Chú Hỏa (Hui Bon Hoa) và các con. Ảnh: TL. |
Phương ngữ Nam Kỳ có câu “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” để chỉ 4 nhà giàu nhất Nam Kỳ lục tỉnh xưa. Ngoài câu trên, trong dân gian ở đất Sài Gòn xưa cũng có câu “Nhất Hỏa, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích” để chỉ 4 người gốc Hoa giàu có nhất ở khu Sài Gòn - Chợ Lớn, mà “quán quân” là chú Hỏa.
Từ người mua bán ve chai đến đại phú có bất động sản lớn nhất
Theo tác giả Vương Hồng Sển (sách Sài Gòn năm xưa) chú Hỏa là tục danh (người miền Nam thường gọi thân mật những người Hoa là “chú”), còn có tên thật là Hui Bon Hoa (ký âm theo Pháp ngữ, sau khi nhập Pháp tịch). Sơ khởi chú Hỏa hùn hạp với một người Pháp thầu khuyếch trương các tiệm cầm đồ (Mont de piété) trong Nam Kỳ và buôn bán bất động sản. Về sau rã hùn, được chia một số tiền to lớn và làm chủ vĩnh viễn các sản nghiệp đất cát miền Lục Tỉnh.
Còn tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang (sách Sài Gòn vang bóng) thì cho biết ông có cơ duyên gặp người cháu ruột đời thứ 3 của Chú Hỏa (Dominique Hui Bon Hoa tại Đà Lạt năm 1968) và một người cháu khác (bác sĩ Guy Hui Bon Hoa từ Bordeaux về thăm lại nguyên quán năm 1991) và được họ kể, ông của họ, Hui Bon Hoa (1845-1901) là người gốc Phúc Kiến, tên thật là Huỳnh Văn Hoa, tên Pháp là Jean Baptiste Hui Bon Hoa.
Hui Bon Hoa là cách phiên âm của Huỳnh Văn Hoa theo phương ngữ Phúc Kiến, sau này bị người ta gọi nhầm thành Hứa Bổn Hòa. Hui Bon Hoa và những người con hay cháu sau này đều mang cái tên họ Hui Bon Hoa, chỉ khác là có tên Pháp đứng đằng trước. Dòng họ Hui Bon Hoa sau đó đã sang Pháp, Đài Loan, Hong Kong, Anh và Mỹ, nhưng đa số là ở Pháp vì trụ sở chính ở đây.
Chú Hỏa bắt đầu bằng nghề mua bán ve chai với một đôi quang gánh và vài đồng bạc giắt lưng từ Phúc Kiến sang Nam Kỳ (cũng có tư liệu nói ban đầu chú là thợ dạo mua bán đồ lạc xoong (đồ cũ hết đát) đem sửa rồi bán lại). Khi có chút vốn liếng, chú mua căn nhà ở gần cầu Ông Lãnh làm vựa thu mua ve chai của những người đồng hương.
Vài năm sau đó, chú lại mua thêm mấy căn nhà mặt phố và mở rộng cửa hàng lớn hơn. Sau tiền đẻ ra tiền, chú Hỏa làm thêm nghề cho vay lãi. Rồi chú mua đất, mua nhà cho thuê ở khu Cầu Ông Lãnh và khu Chợ Lớn, lại mở thêm tiệm cầm đồ. Ngoài ra chú còn góp cổ phần mở thêm công ty địa ốc với một người Pháp.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp (sách Lịch sử doanh nghiệp và công thương nghiệp ở Sài Gòn và Nam Kỳ từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1945) công ty cầm đồ (mont de piété) của ông Hui Bon Hoa và ông Ogliastro (Hui Bon Hoa & Ogliastro) có các cửa tiệm cầm đồ ở các tỉnh thành Nam Kỳ. Ngoài ra, sau này công ty còn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Trụ sở của công ty ở số 97 rue d’Alace Lorraine (nay là Phó Đức Chính).
Một số sách về Sài Gòn xưa cho thấy độ giàu có của ông Hui Bon Hoa. |
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp (sách Sài Gòn và Nam Kỳ trong thời kỳ canh tân 1875-1925), trong những 1890, chú Hỏa đã mua nhiều lô đất ở đầm Boresse (người Việt gọi là Bồ Rệt) do chính phủ bán với điều kiện phải xây 2 năm các nhà theo kiểu Âu ở đây. Nhờ việc mua những lô đất này mà khi thành phố xây dựng Chợ mới Bến Thành, chú Hỏa và những người con tiếp nối sự nghiệp của chú được hưởng lợi nhiều nhất.
Biên bản các buổi họp của chính quyền và Hội đồng quản hạt cho biết ông Hui Bon Hoa mua các lô đất ở đầm Boresse. Trong họa đồ đất thành phố Sài Gòn (plan cadastral de la ville Saigon) cũng thể hiện các lô mà Hui Bon Hoa mua, bao gồm: lô 49, 50, 51, phần a tờ thứ nhất, 55, 66, 67, 68, 73, 74, 75, 76 và 81, phần a tờ thứ 3.
Biên bản Hội đồng Thuộc địa: phiên họp Nam Kỳ thuộc Pháp năm 1897 cho biết nguyên khu đường Schroeder (sau này) là của Hui Bon Hoa xây. Ngoài ra, các khu đất xây cất của Hui Bon Hoa ở đầm Boresse cũng được thể hiện qua những nghị định của Chính phủ Đông Dương thuộc Pháp (đăng trên công báo các năm 1897, 1898, 1901). Điều này chứng tỏ Hui Bon Hoa là người có bất động sản lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ.
Bỏ tiền xây cất bệnh viện tặng thành phố
Theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, khi gia sản đã giàu lên tột đỉnh, chú Hỏa mua biệt thự ở Đà Lạt, Vũng Tàu để cho gia đình nghỉ mát. Nghĩ lại thời chân ướt chân ráo tới đất Sài Gòn còn nghèo khổ, chú Hỏa bỏ tiền xây cất một bệnh viện tặng thành phố Sài Gòn để tỏ lòng nhớ ơn nơi đã giúp mình tạo dựng sự nghiệp, đồng thời cũng để mua danh thơm.
Dãy nhà phố thương mại cạnh chợ Bến Thành thuộc sở hữu của Chú Hỏa và các con vào khoảng năm 1930. Nguồn: wikipedia. |
Bệnh viện này lấy tên là Bệnh viện Sài Gòn (nay là Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn), tọa trên đường Bonard (nay là đường Lê Lợi, quận 1, gần chợ Bến Thành). Ngoài bệnh viện này, chú Hỏa còn đứng ra xây dựng hai bệnh viện khác là Bảo sanh viện Đông Dương (nay là Bệnh viện Từ Dũ) và Phước Thiện Y viện (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi).
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, sau khi chú Hỏa mất (1901), đã để lại nhiều gia sản và đất đai nhiều nơi trong thành phố Sài Gòn, các con ông là Tang Hung Hui Bon Hoa (con cả), Tang Chanh Hui Bon Hoa, Tang Phien Hui Bon Hoa tiếp tục điều hành công ty (Theo niên giám Đông Dương 1920, cả ba ông đều làm Giám đốc Công ty Hui Bon Hoa & Ogliastro Cie).
Sau ông Tang Hung về Phúc Kiến lập công ty bất động sản, ông Tang Chanh Hui Bon Hoa (Huỳnh Tăng Chánh) con thứ hai của Hui Bon Hoa là người lo chính từ việc xây cất bất động sản cho đến cầm đồ. Công ty phát triển lớn mạnh trong nhiều thập niên 1910, 1920 và 1930, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và xây cất.
Ngoài ra, các con của Hui Bon Hoa còn lập ra công ty Hui Bon Hoa frères. Công ty này đã mua các lô đất chung quanh đầm Boresse các năm trước khi chợ Mới Bến Thành được xây, như năm 1910 mua các lô đất công trên đại lộ Boulevard de l’Abattoir (Nguyễn Thái Học ngày nay) với giá 1$ / 1m vuông.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.