Chiều 24/1 (mùng 3 Tết), tại nhà vệ sinh công cộng nằm sát bờ hồ Gươm, nhiều du khách phải xếp hàng dài chờ đợi do nhà vệ sinh công cộng quá tải.
Nhà vệ sinh này nằm gần cây lộc vừng 9 gốc, đối diện Tổng công ty điện lực Hà Nội, là nhà vệ sinh công cộng có 4 phòng và nằm gần hồ Gươm nhất.
Người dân xếp hàng chờ đi vệ sinh tại hồ Gươm chiều mùng 3 Tết (24/1). Ảnh: Mỹ Hà. |
Cùng gia đình 4 thành viên đến hồ Gươm du xuân, ông Nguyễn Xuân Thái (Đống Đa, Hà Nội) lắc đầu ngao ngán khi thấy một điểm thu hút du khách lớn của thủ đô lại không bố trí đủ nhà vệ sinh, để xảy ra tình cảnh bất tiện này.
Phía bên ngoài nhà vệ sinh, một nhân viên mặc đồng phục URENCO (Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) hướng dẫn người dân đứng xếp hàng và nhắc nhở họ đóng góp tiền sau khi đi vệ sinh. Có một chiếc rổ đựng tiền và giấy vệ sinh đặt bên ngoài. Khi du khách còn ngần ngại chưa biết đặt bao nhiêu tiền, nữ nhân viên nhắc "3.000 đồng một lượt".
Chưa dừng lại ở việc phải chờ đợi, khi đến lượt mình bước vào phòng, nhiều du khách nam bất ngờ khi nhân viên quản lý đề nghị 2 người dùng chung một phòng để giải tỏa nhanh ùn tắc. Theo quan sát, mỗi phòng được thiết kế một bồn tiểu nam và một bồn cầu bệt, tuy nhiên sẽ rất chật chội nếu 2 nam giới cùng sử dụng.
Hồ Gươm thu hút lượng lớn du khách trong những ngày đầu xuân. Ảnh: Thụy Trang. |
UBND quận Hoàn Kiếm cho biết khu vực xung quanh hồ Gươm được bố trí 6 nhà vệ sinh công cộng tại phố Lê Lai (đối diện Cung Thiếu nhi Hà Nội); bên bờ hồ (cây Lộc Vừng 9 gốc); đường đôi Đinh Tiên Hoàng; số 8 Lê Thái Tổ và số 29 Hàng Khay.
Đa số nhà vệ sinh nằm trong ngõ và ở bên kia đường nên du khách không dễ xác định được vị trí. Trên vỉa hè bờ hồ chỉ có duy nhất nhà vệ sinh cạnh cây lộc vừng 9 gốc nên địa điểm này thường xuyên quá tải.
Một số du khách ngại xếp hàng chờ đợi đã chọn cách sử dụng dịch vụ tại các nhà hàng, quán cà phê xung quanh hồ Gươm rồi tranh thủ đi vệ sinh.
Sách hay về đô thị
Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.
Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.