Vấn nạn hát karaoke tự phát bằng loa kéo tại các khu dân cư đã tồn tại từ lâu tại TP.HCM. Dù đã có những quy định pháp luật cụ thể trong xử lý những vi phạm về tiếng ồn, tuy nhiên, các cấp chính quyền vẫn gặp khó khăn trong việc áp dụng.
Ngoài ra, việc liên quan đến nhiều lĩnh vực gồm công thương, văn hóa, an ninh trật tự, môi trường khiến tiếng ồn từ những chiếc loa kéo vẫn chưa được xử lý dứt điểm tại TP.HCM.
"Vấn đề này sẽ được giải quyết dễ dàng khi xem xét lại các vấn đề liên quan và đưa ra một hướng xử lý nhất quán. Hiện tại, ngay cả các sở cũng chưa xác định được rõ trách nhiệm của ai", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trao đổi với Zing.
Có công cụ cũng khó xử lý
Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định hát karaoke làm ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền. Trong trường hợp hát karaoke ngoài khoảng thời gian nêu trên nhưng gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 2 dBA trở lên sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 155/2016.
Ông Phan Đình An, Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp, cho biết hiện nay, lực lượng chức năng phụ trách công tác xử lý tiếng ồn trên địa bàn gần như không thể áp dụng các biện pháp, chế tài trong xử lý các sự việc hát karaoke tự phát. Lực lượng chức năng không thể lập biên bản khi có vi phạm xảy ra do thiếu công cụ đo độ ồn.
Hát karaoke bằng loa kéo, loa thùng gây ồn tại khu dân cư là vấn nạn kéo dài tại TP.HCM. Ảnh: P.M. |
Tuy nhiên, ngay cả khi có máy đo tiếng ồn, việc xử lý vấn nạn hát karaoke tự phát tại khu dân cư cũng gặp không ít trở ngại.
Tại quận Bình Tân, nơi có dân số lớn nhất trong các quận, huyện của TP.HCM, lực lượng chức năng mới chỉ xử lý được 2 vụ việc hát karaoke tự phát với mức phạt 200.000 đồng từ đầu năm tới nay. Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết dù mỗi phường đã được trang bị máy đo độ ồn đạt chuẩn, nhưng quận hầu như chỉ áp dụng được biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở đối với những vụ việc gây tiếng ồn lớn nơi dân cư, khu vực công cộng.
"Cái khó của quận là khi nhận được phản ánh về tình trạng hát karaoke gây tiếng ồn lớn, lực lượng chức năng tới nơi thì họ đã kịp tắt hoặc mở nhỏ tiếng. Như vậy, nhà chức trách chưa đủ điều kiện để xử lý những vi phạm", lãnh đạo quận Bình Tân chia sẻ với Zing.
Biện pháp trước mắt của quận Bình Tân là truyền thông, nhắc nhở người dân, hộ dân xung quanh để hạn chế ảnh hưởng trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, những nơi được phản ánh thường xuyên gây tiếng ồn sẽ phải viết cam kết.
Ông Vũ Văn Khoa, Chủ tịch UBND quận 10, cho hay việc xử lý tiếng ồn vượt mức và hát karaoke tự phát vẫn được thực hiện từ trước tới nay. Tuy nhiên, để xử lý triệt để vấn đề trên, quận đang chờ UBND TP.HCM đưa ra một mô hình chính thức, áp dụng cho tất cả quận, huyện.
"Hiện tại, các quận, huyện vẫn có những đợt ra quân, xử lý tuy nhiên mỗi nơi có một cách thức, mô hình khác nhau. UBND TP đang xác lập rõ từng hành vi sai phạm và phân công nhiệm vụ từng cá nhân, đơn vị để tổ chức ra quân một cách bài bản hơn", Chủ tịch UBND quận 10 thông tin.
Máy đo tiếng ồn không quá quan trọng
Nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn karaoke tự phát gây ảnh hưởng tới đời sống người dân, Chủ tịch UBND TP.HCM đã phân công Phó chủ tịch Võ Văn Hoan định hướng các Ủy viên UBND TP.HCM xây dựng những giải pháp lâu dài về pháp luật và phương án vận động người dân.
Trao đổi với Zing, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh để xử lý hành vi hát karaoke tự phát, gây tiếng ồn lớn, lực lượng chức năng không nhất thiết phải đo tiếng ồn. Ông Hoan phân tích người hát karaoke gây ảnh hưởng tới người dân, khu vực công cộng có nhiều hành vi vi phạm, không chỉ vi phạm về tiếng ồn.
"Hát karaoke tự phát, gây ảnh hưởng tới người khác có rất nhiều sai phạm, TP còn nhiều cách xử lý. UBND TP và các sở, ngành sẽ ngồi lại và làm rõ việc hát karaoke tự phát gây tiếng ồn lớn có bao nhiêu hành vi vi phạm, từng vi phạm có thể xử lý theo quy định pháp luật nào", ông Võ Văn Hoan nêu giải pháp.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận định xử lý karaoke tự phát không nhất thiết phải đo tiếng ồn. Ảnh: Thu Hằng. |
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, sau khi có phương án, giải pháp thống nhất, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra đối với một số địa điểm được lựa chọn. Các quận, huyện, phường, xã sẽ xử lý những điểm nóng về vi phạm tiếng ồn do mình phụ trách.
"Người dân ca hát gây tiếng ồn, lực lượng chức năng có thể dùng biện pháp nhắc nhở, các cộng đồng dân cư sẽ bàn bạc nội bộ do liên quan đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, thành phố sẽ xử lý nghiêm những nhà hàng không có chức năng ca hát nhưng lại có vi phạm", Phó chủ tịch UBND TP.HCM nêu định hướng.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đánh giá vấn nạn về karaoke loa kéo đã được phản ánh tới HĐND và chính quyền thành phố trong năm 2020. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý đến hiện tại chưa đủ mạnh, đủ sức răn đe để giải quyết triệt để.
"Chính quyền có những quy định cụ thể về vấn đề này nhưng chưa thể áp dụng hoặc chưa đủ mạnh. Hy vọng thời điểm này, khi chính quyền đã thu thập đủ thông tin và thời điểm những bức xúc của người dân đủ nhiều, những giải pháp, biện pháp, đề xuất hợp lý sẽ được đưa ra nhằm tránh tái diễn hiện tượng này", bà Tô Thị Bích Châu chia sẻ.
Sau thời gian dài nhận được phản ánh về tình trạng hát karaoke bằng loa kéo, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản khẩn chỉ đạo các sở, ngành và người đứng đầu các quận, huyện, TP Thủ Đức, về việc tăng cường xử lý vi phạm tiếng ồn từ karaoke tự phát trong khu dân cư.
Theo đó, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với các Ủy viên UBND TP.HCM và lãnh đạo các sở, ngành tham mưu, đề xuất với Chủ tịch UBND TP.HCM những nhóm giải pháp. Công việc này cần hoàn thành trước ngày 31/3.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM đề nghị 2 nhóm giải pháp cần hoàn thành gồm: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động quần chúng giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.