Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dở khóc dở cười chuyện hát karaoke

Có người hôm trước mới than vãn bị nhà hàng xóm tra tấn karaoke thì vài hôm sau cũng cất giọng. Cũng có những trường hợp xảy ra xô xát chỉ vì trót say mê chiếc micro.

"Cho con gánh mẹ một lần, cả đời mẹ đã tảo tần gánh con/Cho con gánh mẹ đầu non, cả lòng mẹ đã gánh con biển trời..."

Điệp khúc này đã được giọng ca bất đắc dĩ nhà hàng xóm của Thảo Nhi hát đi hát lại 4 lần. Nhi thở dài rồi buột miệng: "Mẹ ổng ngồi trong nhà chứ đi đâu mà cứ đòi gánh mẹ bữa này qua bữa nọ. Đang giữa trưa, phiền dễ sợ".

Không chỉ một ngày, suốt 5 mùng Tết Nguyên đán vừa qua, hàng xóm ở phường 25, quận Bình Thạnh (TP.HCM) đều đặn tặng cho nhà Nhi và những hộ xung quanh chương trình karaoke xuyên Tết, nghêu ngao ngày này qua ngày khác.

Và Thảo Nhi cũng không phải là nạn nhân hiếm hoi của vấn nạn hát karaoke này.

"Tra tấn" qua lại

Ngày xưa, muốn hát karaoke là mỗi nhà sẽ sắm một chiếc đầu đọc DVD rồi kết nối với tivi. Việc giải trí được tiến hành ngay tại gia. Ngày nay, chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối Internet, một chiếc loa vừa đủ là ngồi ở nơi đâu cũng có thể thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc.

xu ly karaoke tu phat anh 1

Nhiều người không chỉ hát trong nhà mà còn dọn bàn ghế ra giữa đường để hát karaoke. Ảnh: Thư Trần.

Hát với loa kẹo kéo, không bao giờ người ta quay loa vào nhà mình. Phần lớn các gia đình sợ ồn nên khi hát đóng kín cửa và quay loa hướng ra ngoài đường, về phía nhà hàng xóm.

Bực bội vì bị nhà đối diện tra tấn karaoke sau 22h, Minh Hiếu (30 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) lên Facebook đăng dòng status: "Làm cách nào để hàng xóm không còn Đắp mộ cuộc tình nửa đêm nhỉ?".

Những tưởng dòng trạng thái sẽ khiến thành viên nào trong nhà hàng xóm của Hiếu đọc được mà ý thức giảm âm lượng lại. Nhưng không, một giờ trôi qua, đồng hồ điểm 23h, chiếc loa kẹo kéo đó vẫn đều đặn phát ra âm thanh.

"Mỗi thứ trong đời, điều chi cũng có cho nó riêng một giới hạn...". Hiếu ước là nhà hàng xóm biết được "giới hạn" của việc hát karaoke như lời ca khúc đang được cất lên.

Nhưng điều trớ trêu là 3 ngày sau, cha mẹ của Hiếu tổ chức tiệc tại nhà. Và chuyện gì đến cũng đến.

"Alo alo, 1 2 3 4 5...". Giọng của cha Hiếu thử micro. Ngay sau đó, 6 người lớn ngồi tụ lại trước cái màn hình tivi. Lần lượt từng ca khúc được chọn: Mưa đêm tỉnh nhỏ, Chuyến tàu hoàng hôn, Tàu anh qua núi,...

Lúc này, Hiếu mới thực sự thông cảm với người hàng xóm của mình.

"Thật ra mình vẫn hiểu việc hát karaoke không xấu. Nó còn đem đến niềm vui, phấn chấn sau khoảng thời gian học tập, lao động mưu sinh đầy căng thẳng, vất vả. Thế nhưng, nhiều cá nhân, gia đình tổ chức hát karaoke và hò hét liên tục từ sáng đến khuya, loa mở hết công suất bất chấp hàng xóm thì là một sự ám ảnh", Hiếu bày tỏ.

Còn với Bình Lộc (27 tuổi, ngụ Bình Dương) thì anh đã suýt xảy ra xô xát với "hung thần" karaoke.

Chuyện là vợ chồng Lộc làm công nhân nên sống trong dãy nhà trọ với nhiều người khác. Anh chàng ở phòng trọ sát Lộc có sở thích hát karaoke vào trưa chủ nhật hàng tuần.

Hôm đó con của Lộc bị sốt nên khóc nhè suốt, bản thân anh đã mệt mỏi. Cộng thêm việc nhà ở cạnh cứ nghêu ngao với âm lượng lớn nên Lộc bực tức đã chạy sang lớn tiếng.

"Tôi đi qua nói anh ta ngưng hát cho mọi người còn nghỉ trưa. Lúc đó thật sự tôi chỉ muốn đánh nhau một trận vì bực quá. May sao lúc đó người này vẫn tỉnh táo nên xin lỗi rồi ngưng hát luôn. Nếu lúc đó anh ta có bia rượu, dùng dằng thì chắc đã xảy ra xô xát rồi", Lộc thuật lại.

Làm nghiêm sẽ khác

Giữa tháng 2, ông Jason Harvey (50 tuổi, ở London, Anh) bị tòa án tuyên phải đóng phạt 2.748 bảng Anh (88 triệu đồng) vì tra tấn hàng xóm bằng karaoke. Hàng xóm của ông này đã gửi khoảng 150 đơn khiếu nại về hành vi của Jason Harvey. Chính quyền đã nhiều lần nhắc nhở, cho ông đủ cơ hội để thay đổi hành vi nhưng ông này vẫn cứ tiếp tục hát.

Ở Việt Nam, pháp luật cũng quy định người dân có thể làm đơn gửi chính quyền để phản ánh hoặc khởi kiện việc hàng xóm gây ồn ào. Mặc dù vậy, tính đến nay gần như chưa có vụ kiện nào liên quan đến việc hát karaoke được đem ra phân xử.

Song, những vụ ẩu đả, án mạng liên quan đến những chiếc micro thì xảy ra khá nhiều. Hậu quả là người bị thương, người mất mạng, người ngồi tù.

xu ly karaoke tu phat anh 2
Hát karaoke bằng loa kẹo kéo là vấn nạn tồn tại nhiều năm tại TP.HCM. Ảnh: Hải An.

Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong với chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn năm 2021 vừa qua, Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương quyết liệt xử lý tình trạng karaoke tự phát gây khổ cho người dân.

"Người dân đi làm cả ngày, tối còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được. Các địa phương, sở ngành cần thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Phải thấy đây là vấn đề nhức nhối, chứ không phải là chuyện bình thường", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Quỳnh Như (30 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) - người từng xuất hiện trong bài viết của Zing để than vãn về tình trạng hàng xóm tổ chức karaoke - hưởng ứng việc xử lý nghiêm vấn nạn này. Cô cũng vui mừng thông báo gần một năm qua cô hoàn toàn được yên bình ngủ ngon vào mỗi đêm.

Thời gian trước, nhà đối diện của Như thường hát karaoke vào cuối tuần, có khi vui họ lại đổi lịch thành một ngày bất chợt trong tuần. Cứ khoảng 21h, dàn âm thanh được khởi động. Những "ca sĩ bất đắc dĩ" quây quần bên vài chiếc bàn ghép lại được bày ra ngay bên đường, cạnh đó là chiếc loa lớn phát âm thanh. Họ hát qua bluetooth kết nối từ điện thoại smartphone.

Đủ thể loại nhạc được bật lên, từ pop, bolero đến rock... Những giọng ca với âm lượng lớn nhất được cất lên. Những người hàng xóm của Như nhảy nhót tưng bừng để hòa theo ca khúc sôi động.

"Tôi không biết có phải do phản ánh của tôi trên Zing hay chính quyền có nhắc nhở gì không mà từ sau đó họ không còn hát hò nữa. Họ vẫn có tụ tập ăn nhậu buổi tối nhưng tuyệt nhiên không còn cất giọng. Dù lý do gì thì tôi rất mừng vì sự bình yên này. Mong rằng nhiều người sẽ ý thức được việc hát hò sẽ vui vẻ cho cả những người xung quanh nếu nó diễn ra không quá dày đặc và vào những khung giờ hợp lý ", Như chia sẻ.

Anh Trần Phú Quý (chủ quán ăn trên đường Phan Xích Long) cho biết mỗi dịp Tết về quê, anh cùng gia đình luôn phải nghe những chương trình văn nghệ karaoke của nhiều hàng xóm xung quanh. Có ngày tới hai nhà cùng cất giọng, nhạc bài này lẫn vào bài khác.

Thế nhưng, với anh Quý, việc hát hò vào ngày Tết thì có thể chấp nhận được. Còn ngày thường mà hát bất kể giữa trưa hay đêm khuya thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm.

"Hát hò là nhu cầu thư giãn, giải trí bình thường của con người. Nhưng nếu quá lạm dụng thì sẽ trở thành nỗi ám ảnh, phiền phức cho người xung quanh. Vấn nạn này bao nhiêu năm nay rồi nhưng vẫn không thấy có biện pháp xử lý. Lần này Chủ tịch UBND TP lên tiếng, mong là sẽ có những giải pháp triệt để hơn", anh Quý nói.

TP.HCM sẽ giải quyết dứt điểm karaoke tự phát

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết lãnh đạo thành phố và các sở, ngành sẽ phân tích từng hành vi sai phạm trong karaoke tự phát và đưa ra hướng xử lý chung cho địa bàn.

Tại sao không thể dùng app đo tiếng ồn để xử lý ô nhiễm từ karaoke?

Luật sư cho rằng việc sử dụng ứng dụng di động (app) thay thế thiết bị chuyên dụng để đo tiếng ồn là không đúng luật. Sở KHCN thì nhận định app sẽ cho kết quả không chính xác.

Chủ tịch TP.HCM chỉ đạo khẩn về xử lý karaoke tự phát

Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành cùng UBND các cấp thực hiện, hoàn thiện ngay những giải pháp trước mắt và lâu dài để xử lý vi phạm tiếng ồn do karaoke tự phát.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm