Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đoàn diễu binh dài 5 km ở Điện Biên Phủ

Các khối vũ trang và nhân dân Việt Nam diễu binh trên con đường lịch sử vừa được gắn với tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tiếng hò reo của hàng vạn người đứng 2 bên vỉa hè.

37 khối lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, công nhân, nông dân, trí thức, nhân dân các dân tộc sẽ tập kết tại đường Trường Chinh.

Sau phần nghi lễ và chào mừng trong sân vận động trung tâm, đoàn tiến ra đường Hoàng Văn Thái, qua chân đồi A1, cạnh nghĩa trang A1 sau đó rẽ ra đại lộ Võ Nguyên Giáp, di chuyển về Quảng trường 7/5 rồi tập kết tại Nhà thi đấu tỉnh Điện Biên.

  • 15.000 người thuộc lực lượng vũ trang, trí thức, phụ nữ, thanh niên, thiếu nhi và đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Bắc sẽ tham gia Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

     

  • Cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng vũ trang trẻ nhất (thành lập năm 1998) chuyên trách thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế trên các vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc, sẽ tham gia đoàn diễu hành kỷ niệm 60 năm chiến thắng "chấn động địa cầu". Ảnh: Tuấn Mark.

     

  • Thời tiết ở Điện Biên Phủ sáng nay, 7/5, rất thuận lợi. Trời mát mẻ, chỉ khoảng 20 độ C, không mưa.
  •  

    "Tổng hành trình của đoàn diễu binh, diễu hành sẽ kéo dài khoảng 5 km", phóng viên Hoàng Hà điện thoại từ Điện Biên Phủ.

     

  • Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thuộc kỷ niệm cấp Quốc gia, không chỉ tổ chức tại Điện Biên mà còn tổ chức trong cả nước. Điểm nhấn là ngay tại Điện Biên với 2 hoạt động quan trọng là mít tinh, diễu binh, diễu hành và các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra ở tỉnh Điện Biên. Ngày 7/5 diễn ra lễ dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ; chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành tại sân vận động và các tuyến phố của TP. Điện Biên Phủ với sự tham gia của khoảng 15.000 người gồm các lực lượng vũ trang (quân đội, công an, du kích, dân quân tự vệ), đại diện các thành phần: cựu chiến binh, công nhân, nông dân, trí thức, phụ nữ, học sinh, sinh viên… Đặc biệt là khối nhân dân các dân tộc các tỉnh Tây Bắc.

  • Tại thời điểm này, Sân vân động trung tâm TP Điện Biên với sức chứa 8.000 người không còn chỗ trống.
  • Tối 6/5, bên dòng sông Nậm Rốm, trung tâm của cánh đồng Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) đã diễn ra màn bắn pháo hoa nghệ thuật đặc sắc chào mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật độc đáo thu hút hàng triệu người dân địa phương và du khách đến xem.Ảnh: Quân Đội Nhân Dân.

  • Quang cảnh tại sân vận động tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quân Đội Nhân Dân.

     

  • Trước đó, ngày 5/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2014)”. Bộ tem bưu chính đặc biệt này gồm 1 mẫu tem không tràn lề khuôn khổ 43 x 32mm, với giá mặt tem là 3.000 đồng. Hình ảnh chính được thể hiện trên mẫu tem là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ và hình ảnh hoa ban - loài hoa đặc trưng của miền núi rừng Tây Bắc. Nền tem là trích đoạn bức phù điêu khắc họa toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ với những chiến công to lớn của quân và dân ta, cùng hình ảnh bầu trời trong xanh thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc. Đây là bộ tem thứ 7 được Bưu điện Việt Nam phát hành về đề tài kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN.

     

     

  • Lễ mit tinh, diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2014) đã chính thức bắt đầu tại Sân vận động trung tâm tỉnh Điện Biên.

     

  • Hình ảnh lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm trung tâm phòng ngự của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (sáng 7/5/1954). Ảnh tư liệu.

     

  • Trên nền nhạc của ca khúc Trái tim người chiến sĩ, các chiến sĩ xếp thành hình trái tim giữa sân vân động tỉnh Điện Biên.
  • Video khai mạc lễ diễu binh, diễu hành ở Sân vận động tỉnh Điện Biên.

  • Trận Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Liên hiệp Pháp.

  • Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954 của Việt Nam. Bằng thắng lợi quyết định này, lực lượng QĐND Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào tháng 5/1954, sau suốt 2 tháng chịu trận. Giữa trận này, quân Pháp đã gia tăng lên đến 16.000 người nhưng vẫn không thể chống nổi các đợt tấn công của QĐNDVN.

  • Trải qua 56 ngày đêm vượt qua mưa bom, bão đạn, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

  • 5 lá quân kỳ của các đại đoàn bộ binh 304, 308, 312, 316 và đại đoàn công pháo 351 trong nghi lễ kỷ niệm.

  • Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, như một Bạch Ðằng, một Chi Lăng, một Ðống Ða trong thế kỷ XX. Ảnh: Tuấn Mark.

  • Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong đoạn phim Những người làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đang được trình chiếu tại Lễ Mít tinh. Ông cũng chính là Tư lệnh chỉ huy của chiến dịch này.

     

  • Màn múa súng của các lực lượng vũ trang Việt Nam trong lễ kỷ niệm trên nền quân nhạc.

     

  • Hình ảnh nghiêm trang trong lễ rước quân kỳ. Ảnh: Tuấn Mark.

     

  • Quang cảnh Lễ Mít tinh tại sân vận động tỉnh Điện Biên trong sáng nay. Ảnh: Quân Đội Nhân Dân.

     

     

     

  • Bài hát Hò kéo pháo quen thuộc vang lên trong màn múa súng biểu diễn tại lễ kỷ niệm.
  • Theo nhận xét của các nhà lịch sử quốc tế và Việt Nam, Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện nét đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật quân sự truyền thống và là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Thắng lợi oanh liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu đỉnh cao phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

  • Trên phương diện quốc tế, trận đánh này có một ý nghĩa rất lớn: lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng bằng quân sự một quân đội của một cường quốc châu Âu. Được xem là một thảm họa bất ngờ đối với thực dân Pháp và cũng là một đòn giáng mạnh với thế giới phương Tây, đã đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp và buộc nước này phải hòa đàm và rút ra khỏi Đông Dương, các thuộc địa ở Châu Phi được cổ vũ cũng đồng loạt nổi dậy. Chỉ riêng trong năm 1960, 17 nước châu Phi đã giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho tất cả các nước là thuộc địa.

  • Phim tư liệu: Những người làm nên chiến thắng

     

  • Infographics chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Đồ họa: TTXVN.

     

  • Ngay từ sáng sớm 7/5, hàng ngàn người dân đã đến thắp hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Thời tiết tại Quảng Bình hôm nay nắng nhẹ, rất thuận lợi cho người dân và du khách đến viếng mộ Đại tướng trong ngày Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo Đội Biên phòng Bảo vệ khu mộ Đại tướng, từ 5h30 sáng 7/5 - 7h30 cùng ngày, đã có hơn 50 đoàn với khoảng hơn 1.000 lượt người đến Vũng Chùa. PV Văn Được cho biết từ Quảng Bình.

  • Nhà báo Jules Roy người Pháp đã viết: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200, 300 ký hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm nilông. Cái đánh bại tướng Navarre không phải là phương tiện mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”.

    Những chiếc xe đạp Thanh Hóa từng vào chiến trường Điện Biên

    “Tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”, Bác Hồ từng nhận xét như vậy.

     

  • Hàng vạn người đang có mặt trong và ngoài sân vận động trung tâm ở TP.Điện Biên, dõi theo những hình ảnh tái hiện ký ức hào hùng trên chiến trường Mường Thanh năm xưa. 
  • Các cựu chiến binh thắp hương viết Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa (Quảng Bình). Ảnh: Văn Được

  • "Dưới khẩu hiệu “Tất cả cho tiến tuyến! Tất cả để chiến thắng!”, trên các tuyến đường dài 400 - 500 cây số, hàng mấy chục vạn dân công, thanh niên xung phong với khí thế cải cách ruộng đất mang lại đã bất chấp mưa bom bão đạn của địch, ngày đêm bằng xe đạp thồ, xe trâu, ngựa thồ, bè mảng… chuyên chở lương thực, đạn dược ra tiền tuyến, liên tục bảo đảm hậu cần cho bộ đội ta trong suốt chiến dịch. Đây là một bất ngờ lớn đối với Bộ Tham mưu quân đội Pháp, vì chúng từng tính toán và cho rằng vấn đề hậu cần ở Điện Biên Phủ là vấn đề ta không thể nào giải quyết được", GS.TS Phạm Xuân Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

  • Trong những ngày tháng 5 lịch sử, ông Tuấn Linh (85 tuổi), người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, từ Sài Gòn ra thăm những đồng đội nằm xuống ở Nghĩa trang đồi A1 đã không ngăn được dòng nước mắt. Ông Linh là cán bộ tác chiến của sư 351 pháo binh, phụ trách đôn đốc trung đoàn 45 105 ly cơ giới đầu tiên, trung đoàn 675, 3 tiểu đoàn cối 106 120 ly và hoả tiễn chủ lực trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: Tuấn Mark.

     

  • Chương trình biểu diễn dài 20 phút, do Đại tá Ngô Chí Doanh làm Tổng đạo diễn; Thượng tá Đỗ Xuân Biểu xây dựng kịch bản và chỉ đạo nghệ thuật. Kết cấu chương trình gồm 4 màn: Bộ đội hành quân, Trái tim người chiến sĩ, Giải phóng Điện Biên và Ngày hội Tây Bắc. Ảnh: Quân Đội Nhân Dân. 

  • Chủ tịch Trương Tấn Sang vừa có bài diễn văn nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến thắng Điện Biên Phủ.

  • Hình ảnh từ sân vận động trung tâm tỉnh Điện Biên. Ảnh: Tuấn Mark.
  • "Tôi thừa nhận Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan. Tướng Giáp không chỉ tài giỏi hơn tôi, mà còn hơn cả Tướng Cogny và Tướng Navarre. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”, tướng De Castries.

     

  • Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Đại tá Phùng Văn Khầu, đại diện cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên Phủ, chia sẻ lại những khoảnh khắc lịch sử 60 năm về trước.

  • 8h10: Lễ Diễu binh - diễu hành chào mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ bắt đầu.
  • 5 lá quân kỳ trong lễ diễu binh. Ảnh: Tuấn Mark. 

  • Khối xe rước Quốc huy, ảnh Bác Hồ và biểu tượng chiến thắng Điện Biên Phủ diễu hành qua Lễ đài.


     

  • Video khai mạc lễ diễu binh qua hành trình dài 5 km.
  • Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, rước Quân kỳ tiến qua lễ đài.
  • Tham gia chương trình diễu binh, diễu hành gồm có Khối nghi trượng, lực lượng diễu binh (14 khối) và lực lượng diễu hành (13 khối). Trong ảnh là khối Chiến sĩ đặc với truyền thống "Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm, thắng lớn" đang diễu hành qua Lễ đài.

     

  • Tái hiện hình ảnh những người lính mặc áo trấn thủ, đội mũ đan lưới ngụy trang trong trận đánh lịch sử năm xưa. Ảnh: Tuấn Mark.
  • Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để đồng bào, chiến sĩ cả nước ôn lại truyền thống hào hùng, bất khuất của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ tổng tư lệnh, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ảnh: Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chào mừng các khối diễu binh.

  • Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 7/5, Đại diện Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình, lực lượng cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ Bảo vệ khu mộ và đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến dâng hoa, làm lễ viếng Đại tướng. Ảnh: Văn Được.


     

  • Những nữ quân nhân nghiêm trang duyệt binh qua lễ đài.
  • Tham dự lễ diễu hành, diễu binh trong sáng 7/8, bên cạnh các lực lượng quân đội, công an, du kích, dân quân tự vệ,… còn có khối nhân dân các dân tộc  tỉnh Tây Bắc: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái và Lào Cai.

  • Đồng bào các dân tộc Tây Bắc cầm súng trong trận Điện Biên Phủ.
  • Những ngày này, nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường Hoàng Diệu (Hà Nội) luôn rộng cửa đón chào người dân vào viếng ông, PV Phương Trà thông tin.

  • Các khối lực lượng vũ trang tiếp tục diễu binh qua các đường phố ở thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Tuấn Mark.
  • Nến và hoa trải suốt con ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội. Ảnh: Phương Trà.

     

  • Mốc thời gian lịch sử ngày 7/5/1954 được các sinh viên ghi dấu ấn trong khuôn viên nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong đêm 6/5/2014 - 60 năm sau. Ảnh độc giả N.H.

     

  • Đoàn diễu binh - diễu hành đi qua chiều dài của đường Võ Nguyên Giáp, trục đường lớn của thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Tuấn Mark.
  • Múa hát chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ.
  • Quốc kỳ tung bay khi đoàn diễu hành cuối cùng đi qua lễ đài. 
  • Lúc này, tại nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, khá nhiều người dân và quân nhân tìm đến để chia sẻ ký ức lịch sử và tri ân trước anh linh người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.
  • Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng kết về chiến dịch Điện Biên Phủ: “Dân tộc ta có thể tự hào rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta đã chứng minh một chân lý vĩ đại. Chân lý đó là trong thời đại ngày nay một dân tộc thuộc địa bị áp bức, khi đã biết đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng quân đội xâm lược hùng mạnh của một nước đế quốc chủ nghĩa".

  • Sau khi rời sân vận động, đoàn diễu hành tiến về các con đường ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ trong tiếng hò reo của hàng vạn người dân.  Ảnh: Hoàng Hà - Anh Tuấn.

  • Hình ảnh tái hiện khoảnh khắc khải hoàn của quân dân Việt Nam sáng 7/5/1954. Ảnh: Hoàng Hà - Anh Tuấn.
    Hình ảnh tái hiện khoảnh khắc khải hoàn của quân dân Việt Nam sáng 7/5/1954. Ảnh: Hoàng Hà - Tuấn Mark.
    Hình ảnh tái hiện khoảnh khắc khải hoàn của quân dân Việt Nam sáng 7/5/1954. Ảnh: Hoàng Hà - Tuấn Mark.
  • Các khối vũ trang thể hiện sự oai nghiêm trên đường phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Anh Tuấn.  
  • “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
    Chiến sĩ anh hùng, đầu nung lửa sắt
    56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
    Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn!
    ...Những bàn tay xẻ núi lăn bom
    Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện
    Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến
    …Dù bom đạn xương tan thịt nát
    Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…"

                                                    - Tố Hữu. 

  • Đến 10h sáng 7/5, đã có hơn 170 đoàn với khoảng hơn 2.000 lượt người đến thắp hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - đảo Yến nhân Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn Được.


     

  • Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoanh (70 tuổi, nguyên là cán bộ Tham mưu binh trạm 14 Công binh) đến Vũng Chùa cùng bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp chung với Đại đội Nữ thanh niên xung phong. Ảnh: Văn Được.


     

Nhóm PV

Bạn có thể quan tâm