"Nhà vệ sinh dơ, bốc mùi. Không những mất mỹ quan đô thị mà còn khiến người dân có trải nghiệm không hài lòng", bà Thu Thủy (45 tuổi) phàn nàn trước tình trạng nhà vệ sinh công cộng thiếu và không đảm bảo chất lượng.
Sống tại một thành phố lớn, bà Thủy chưa bao giờ nghĩ phải rơi vào cảnh "đỏ mắt" đi tìm nhà vệ sinh. Trong khi đó, TP.HCM cũng vừa nhận xếp hạng 67/69 thành phố du lịch có nhà vệ sinh công cộng kém chất lượng.
Nhu cầu cấp thiết của người dân, du khách không được giải quyết kéo theo những hệ lụy trong việc phát triển đô thị và du lịch.
Nhếch nhác
Bước vào nhà vệ sinh công cộng trên đường Hàm Nghi (quận 1), bà Thu Thủy choáng váng bởi mùi hôi khó chịu. Khu vực xung quanh nhà vệ sinh bốc mùi, không được dọn dẹp thường xuyên. Phòng vệ sinh nhỏ với các thiết bị hoen gỉ, hư hỏng, nước thải rò rỉ ra ngoài.
"Tìm nhà vệ sinh công cộng đã khó, mà có thì cũng trông hãi hùng", nữ tài xế xe công nghệ rầu rĩ cho biết công việc của bà thường xuyên đi ngoài đường, phải chấp nhận cảnh đi nhờ các nhà vệ sinh công cộng dù xuống cấp, tạm bợ, nhếch nhác.
Tương tự như nhà vệ sinh tại đường Hàm Nghi, các điểm tại công viên Gia Định, công viên Lê Thị Riêng, một số bến xe và trên các tuyến đường Lê Hồng Phong, Võ Văn Ngân,... cũng chung tình trạng cũ kỹ, bong tróc khiến người dân e dè.
Nhà vệ sinh công cộng trên đường Hàm Nghi (quận 1) nhếch nhác, cũ kỹ. Ảnh: Chí Hùng. |
Chạy xe ôm hơn 4 năm, bà Thủy cho hay vẫn có những nơi tươm tất và thuận tiện như nhà vệ sinh tại một số cây xăng, các công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, tầng hầm phố đi bộ Nguyễn Huệ...
Những điểm trên sạch sẽ, có lối đi riêng cho người khuyết tật và không tốn phí. Tuy nhiên, số này không đủ để phân bố đồng đều trên địa bàn thành phố và đáp ứng nhu cầu thực tế.
“Không phải lúc nào cũng tiện đường chạy vài km để tới đó, nhất là khi cần giải quyết nhu cầu cấp thiết. Vì vậy tìm nhà vệ sinh trở thành nỗi ám ảnh của người sử dụng”, bà Thủy nói.
Chung quan điểm, anh Phan Tú (32 tuổi, quận 3) cho rằng nhà vệ sinh là công trình ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Ngoài việc xây dựng và quản lý, ý thức của người dân cũng đóng một vai trò lớn.
“Chưa bàn đến thiết kế đạt chuẩn, người dân như tôi mong có một nơi đảm bảo vệ sinh, sạch và có đủ vật dụng cần thiết và có người dọn dẹp thường xuyên”, anh Tú nói và cho rằng cần có cơ chế quản lý, nâng cao ý thức giữ vệ sinh chung tại các khu vực này.
Vắng bóng nhà vệ sinh
TP.HCM là đô thị có hơn 10 triệu dân nhưng chỉ có hơn 200 nhà vệ sinh công cộng. Tỷ lệ chênh lệch này gây ra không ít bất tiện, khó khăn cho người dân, du khách.
Các khu vực đông khách tham quan, sầm uất như công viên Bến Bạch Đằng, nhà thờ Đức Bà, đường sách TP.HCM… đều vắng bóng nhà vệ sinh công cộng. Khách tham quan chịu chung cảnh “nhịn” hoặc buộc phải vào của các cửa hàng dịch vụ lân cận.
Trong khi đó, nhiều nhà vệ sinh luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài'”. Khu vực trạm xe buýt Bến Thành (quận 1) được đặt 2 điểm với 4 nhà vệ sinh. Tuy nhiên 3 trong 4 đã hư hỏng, không thể sử dụng. Tại góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Quý Đôn (quận 1), một nhà vệ sinh cũng đã tạm ngưng hoạt động.
Nhiều nhà vệ sinh công cộng đóng cửa trong khi du khách phải đi hơn 1 km để tìm nhà vệ sinh có trả phí. Ảnh: Chí Hùng - Ngọc Trang. |
Là một điểm du lịch hút khách thế nhưng người dân đến phố đi bộ Bùi Viện (quận 1) phải đi gần một km đến chợ Thái Bình hoặc công viên 23/9 nếu muốn tìm nhà vệ sinh công cộng. Khu vực toilet nằm sâu hun hút ở cuối chợ, khách vãng lai mất nhiều thời gian tìm kiếm vì khó xác định được vị trí.
Ngay cửa nhà vệ sinh, một nhân viên ngồi đợi để thu tiền và phát giấy cho người dân. Nhà vệ sinh đặt bảng giá công khai 5.000 đồng/lượt. Chưa kể, nếu người dân đi xe máy còn phải trả thêm 6.000 đồng gửi xe để vào chợ.
Anh Lukas Bednar (27 tuổi, du khách đến Bùi Viện) tỏ ra bất ngờ khi thấy một điểm thu hút lượng lớn người nước ngoài tại trung tâm thành phố lại không bố trí nhà vệ sinh.
“Sau vài lần, tôi rút kinh nghiệm nên giải quyết nhu cầu tại khách sạn trước khi ra đường nếu không muốn gặp một cuộc khủng hoảng gọi là đi tìm nhà vệ sinh mà không thể thấy”, anh Lukas nói.
Không chỉ riêng khách du lịch mà ngay cả người dân sống lâu năm tại thành phố, dù đã thuộc lòng nhiều tuyến đường, ngõ hẻm vẫn "bó tay" trước cảnh tìm nhà vệ sinh công cộng.
“Ra khỏi nhà tìm nhà vệ sinh như đi tìm của hiếm. Tôi thường ghé vào quán cà phê dọc đường, gọi nước để… đi nhờ nhà đi vệ sinh. Tốn vài chục nghìn để đi vệ sinh là có thật”, anh Phan Tú lắc đầu thở dài.
7 năm trước, TP.HCM từng có đề án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và du khách, xây dựng thành phố văn minh. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, phương án vẫn chỉ nằm trên giấy, đa phần dự án dừng lại ở mức thí điểm.
Đánh giá được tầm quan trọng của nhà vệ sinh công cộng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh "không thể chấp nhận việc ở thành phố thế này lại để xảy ra tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng". Đồng thời, lãnh đạo TP.HCM đề nghị các quận, huyện rà soát, công bố rõ danh sách nhà vệ sinh công cộng để người dân tiếp cận.
Những cuốn sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.