"Tôi cho rằng cáo buộc chống lại Đoàn (Thị Hương) đáng lẽ phải được bỏ giống như đối với Siti Aisyah. Việc bắt giữ Đoàn để tiếp tục truy tố nhưng lại bỏ qua đồng phạm của cô ấy, đặc biệt khi vụ án rõ ràng nhắm tới cả hai, là đáng tiếc và chưa từng có tiền lệ", nghị sĩ Ramkarpal, người cũng là một luật sư, cho biết trong tuyên bố hôm 14/3.
Luật sư Ramkarpal cho rằng việc tổng chưởng lý từ chối thu hồi cáo buộc giết người đối với Hương là "ngoài sức tưởng tượng và đặt ra câu hỏi về quyền lực của tổng chưởng lý".
Nghị sĩ Ramkarpal Singh chỉ trích quyết định của bộ trưởng tư pháp Malaysia khi duy trì cáo buộc chống lại một nghi phạm sau khi phóng thích một nghi phạm khác trong cùng vụ án sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol. Ảnh: The Star. |
Ramkarpal cho biết kể từ khi Hương và Siti Aisyah cùng bị buộc tội giết công dân Triều Tiên Kim Chol, dường như tổng chưởng lý tin rằng có đủ bằng chứng chống lại hai người trước khi buộc tội họ.
Ông nói thêm rằng thẩm phán thậm chí đã gọi họ tham gia bào chữa. Do đó, nếu Hương và Siti Aisyah giữ im lặng trong phần biện hộ của mình, họ sẽ bị kết án giết người dựa trên các bằng chứng được công tố đưa ra.
"Nếu là vậy (thả Siti), tại sao tổng chưởng lý lại buộc tội Siti Aisyah ngay từ đầu? Không còn nghi ngờ gì nữa, tổng chưởng lý có quyền ngừng các vụ kiện chống lại Siti Aisyah như cách ông ấy đã làm, nhưng tại sao ông ấy không làm điều tương tự trong trường hợp của Đoàn?", The Star dẫn lời ông Ramkarpal.
Ngày 14/3, tổng chưởng lý Malaysia đã từ chối yêu cầu gỡ bỏ cáo buộc giết người của Đoàn Thị Hương. Trước đó, ngày 11/3, Siti Aisyah đã được trả tự do sau khi các công tố viên nói rằng họ muốn rút lại cáo buộc.
Siti Aisyah, 26 tuổi, và Đoàn Thị Hương, 29 tuổi, bị buộc tội với bốn người khác chưa bị bắt giữ trong vụ sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol (người được cho là Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un) tại sảnh khởi hành của sân bay KLIA2 lúc 9h sáng 13/2/2017. T