Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đoàn Thị Điểm không cam phận làm thiếp

Sau đám tang của cha, một thời gian sau anh trai Thị Điểm cũng qua đời. Nhà chỉ còn phái yếu. Ngài Bỉnh Trung công nhờ người đem chầu cau đến ngỏ ý muốn rước nàng về làm thiếp.

Mấy quả cau đã bắt đầu khô héo, xấp trầu không để bên cũng đã úa vàng. Một con gà mái táo tợn nhảy lên cái phản gỗ trong nhà, làm tung cái nắp tráp, thấy một vật đỏ đỏ, nó thò cổ vào mổ thủng một lỗ, thế là phong chè Thiết Quan Âm bị sổ tung, những sợi chè khô vãi ra.

Có lẽ con gà mái ngớ ngẩn này tưởng sẽ tìm ra một hạt thóc nào đó. Con mèo mướp lững thững đi đến, nó không ngốc như con gà, nhưng nó cũng tò mò. Nó đi vòng quanh cái tráp để trên phản gỗ bên dưới bàn thờ, ngó ngó nghiêng nghiêng, lấy chân cào cào vào xấp trầu không và chùm cau, không thấy mùi vị gì hấp dẫn, nó lặng lẽ bỏ đi.

Đoàn phu nhân nhìn thấy cảnh đó hốt hoảng lập cập chạy đến. Bà hớt hơ hớt hải thu dọn trầu cau và gói chè, đậy cái nắp tráp nhỏ sơn son thếp vàng ấy lại. Bà cầm cái tráp lên nâng niu cẩn thận y như nó là một vật bằng sứ dễ vỡ.

Bà đi đi lại lại thở than một mình: “Ối trời ơi, thế này có chết không cơ chứ, ai lại để trầu cau của vị quốc thích Bỉnh Trung công nhờ người mai mối cô Điểm nhà ta lăn lóc mấy hôm rồi”.

Ở nhà gian nhà trong, Thị Điểm đang ngồi bên bé Lệnh Khương. Nàng đang khẽ khàng nâng người cháu lên, kề bát thuốc vào môi để cháu nhấm từ từ ngụm nước thuốc lá đã sắc kỹ. Nước thuốc âm ấm nên cô bé cũng cố nhắm mắt uống được đủ liều.

[...]

Bấy giờ chị cả Luân khẽ khàng ngồi xuống bên con gái, nói với cô em chồng: “Thôi thế là may lắm, cô có ‘tay’ chữa bệnh đấy, cháu đã đỡ nhiều rồi, cô đi lo việc khác đi, để tôi trông cháu”.

Nàng vừa toan dặn thêm bà chị dâu cách xoa bóp cho cháu thì bỗng trông thấy mẹ bưng cái tráp trầu cau bước vào, nét mặt băn khoăn lo lắng.

Bà đến ngồi bên con gái, giọng run run: “Mẹ đang lo quá con ơi. Ngài Bỉnh Trung công để ý đến con đã đưa trầu cau thế này là không từ chối được đâu, mình mà không nghe, chết đấy con ạ!”.

Nàng giơ tay đỡ lấy cái tráp, nói với mẹ:

“Không sao đâu, mẹ đừng lo. Ôi trời ơi, con đi lấy chồng làm sao được! Mẹ nhìn đây này, hai cháu còn nhỏ dại, mẹ đã già, chị cả Luân thì yếu ớt, vậy con đi làm sao được?”

Bà mẹ lắc đầu: “Con có biết ngài Bỉnh Trung công là thế nào chưa? Ngài đang ngụ ở làng Mi Thự, huyện Đường Hào nên có biết tiếng tăm các con…”.

Bà hạ giọng xuống: “Có lẽ từ cái chuyện câu đối mừng quan Hiệp trấn đấy con ạ, khổ thế! Này.”

Bà mẹ nhìn quanh y như là sợ có ai nghe lỏm, rồi thì thào: “Ngài Bỉnh Trung công họ Vũ là em ruột bà thái phi của Chúa Trịnh Cương. Ngài đang quyền thế lớn, cai quản các cơ doanh binh đội…”.

Nàng nắm tay mẹ lắc lắc như để mẹ tỉnh cơn mê muội: “Mẹ ơi, ông ấy chắc chắn là có vợ cả và vài bà nàng hầu rồi…”.

Bà mẹ gật đầu, giọng vẫn nỉ năn con gái: “Thì vẫn biết thế, nhưng mà ngài là một vị quốc thích!”.

Nàng tủm tỉm cười: “Quốc thích? Mẹ ơi, con thấy gia cảnh ấy nông mỏng lắm!”.

“Nông mỏng là thế nào?”

“Là phú quý đến do nhờ có người vào hầu hạ trong cung, không phải con nhà nòi có khoa bảng biết làm ăn căn cốt, cái lối sang trọng phù vân ấy không bền đâu, mẹ ơi!”

Nghe con gái nói thế, Đoàn phu nhân ngẩn người ra. Bà ngước mắt hướng về phía bàn thờ chồng và con trai, vẻ thẫn thờ ân hận: “Thôi, con nói thế mẹ hiểu rồi, mẹ chỉ lo bây giờ không biết ăn nói với nhà người ta thế nào đây?”.

Nàng cười xòa: “Ôi dào, có gì đâu, mẹ cứ bảo: Xin được thư thả ạ, nhà tôi đang có tang”.

Lê Phương Liên/ NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY