Thẩm phán Dixit cho rằng tuyên bố của nạn nhân "có chút khó tin" và ông tiếp tục hỏi người phụ nữ tại sao lại "đến văn phòng vào ban đêm, lúc 23h"; tại sao cô "không từ chối uống với người đàn ông đó"; và tại sao cô lại cho phép anh ta "ở lại với cô cho tới khi trời sáng".
"Người phụ nữ giải thích rằng sau khi thực hiện hành vi đó, cô cảm thấy mệt và ngủ thiếp đi. Đây là lời giải thích không thích đáng của một phụ nữ Ấn Độ", thẩm phán này nói, nhận xét thêm rằng đây "không phải cách phản ứng của phụ nữ đất nước chúng tôi khi họ bị hãm hiếp", theo BBC.
Tội phạm tình dục là vấn đề nhức nhối ở Ấn Độ trong những năm qua. Ảnh: AFP. |
Tuyên bố của thẩm phán Dixit châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ. Người chỉ trích chất vấn rằng liệu có "quy tắc" hay "hướng dẫn" nào để cư xử như một nạn nhân bị hãm hiếp hay không. Người dùng mạng xã hội nước này còn chia sẻ rộng rãi hình minh họa chế nhạo về "Hướng dẫn của một thẩm phán Ấn Độ để trở thành nạn nhân bị cưỡng hiếp lý tưởng".
Aparna Bhat, luật sư cấp cao có trụ sở tại Delhi, đã viết thư ngỏ tới chánh án Ấn Độ và ba nữ thẩm phán của Tòa án Tối cao để đáp lại phán quyết.
"Có giao thức nào được viết trong luật cho nạn nhân tuân theo sau khi bị cưỡng hiếp không? 'Phụ nữ Ấn Độ' có phải là tầng lớp cá biệt có tiêu chuẩn khác sau khi bị cưỡng hiếp hay không?", luật sư này viết và cho biết thêm tuyên bố của Thẩm phán Dixit "cho thấy sự kỳ thị phụ nữ tồi tệ nhất".
Những vụ cưỡng hiếp và tội phạm tình dục trở thành tâm điểm chú ý ở Ấn Độ kể từ tháng 12/2012, sau khi một phụ nữ bị hãm hiếp tập thể trên xe buýt, khiến làn sóng biểu tình lan rộng.
Theo thống kê của chính phủ, mỗi năm có hàng nghìn vụ cưỡng hiếp xảy ra ở Ấn Độ và con số này đã tăng lên trong những năm qua. Số liệu mới nhất từ Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia cho thấy có 33.977 vụ hiếp dâm được trình báo vào năm 2018, nghĩa là trung bình cứ sau 15 phút thì có một vụ hiếp dâm.