trả tự do cho Siti Aisyah. Ngày 11/3, xe của đại sứ quán chờ sẵn trước cửa Tòa Thượng thẩm Shah Alam đón công dân chuẩn bị về nước. Ảnh: AFO. |
Vận động hành lang từ ngày đầu tiên
Đại sứ quán Indonesia khẳng định sự tự do của Siti là thành quả của những nỗ lực vận động lâu dài từ Jakarta, nhắm đến mục tiêu là giải cứu công dân nước này khỏi án tử hình nếu bị kết tội sát hại Kim Chol.
Theo thông cáo, Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh khởi động chiến dịch vận động hành lang, đòi tự do cho Siti ngay sau khi nghi phạm bị bắt giữ ngày 15/2/2017, tức hai ngày sau khi Kim Chol bị sát hại ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Theo Malaysia Reserve, chiến dịch giải cứu có sự tham gia của lãnh đạo hàng loạt bộ ngành liên quan, từ ngoại trưởng, bộ trưởng tư pháp, đến lãnh đạo lực lượng cảnh sát và cả lãnh đạo cơ quan tình báo Indonesia.
Rusdi Kirana, Đại sứ Indonesia ở Malaysia, cho biết chiến dịch vận động hành lang được đẩy mạnh trong nhiều tháng qua. Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo luôn nhắc đến vụ án của Siti Aisyah xuyên suốt mọi cuộc gặp cấp cao giữa hai nước. Nỗ lực kêu gọi trả tự do cho Siti được đề cập trong mọi cuộc họp song phương "từ cấp tổng thống, phó tổng thống, đến các cuộc họp cấp ngoại trưởng và các bộ khác".
Indonesia có kinh nghiệm thực hiện nhiều chiến dịch ngoại giao để giải cứu công dân thoát án tử ở nước ngoài. Phần lớn các vụ việc liên quan đến người lao động xuất ngoại, làm việc ở những quốc gia Trung Đông như Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hay Qatar vi phạm pháp luật tại nước sở tại.
Việc công dân Indonesia được trả tự do xảy ra chỉ một tháng trước ngày bầu cử tại nước này, và được nhìn nhận là cú hích cho tổng thống đương nhiệm, Joko Widodo, vốn đang theo đuổi nhiệm kỳ tiếp theo. Ngay khi trở về quên nhà vào chiều 11/3, Siti đã cảm ơn Tổng thống Widodo cùng chính phủ Indonesia đã giúp cô thoát án tử hình.
Siti Aisyah gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 12-3. Ảnh: Jakarta Post |
Tuy nhiên, trả lời họp báo sau một phiên họp quốc hội ngày 12/3, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad lại nói ông "không hay biết" về những nỗ lực vận động hành lang của Indonesia. Nhà lãnh đạo 91 tuổi khẳng định quyết định trả tự do cho Siti Aisyah là do Tòa Thượng thẩm Shah Alam tự đưa ra, theo Malaysia Kini.
"Tôi không có thông tin. Quyết định được đưa ta bởi tòa án. Cô ấy được tòa xét xử và được trả tự do. Quy trình này hoàn toàn đúng với pháp luật. Tôi không nắm được thông tin chi tiết. Tuy nhiên, đúng là phía công tố có quyền trả tự do mà không đồng nghĩa với một lệnh tha bổng", ông Mahathir cho biết.
Siti Aisyah được đoàn tụ với bố và mẹ tại buổi họp báo của bộ ngoại giao Indonesia tại Jakarta ngày 11/3. Ảnh: AP. |
Trái ngược với phần trả lời của thủ tướng Malasaysia, Bộ trưởng Yasonna Laoly cho biết nhiều quan chức chính phủ của Indonesia trong năm qua đã tổ chức nhiều cuộc họp với ông Mahathir, Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas và cơ quan cảnh sát Malaysia đòi trả tự do cho Aisyah.
"Vấn đề này từng được thảo luận với Thủ tướng Malaysia vào ngày 29/6/2018 tại Bogor", Malaysia Reserve dẫn lại thông cáo của đại sứ quán Indonesia ngày 11/3.
Sau phán quyết trả tự do cho nghi phạm Indonesia, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long chiều 12/3 đã gửi thư cho Tổng Chưởng lý Malaysia để đề nghị xem xét trả tự do cho Đoàn Thị Hương. Bộ trưởng đánh giá cao việc công dân Indonesia, người cùng chịu cáo buộc giống cô Đoàn Thị Hương trong vụ việc, đã được phía Malaysia trả tự do.
Ông khẳng định cả Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah đều bị lợi dụng, lôi kéo vào vụ việc mà không biết hành động của bản thân có thể dẫn đến hậu quả chết người. Bộ trưởng đề nghị Tổng Chưởng lý Malaysia Tommy Thomas xem xét, đưa ra quyết định trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương trên cơ sở đối xử pháp luật công bằng, phù hợp với quan hệ hữu nghị tốt đẹp, đối tác chiến lược giữa hai nước.
Trong cuộc điện đàm cùng ngày với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi một số vấn đề trong quan hệ song phương, trong đó có phiên tòa của Đoàn Thị Hương. Bộ trưởng khẳng định lãnh đạo cấp cao và dư luận Việt Nam hết sức quan tâm đến quá trình xét xử cũng như kết quả vụ việc này và đề nghị phía Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương.