Đoàn kết và trái đắng của chủ nghĩa cá nhân
Hành động phản đối đeo khẩu trang vô cùng phi lý cho thấy chủ nghĩa cá nhân siêu đẳng đang ngự trị ở Mỹ, nơi các quyền cá nhân thường được đề cao hơn quyền lợi của cộng đồng.
Một đồng nghiệp Việt Nam gần đây hỏi tôi về vấn đề vô cùng quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, rằng: Đoàn kết đôi khi được gọi là “chủ nghĩa tập thể”. Là một người mẹ, tôi muốn nhìn thấy ở con gái mình (và thế hệ trẻ nói chung) tinh thần chủ nghĩa cá nhân (hiểu rõ về bản thân) hòa quyện với tinh thần đoàn kết/tập thể. Từ hàng chục năm kinh nghiệm làm việc với giới trẻ ở Mỹ và Việt Nam, làm thế nào thế hệ đi trước như tôi có thể giúp người trẻ đạt điều đó?
Cách hai quốc gia phản ứng trước đại dịch Covid-19 đang phần nào trả lời câu hỏi này. Việt Nam hành động nhanh chóng và dứt khoát để ngăn chặn dịch bệnh lây lan bằng cách đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay từ nước này và từ các nước khác, không cấp thị thực cho công dân nước ngoài, truy dấu các trường hợp nghi nhiễm, kiểm dịch và giãn cách xã hội toàn quốc trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, quy định của chính phủ sẽ không thể phát huy hết tác dụng nếu người dân không hợp tác và tuân thủ, như đeo khẩu trang, cách ly xã hội và chỉ rời khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm.
Ngược lại, tại Mỹ, người dân không đeo khẩu trang và không tuân thủ khuyến cáo cách ly xã hội. Về cơ bản, Mỹ thất bại trong việc ngăn chặn Covid-19 và đang phải trả giá đắt cả về con người lẫn kinh tế.
Trái đắng của chủ nghĩa cá nhân siêu đẳng
Hành động phản đối đeo khẩu trang vô cùng phi lý cho thấy chủ nghĩa cá nhân siêu đẳng đang ngự trị ở Mỹ, nơi các quyền cá nhân thường được đề cao hơn quyền lợi của cộng đồng.
Chủ nghĩa cá nhân trong trường hợp này là khái niệm biến tướng về tự do, theo đó tự do được đặt lên trên nguy cơ lây nhiễm Covid-19, thậm chí là nguy cơ tử vong vì dịch bệnh này.
Các bữa tiệc virus corona ở Mỹ là ví dụ kinh hoàng của góc nhìn méo mó về tự do.
Ngược lại, Việt Nam có vị thế tốt với lớp trẻ sống theo chủ nghĩa cá nhân hơn thế hệ cha mẹ. Người trẻ Việt sống giữa thời kỳ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng quốc tế, với Internet và môi trường hòa bình, không có “giặc ngoài”.
Dù vậy, họ vẫn có tinh thần đoàn kết mạnh mẽ và sự đồng nhất với tập thể. Giá trị này được phát huy trong thời kỳ khủng hoảng vì Covid-19.
Sức mạnh của đoàn kết xã hội
Tại Việt Nam, đại dịch được coi như kẻ thù vô hình mà nhân dân phải đồng lòng chống lại. Tinh thần đoàn kết này đảm bảo phần lớn người dân sẽ có sự cảm thông và nhân ái khi cần thiết.
Tinh thần yêu nước là điểm khác biệt quan trọng, vốn cũng là thế mạnh của Việt Nam trên nhiều cấp độ.
Chủ nghĩa yêu nước được định nghĩa là “tình yêu hoặc sự tận tâm của một người với đất nước của họ”. Và như cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Adlai Stevenson từng nhận xét, yêu nước cũng có nghĩa là “đặt đất nước lên trên bản thân mình”.
Chủ nghĩa cá nhân được định nghĩa là “thói quen hoặc nguyên tắc độc lập và tự chủ”. Còn đoàn kết được định nghĩa là “sự thống nhất hoặc nhất trí trong tư tưởng hoặc hành động, đặc biệt là giữa các cá nhân có lợi ích chung; là sự hỗ trợ lẫn nhau trong một nhóm”.
Hai khái niệm này không loại trừ lẫn nhau. Vấn đề ở đây là mức độ và sự cân bằng giữa chủ nghĩa cá nhân và tinh thần đoàn kết. Tốt hơn hết, các quyền cá nhân không nên thế chỗ của quyền lợi tập thể và ngược lại. Mỹ rất cần khôi phục sự cân bằng này, còn Việt Nam nên cố gắng duy trì.
Ở cấp độ cơ bản nhất, quyền công dân bao gồm cả quyền và nghĩa vụ, trong đó có cảm giác được kết nối và thuộc về cộng đồng mà một người đang sinh sống. Quyền công dân cũng có thể được định nghĩa là “cách cá nhân cư xử với các thành viên trong cộng đồng”.
Không ai là một hòn đảo riêng. Cũng như thế giới này phụ thuộc lẫn nhau và các xã hội cũng vậy. Một số người may mắn nhận thức được thực tế này hơn những người khác.
Bằng cách đó, phần lớn người Mỹ cần học hỏi. Chủ nghĩa dân tộc được định nghĩa là lòng trung thành và sự tận tâm đối với quốc gia, đặc biệt là ý thức dân tộc đề cao quốc gia này lên trên tất cả quốc gia khác, đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thúc đẩy văn hóa và lợi ích của quốc gia đó chống lại các quốc gia hoặc các nhóm siêu quốc gia khác. Đây là rào cản lớn trên con đường dẫn đến khai sáng nhận thức.
Làm thế nào để cân bằng?
Nếu có một công thức để cân bằng được hai yếu tố nói trên, Việt Nam đã có sẵn một số thành phần thiết yếu. Quốc gia Đông Nam Á này chỉ đơn giản là cần duy trì sự cân bằng hiện có giữa chủ nghĩa cá nhân và tinh thần đoàn kết xã hội, bao gồm khích lệ người trẻ và tạo ra không gian cho họ đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng và phát triển đất nước.
Thượng nghị sĩ Mỹ J. William Fulbright từng tuyên bố: “Chỉ trích một quốc gia là để giúp đỡ quốc gia đó và khen ngợi nó. Đó là giúp đỡ vì có thể thúc đẩy đất nước này tiến bộ. Và đó là lời khen vì nó chứng tỏ niềm tin rằng đất nước đó có thể phát triển hơn hiện tại”. Đây thực sự là tinh hoa của lòng yêu nước.
Kết quả khảo sát New Generation Vietnam của Hội đồng Anh cho thấy 72% số người tham gia tin rằng Việt Nam sẽ thịnh vượng hơn trong 15 năm tới tính từ năm 2019.
Điều này phản ánh tinh thần lạc quan của người Việt Nam. Mối quan tâm và đề xuất của họ tập trung vào vấn đề tham nhũng, can dự chính trị, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, cải thiện nền kinh tế và tinh thần kinh doanh.
Một trong những lo ngại của người tham gia khảo sát là giới trẻ ngày nay “cảm thấy mất kết nối với các vấn đề quốc gia và các vấn đề lớn hơn”.
Người trẻ tuổi hiện cảm thấy họ ít có khả năng tạo ra ảnh hưởng với xã hội, chỉ trừ thông qua mạng xã hội và bạn bè thân. Họ khao khát được thảo luận cởi mở về những vấn đề hiện hữu trong xã hội, hay nói cách khác: Họ muốn có tiếng nói. Hơn thế nữa, họ muốn được đáp lại bằng những hành động hữu hình. Họ muốn được lắng nghe.
Mong muốn được thảo luận cởi mở về các vấn đề xã hội là ví dụ cho trạng thái cân bằng lành mạnh giữa chủ nghĩa cá nhân và đoàn kết xã hội, mà thực chất là lòng yêu nước. Cách tiếp cận này nên được thúc đẩy ở gia đình và trong trường học, và nó có thể sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trên nhiều phương diện.
Dựa trên những gì tôi chứng kiến trong suốt 15 năm sinh sống ở Việt Nam, thái độ cởi mở và sẵn sàng học hỏi từ các quốc gia khác phản ánh khuynh hướng tự nhiên của công dân toàn cầu. Theo đó, công dân toàn cầu là người mở rộng các giá trị tri thức, đạo đức và sự kết nối của bản thân đối với toàn nhân loại.
Lòng trung thành, sự tận tâm với đất nước và các quyền lợi, nghĩa vụ của công dân toàn cầu không loại trừ lẫn nhau. Trong bối cảnh mới này, “lợi ích quốc gia” không phải là điều tối quan trọng, mà được xếp sau và so sánh với lợi ích của đồng loại ở các quốc gia khác.
Trong một thế giới toàn cầu hóa, tư duy này là lý do khác để chúng ta có thể lạc quan về tương lai của Việt Nam, cả trong nước và trên trường quốc tế.