Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đoàn Thể thao đặc biệt nhất tại Olympic Tokyo 2020

Đội tị nạn lần đầu tiên xuất hiện tại Olympic Rio 2016 và có tới 29 VĐV tranh tài ở kỳ thế vận hội năm nay.

chiBÌNH LUẬN

Olympic Tokyo anh 1

Ở mỗi kỳ Olympic, các quốc gia đều cử đại diện tốt nhất để tranh tài. Đấu trường Olympic luôn là sân chơi đẳng cấp hàng đầu thế giới. Nhưng vẫn có điều đặc biệt tồn tại trong bất kỳ sự kiện thể thao nào.

Đó là lý do "Đoàn Thể thao Tị nạn" ra đời. Không chung quốc gia, chủng tộc nhưng các thành viên của đội tị nạn sẽ thi đấu chung một ngọn cờ tại Thế vận hội Olympic năm nay.

Nguyên nhân ra đời

Hồi tháng 6, Ban điều hành Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thông báo rằng họ sẽ gia tăng số lượng VĐV của "Đoàn Thể thao Tị nạn" (ROT) cho kỳ Olympic Tokyo 2020.

IOC cung cấp học bổng cho các VĐV tị nạn có triển vọng từ khắp nơi trên thế giới, với những người giỏi nhất có thể tranh tài ở Olympic. Đoàn Thể thao này có tên gọi chính thức theo nguyên bản tiếng Pháp là Equipe Olympique des Réfugiés (EOR).

Để giúp đỡ cho việc tập luyện và chuẩn bị trước sự kiện lớn nhất trong năm, một số quốc gia, Australia, Áo, Bỉ, Brazil, Canada, Croatia, Ai Cập, Pháp, Đức, Israel, Jordan, Kenya, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Hà Lan, New Zealand, Trinidad và Tobago, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh, đứng ra bảo trợ cho các VĐV.

Olympic Tokyo anh 2

Khoảnh khắc lịch sử khi 2 VĐV người Syria - 1 thuộc Đoàn Thể thao Tị nạn, 1 thuộc Đoàn Thể thao Syria, ôm chầm lấy nhau trong lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters.

Đội tị nạn là một phát kiến mới so với lịch sử tồn tại lâu đời của Olympic. Theo báo cáo từ Rescue.org vào năm 2015, 65 triệu người đã phải rời bỏ quê hương do xung đột và thiên tai, trong đó hơn một triệu người di cư vào châu Âu do chiến tranh ở Trung Đông, châu Phi và Trung Á.

Để hỗ trợ những người mất nhà cửa, IOC đã thành lập "Quỹ Khẩn cấp cho Người tị nạn" trị giá 1,9 triệu USD vào cuối năm này. Mục đích để giúp những người tị nạn hòa nhập vào nền thể thao thế giới. Kết quả IOC sau đó thông báo rằng họ sẽ mời các VĐV tị nạn thi đấu cho một Đoàn thể thao thống nhất tại Olympic Rio 2016 ở Brazil.

Tại kỳ Thế vận hội đầu tiên, đội tị nạn có 10 VĐV đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Nam Sudan và Syria. Sau thành công của kỳ Olympic 2016, cũng như những thông điệp ý nghĩa về niềm hy vọng và sự hòa nhập mà nó mang lại cho hàng triệu người trên khắp thế giới, IOC quyết định tiếp tục cử đội tuyển tham dự Olympic 2020 tại Tokyo.

Đến nay, đội tị nạn đã phát triển mạnh mẽ. Có tới 29 thành viên, thi đấu ở 12 môn thể thao khác nhau. Trước đó năm 2016, phần lớn VĐV đến từ chương trình "Học bổng Tị nạn" của IOC, mặc dù có 4 người đến từ "Dự án Người tị nạn" của Liên đoàn Judo Quốc tế.

Trong lễ khai mạc, đội tị nạn diễu hành dưới lá cờ Olympic ngay sau Đoàn Thể thao Hy Lạp, nơi khai sinh của Thế vận hội, vốn là Đoàn thể thao có truyền thống diễu hành ở vị trí đầu tiên.

Tại Đại hội thể thao năm nay, 29 VĐV của đội tị nạn sẽ tranh tài ở các bộ môn điền kinh, cầu lông, quyền anh, chèo thuyền, đạp xe, judo, karate, taekwondo, bắn súng, bơi lội, cử tạ và đấu vật.

Olympic Tokyo anh 3

Mardini là một trong số những VĐV tị nạn tranh tài ở Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters.

Câu chuyện truyền cảm hứng

Trong số các thành viên của đội tị nạn, Yusra Mardini là VĐV nổi tiếng nhất. Cô là nữ VĐV có hoàn cảnh khá đặc biệt ở Olympic 2020 khi cô và chị gái từng liều mạng trốn khỏi Syria do chiến tranh khốc liệt.

Mardini là người Syria và hiện sống tại Đức. Cách đây 5 năm, Mardini lần đầu xuất hiện tại một kỳ Olympic. Tuy không giành huy chương, câu chuyện và ý chí của cô vẫn truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới.

Năm 2015, Mardini và chị gái liều mạng trốn khỏi Syria do chiến tranh khốc liệt. Họ đi trên chiếc thuyền chuyên chở xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ đến bờ biển Lesvos, Hy Lạp. Tuy nhiên, 30 phút sau khi khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ, động cơ trên thuyền bắt đầu hỏng.

Khi chiếc thuyền chở họ cùng 20 người tị nạn khác chết máy giữa biển, hầu hết người trên thuyền không biết bơi, hai chị em không ngần ngại nhảy xuống nước đẩy thuyền trong gần 4 tiếng đồng hồ.

“Một tay của tôi buộc vào thuyền và di chuyển dưới nước bằng hai chân và tay còn lại. Hơn 3 tiếng rưỡi ngâm mình trong dòng nước lạnh. Cơ thể của bạn gần như không còn hoạt động. Tôi không biết liệu mình có thể mô tả chính xác điều đó hay không", Mardini cho hay.

Dù kiệt sức, Mardini vẫn cười nói và huýt sáo để động viên mọi người. Cả hai chị em Mardini đã trở thành "nhân viên cứu hộ" bất đắc dĩ. Cô gái sinh năm 1998 là ân nhân, đã cứu sống 18 người trong thời khắc sinh tử ấy.

Mardini hiện định cư ở Berlin cùng với gia đình. Cô học tập và rèn luyện mỗi ngày. Năm 2017, Mardini được bổ nhiệm làm Đại sứ Thiện chí UNHCR (Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn - PV). Cô từng khẳng định: "Thể thao là lối thoát cho chúng tôi. Đó là thứ cho chúng tôi hy vọng xây dựng cuộc sống mới".

Không ai khác khi cô chính là người cầm cờ của "Đoàn Thể thao Tị nạn" ở Olympic Tokyo 2020. Cô tranh tài ở nội dung 100 m bơi bướm. Mardini về đích với thời gian 1 phút 06 giây 78, cải thiện hơn nhiều so với thành tích 1 phút 09 giây 21 tại Olympic Rio 2016.

Dù vậy thành tích đó vẫn không đủ giúp cô có mặt ở bán kết. Nhưng đối với Mardini, việc thi đấu thành công hay không không còn quá quan trọng. Mardini giờ đây đã có thể tìm thấy ánh sáng cuộc đời nhờ bơi lội.

Mardini khẳng định: "Vì chiến tranh, tôi phải bỏ lại mọi thứ. Nhưng khi ở trong hồ bơi, tôi cảm thấy như ở nhà. Và tôi đơn giản là hạnh phúc. Thể thao là một cơ hội tuyệt vời giúp tôi bắt đầu cuộc sống mới ở một đất nước mới".

“Không có gì xấu hổ khi trở thành người tị nạn nếu chúng ta nhớ bản thân mình là ai. Chúng tôi vẫn là bác sĩ, kỹ sư, luật sư, giáo viên, học sinh như khi ở quê hương. Chúng tôi vẫn là những người cha người mẹ, những người anh chị em", Mardini cho hay.

"Tôi là một người tị nạn và tôi tự hào đứng về hòa bình, vì sự bình đẳng và phẩm giá cho tất cả những người đang chạy trốn bạo lực".

Quốc gia giành được HCV dù chỉ cử 2 VĐV dự Olympic Tokyo

Chỉ có 2 vận động viên tranh tài ở Olympic Tokyo 2020, Bermuda vẫn giành được một huy chương vàng của Flora Duffy ở nội dung ba môn phối hợp nữ.

Võ sĩ boxing cắn tai đối thủ ở Olympic

Youness Baalla của Đoàn Thể thao Morocco có hành vi không đẹp khi thượng đài ở môn boxing tại Olympic Tokyo.

Hiểu Lam

Bạn có thể quan tâm